Việt Nam trước ngưỡng cửa CPTPP: Chất lượng nguồn nhân lực là ‘sống còn’

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về chính trị, kinh tế – xã hội, ngoại giao… Trước những thời cơ và vận hội đang mở ra, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.

Trao đổi tại Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP”, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có mức tăng trưởng 6,81% trong năm qua. Thủ tướng đã tuyên bố mặc dù Quốc hội kỳ vọng năm 2018 con số tăng trưởng là từ 6,5-6,7% nhưng sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng tối thiểu 6,7%.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Những tiếng chuông cảnh báo chất lượng tăng trưởng luôn dồn dập tạo áp lực cho Việt Nam.

“Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP phải nói tới thêm cả là sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung. Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc cho hay.

Nhận định về chất lượng nguồn lao động của thị trường lao động Việt Nam, TS Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH cho biết, nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải bàn.

Cụ thể, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Theo Bản tin Thị trường lao động số 15, tại thời điểm quí 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quí 2/2017 ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.

Theo bà Dung thách thức lớn nhất của lao động Việt Nam đó là tính cạnh tranh sẽ là thách thức lớn nhất trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác. Vì vậy, một trong những đề xuất bà Dung đưa ra đó là tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97