Hoạt động mã số, mã vạch: Ứng dụng, phát triển để phục vụ người tiêu dùng

Trong năm qua, Tổng cục TCĐLCL đã tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng mã số, mã vạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa Việt. Đồng thời triển khai ứng dụng mã số mã vạch trong các chương trình truy xuất nguồn gốc cho rau, quả và thịt lợn.

Mã số mã vạch khẳng định giá trị hàng hóa Việt

Từ năm 1995, xuất phát từ nhu cầu thực tế của việc sản xuất, kinh doanh thương mại trong nước cũng như xuất khẩu, theo đề nghị của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL)  tham gia tổ chức mã số mã vạch quốc tế - EAN International và từ 2005 đổi tên thành GS1.

Việt Nam đã có được mã số quốc gia 893 và Tổng cục/GS1 Việt Nam đã hướng dẫn các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa của Việt Nam ghi mã số mã vạch lên sản phẩm hàng hóa của mình phục vụ cho việc quét và thu nhận dữ liệu tự động, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, kinh doanh, bán hàng, đáp ứng nhu cầu của bạn hàng trong nước và quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cho biết, mã số mã vạch của sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa quan trọng thể hiện giá trị, tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường của sản phẩm, khả năng quản lý, tính cạnh tranh, minh bạch của doanh nghiệp. Sử dụng mã số, mã vạch thể hiện tính hòa nhập thông qua thực hiện những quy định chung, chuẩn mực quốc tế về hàng hóa trên thị trường toàn cầu.

“Khi mã số mã vạch được hiểu là một chỉ số của thương hiệu có giá trị không thể nhầm lẫn, tranh chấp của nhà sản xuất; là trình độ, niềm tự hào của doanh nghiệp và của quốc gia thì lúc đó sẽ có tự tin vươn ra biển lớn, tham gia hội nhập thị trường toàn cầu hóa hiện nay”- ông Vinh nói thêm.

Về vấn đề trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải cho rằng hiện nay xuất xứ hàng hóa và việc xác định xuất xứ hàng hóa có rất nhiều quy định khác nhau và phức tạp. Do đó cần được quy định cho thống nhất và phù hợp, tránh vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Nếu việc ứng dụng mã số mã vạch được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh, Tổng cục có kế hoạch sẽ đưa vào vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm sử dụng mã số mã vạch GS1 theo định hướng phục vụ người tiêu dùng, siêu thị và các đơn vị liên quan vào tháng 3/2018.

Cơ sở dữ liệu quốc gia này có vai trò tích cực hỗ trợ công tác quản lý như trao đổi và kiểm soát thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm, đảm bảo chất lượng mã số mã vạch GS1 đúng quy định, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhà nhập khẩu khi sử dụng mã nước ngoài, đặc biệt áp dụng trong xác định nguồn gốc sản phẩm.

Đề cập đến vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa bằng ứng dụng mã số mã vạch, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCLC Hà Minh Hiệp cho biết, hệ thống các TCVN về mã số mã vạch đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể đã có TCVN về các loại mã số phân định của GS1 có thể sử dụng để định danh đối tượng cần truy xuất nguồn gốc trong hệ thống TXNG; TCVN về các loại mã vạch mã hóa dữ liệu thường sử dụng trên Tem truy xuất nguồn gốc như mã vạch EAN/UPC, GS1-128, QR Code, cũng như tiêu chuẩn về chất lượng mã vạch.

Bên cạnh đó đã có TCVN về yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của tổ chức ISO, cũng như hàng loạt các tài liệu hướng dẫn áp dụng truy xuất nguồn gốc ứng dụng tiêu chuẩn GS1 cho sản phẩm như rau, thịt bò…

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97