Tọa đàm khoa học: Cuộc CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực VH, TT, DL

Cần hiểu thế nào về CMCN 4.0 để ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này vào công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch? Từ đó nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ trong chiến lược, kế hoạch của ngành văn hóa thể thao và du lịch nói chung, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực văn hóa thể thao và du lịch ra sao để thích ứng với những vận động, những đòi hỏi mới của thị trường lao động? Đây là tinh thần chính của tọa đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch”diễn ra vào sáng ngày 19/6/2018 tại Hội trường nhà D – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tham dự tọa đàm, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự hiện diện của PGS.TS. Bùi Quang Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo; ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; PGS.TS. Bùi Văn Tiến – nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo.

Về phía Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Cương – nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Cần – nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi – nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên quan tâm tới chủ đề tọa đàm.

Hiểu thế nào về CMCN 4.0

Tại tọa đàm, các tham luận đã tập trung làm rõ những đặc trưng, nền tảng của CMCN 4.0. Trong đó, vai trò của khoa học và công nghệ được tập trung phân tích để làm bật lên bản chất của CMCN 4.0 so với các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trước đó trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong đối sánh với CMCN 3.0 diễn ra vào thập niên 1970.

Theo PGS. TS. Bùi Quang Hải, CMCN 4.0 “được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo”. Cuộc cách mạng này được đặc trưng bởi sự hỗn dung các loại hình công nghệ và tạo ra sự khuếch tán mạnh mẽ hơn bao giờ hết các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng.

Cũng cùng quan điểm trên, theo PGS. TS. Nguyễn Văn Cương, có thể nhận diện cuộc cách mạng 4.0 dựa trên các đặc điểm: 1. Siêu kết nối vạn vật có tính toàn cầu; 2. Sự phát triển công nghệ với tốc độ cực nhanh; 3. Sự chiếm ưu thế của trí tuệ nhân tạo (AI); 4. Thế giới ảo. Những đặc trưng này, theo ông, sẽ tạo ra “một nền văn hóa trên thế giới ảo, vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt với nền văn hóa ở thế giới thực”.

Đa phần những nhận định về bản chất CMCN 4.0 trong những tham luận khác đều đồng quan điểm với việc nhận diện CMCN 4.0 thông qua các đặc điểm nêu trên. Những phân tích tuy khác nhau về câu chữ, có bổ sung thêm những cách hiểu khác nhau nhưng suy cho cùng, công nghệ chính là yếu tố đóng vai trò nền tảng của CMCN 4.0 với những đột phá về công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ sinh học, bên cạnh những thành tựu vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, lưu trữ năng lượng, vi tính lượng tử…

Nhìn chung, có thể hiểu CMCN 4.0 ở các đặc trưng như sự hợp nhất các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao, sự kết hợp giữa các thực thể và hệ thống ảo, Internet vạn vật (Internet of thing – IoT), người máy, trí tuệ nhân tạo. Khả năng số hóa và kết nối vạn vật trong thế giới thực qua Internet, khả năng kết nối hàng tỉ con người qua thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn (Big data) cũng là những đặc trưng để nhận diện CMCN 4.0.

Tác động của CMCN 4.0 tới đào tạo đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch

Đây là nội dung chủ yếu, được bàn luận từ những vấn đề chung nhất tới những tác động cụ thể, gắn với thực tế đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Từ việc nhận định bản chất CMCN 4.0, các tham luận cùng với các ý kiến đóng góp tại tọa đàm đã chỉ ra những xu thế thay đổi trong việc làm và các kĩ năng cần thiết trong tương lai, trong bối cảnh robot với trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người trong nhiều công việc/ giai đoạn trong chu trình sản xuất.

Trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực liên quan mật thiết tới công tác đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, các dự báo từ những tác động của CMCN 4.0 trong các tham luận cho thấy, ngành này không nằm ngoài vòng xoáy của “cơn lốc” khoa học và công nghệ đang làm xóa nhòa đi ranh giới giữa ảo và thực, tạo ra những nền tảng sản xuất vật chất mới và những thách thức không hề nhỏ trong việc gìn giữ và khẳng định bản sắc. Bởi vậy, ngoài việc phân tích những tác động tới nguồn nhân lực các ngành nghề trong tương lai nói chung, nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng, các tham luận đã hướng sự chú ý vào phân tích tình hình thực tiễn trong công tác đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhằm gợi mở, đề đạt những giải pháp về chiến lược đầu tư, những giải pháp cụ thể để tạo thế chủ động thích ứng với CMCN 4.0. Đây cũng là những nội dung chính trong tham luận của TS. Chử Thị Thu Hà về “Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Khi phân tích các đặc điểm của CMCN 4.0, thời cơ, thách thức đối với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, TS. Chử Thị Thu Hà đã nêu ra một số giải pháp chính như: Chương trình đào tạo của Nhà trường cần bám sát nhu cầu của xã hội; nâng cao sự quan tâm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường về bản chất cuộc CMCN 4.0; duy trì những ngành học truyền thống nhưng cũng cần nghiên cứu thị trường lao động để mở thêm các ngành học mới; chú trọng hợp tác với các đơn vị tuyển dụng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu…

TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tập trung vào việc gợi mở sự đổi mới phương pháp dạy học, trong đó chú ý đến áp dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy để tận dụng và thích ứng với CMCN 4.0. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân cụ thể hóa việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức nghệ thuật biểu diễn hiện nay.

Một phân tích cụ thể, trực quan về vai trò của công nghệ trong đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là việc “ứng dụng tổ chức lớp học ảo cho sinh viên để biến quá trình đào tạo đại học thành tự đào tạo” của PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi. Theo bà, Facebook là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tạo ra các lớp học ảo để gắn kết các sinh viên trong cùng nhóm học, tạo ra công cụ liên lạc hiệu quả giữa giảng viên và sinh viên… Đây là ví dụ rõ ràng nhất về việc công nghệ đã thay đổi cách thức giảng dạy, học tập như thế nào.

Nhìn chung, khi bàn tới tác động của CMCN 4.0 tới nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các tham luận và các ý kiến đóng góp tập trung phần lớn vào việc phân tích tác động của các yếu tố công nghệ và ứng dụng công nghệ vào công tác giảng dạy, đào tạo. Bên cạnh đó, việc phân tích xu hướng thị trường lao động, các kĩ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của việc làm trong tương lai cũng là một vấn đề được lưu tâm. Phát biểu tổng kết Tọa đàm, ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo khẳng định qua những tham luận và ý kiến đóng góp, tọa đàm đã hệ thống được những tri thức về CMCN 4.0 để nhận diện bản chất của cuộc cách mạng này, từ đó có cách tiếp cận trước những cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra đối với việc đào tạo nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và đối với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng trong việc định hướng, xây dựng và đổi mới chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu mới của xã hội.

Pages: 1 2 3 4 5 6