Quảng bá văn hóa Việt thời Covid-19

Năm 2020 qua đi, với nhiều biến cố dịch bệnh, thiên tai lớn ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta nhìn lại mọi việc và thay đổi thói quen. Văn hóa nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Việc “xuất khẩu”, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, theo cách truyền thống đã không còn phù hợp. Thay vào đó, các chương trình văn hóa nghệ thuật trực tuyến, quảng bá qua mạng xã hội… đang là lựa chọn tối ưu nhất được khai thác.

Du khách quốc tế tham quan phiên chợ vùng cao trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban, tỉnh Điện Biên

Nỗ lực từ trong nước…

Việt Nam may mắn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát được tốt dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại. Điều này giúp người dân được sinh hoạt bình thường trở lại. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang trải qua những ngày tháng căng thẳng chống dịch. Điều này khiến hoạt động giao thương giữa các quốc gia bị ngưng trệ, trong đó có lĩnh giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động văn hóa ở Việt Nam ngưng trệ, nhưng không đóng băng, các nghệ sỹ dần dịch chuyển lên mạng xã hội và thêm nhiều sức ảnh hưởng trong khu vực.

Là một nghệ sĩ có nhiều hoạt động nổi bật trong việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động văn hóa thời Covid-19. Thế nhưng, thay vì “xuất khẩu” các sản phẩm của mình ra thế giới, Nhạc sĩ lại có nhiều thời gian cho việc sáng tác, nghiên cứu.

“Đại dịch Covid-19 buộc chúng ta không thể ra nước ngoài, thay vào đó tôi có cơ hội để đi điền dã tại các vùng núi cao lấy chất liệu cho các sáng tác của mình. Thành quả của chuyến đi đó tôi đã cho ra được ca khúc “Giấc mơ trên lưng”. Cảm hứng cho sáng tác này, bắt nguồn từ hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông cõng con trên lưng đi qua những vách đá để làm nương. Sáng tác mang âm hưởng âm nhạc dân tộc Mông, kết hợp với tư duy âm nhạc cá nhân và cách hòa âm. Trong thời gian tới, đây sẽ là tác phẩm được giới thiệu tới bạn bè quốc tế”, Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động sáng tác, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cũng đã tổ chức các buổi thu âm tại nhà, hát trực tuyến để giới thiệu các sáng tác tới độc giả. Mặc dù hình thức này không được tương tác trực tiếp với khán giả, nhưng cũng góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa tới công chúng. Đồng thời, nhằm khẳng định hoạt động văn hóa luôn dịch chuyển từng ngày, không một giây phút nào đứng yên.

Với lợi thế về sức trẻ, nhận thức nhanh nhạy, chị Tần Mý Lai, sinh sống tại thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã quảng bá văn hóa dân tộc Dao của mình qua kênh Youtube cá nhân có tên IU MIEN SH. Hiện kênh của chị Lai có 1,91 nghìn người đăng ký, chủ yếu là người dân tộc Dao.

Kênh Youtube của chị Tần Mý Lai hoạt động khá sôi nổi, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội do dịch đại Covid-19. Nội dung kênh xây dựng là các bộ phim ngắn về văn hóa sinh hoạt hằng ngày, câu chuyện mang ý nghĩa nhân sinh phát bằng tiếng Dao, trang phục truyền thống.

Chị Lai cho biết: “Có rất nhiều người Dao hiện nay đang định cư ở nước ngoài: Mỹ, Canada, Thái Lan, Lào… khi nói chuyện, tôi thấy họ rất nhớ, cũng như muốn biết thêm nhiều về văn hóa dân tộc mình. Chính bởi vậy, Youtube giúp tôi và những người con xa xứ gắn kết với nhau hơn”. Với ý tưởng này, chị Lai đã giúp những người bạn nơi đất khách quê người thêm yêu, nhớ và tự hào về văn hóa dân tộc Dao.

Việt Nam ngày càng trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch

Tới cộng đồng nước ngoài

Không chỉ hoạt động sôi nổi trong nước, tại nước ngoài, các tổ chức, cá nhân đang sinh sống học tập, cũng có nhiều hoạt động sôi nổi với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Một trong những hoạt động đó là sự kiện ra mắt cuốn sách “Dệt nên triều đại” – cuốn sách song ngữ đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê Sơ ra mắt tại Australia. Đây là sản phẩm công phu trong chuỗi các dự án, từ các buổi biểu diễn đến xuất bản ấn phẩm của tổ chức hoạt động độc lập, phi chính phủ Vietnam Centre (VNC).

“Dệt nên triều đại” lúc đầu là một dự án trình diễn do các thành viên VNC tổ chức thực hiện và đã thành công tại Sydney (Australia) vào năm 2018. Dự án tái hiện nghi lễ, trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ (1437 – 1471) dưới hình thức một buổi trình diễn kéo dài hai tiếng. Sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc cùng trang phục và lễ nghi cung đình Việt Nam đã thu hút rất nhiều khán giả nước ngoài.

Quan họ đã vượt qua ranh giới quốc gia và lan tỏa rộng rãi

Với khát khao mang văn hóa Việt Nam ra thế giới, các thành viên của VNC đều mong muốn, những buổi trình diễn, giới thiệu văn hóa Việt Nam sắp tới sẽ không chỉ dừng lại ở Sydney, mà còn tại nhiều thành phố khác ở Australia. Trong bối cảnh dịch đại Covid-19 bùng phát, có thể xem đây là một trong những dự án ấn tượng cho câu chuyện quảng bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế.

Hiện nay, các giao dịch thương mại toàn cầu về văn hóa ngày càng gia tăng đã chứng minh, văn hóa chính là một loại “sức mạnh mềm”, có sức truyền bá lớn lao vượt ra ngoài biên giới, thúc đẩy sự đối thoại, hiểu biết về văn hóa giữa các quốc gia. Việc phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, đề cao các giá trị của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói riêng và đóng góp cho sự đa dạng văn hóa, cho sự phát triển bền vững của nhân loại nói chung.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60