Sự gắn kết giữa kinh tế và văn hóa – Chìa khóa cho sự phát triển lâu bền của xã hội.

Ngày nay, sự phát triển của một quốc gia  không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển khoa học – kỹ thuật và công nghệ mà còn phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, vào sự giàu có cả vật chất và tinh thần. Do đó, văn hoá là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hoá, đặc biệt là văn hoá truyền thống cần phải đóng vai trò điều tiết tinh thần cho sự phát triển này. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 1992 đã khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế là phương tiện cơ bản để có được sự phát triển, nhưng bản thân nó chỉ là một đại diện không hoàn hảo của tiến bộ”(1).Thật vậy, xét đến cùng thì kinh tế là yếu tố quyết định sự tiến bộ của xã hội. Song, tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển xã hội không phải chỉ căn cứ vào yếu tố kinh tế. Trong một thời gian dài, con người đã coi việc tăng trưởng kinh tế là tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội. Vì vậy, người ta đã quá chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ để ứng dụng vào sản xuất nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà quên đi các yếu tố cần thiết khác cho sự phát triển của xã hội.Không ai có thể phủ nhận vai trò của khoa học trong sự phát triển của nhân loại. Nhờ có khoa học mà loài người mới có được toàn bộ nền văn minh như ngày nay. Trên thực tế, khoa học và công nghệ giữ vai trò quyết định đối với việc phát triển sản xuất, từ việc cung cấp các trang thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, đến việc cung cấp thông tin, tổ chức và quản lý sản xuất. Do đó, có thể khẳng định rằng, khoa học và công nghệ là cơ sở  nền tảng và là động lực của sự phát triển sản xuất. Đặc biệt, các phát minh khoa học, kỹ thuật và công nghệ quan trọng nhất trong ba, bốn chục năm gần đây, như công nghiệp lade, năng lượng nguyên tử, du hành vũ trụ, công nghệ vi sinh, công nghệ gen, v.v. đã nâng đời sống vật chất của nhân loại lên tầm cao mới.Tuy nhiên, bên cạnh những điều kỳ diệu mà khoa học đem đến cho con người thì càng ngày, con người càng phải đối mặt với những hậu quả do nó gây nên. Ví dụ, công nghệ sinh học, một trong những công nghệ chiếm ưu thế nhất trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, đã giúp cho con người hiểu biết sâu hơn về bản chất sự sống; những ứng dụng trong công nghệ sinh học đã làm cho cuộc sống vật chất của con người ngày càng hoàn thiện. Song, những mặt trái của công nghệ sinh học cũng đang gây ra những hậu quả xấu cho con người. Ví như, dựa vào những thành tựu của công nghệ sinh học, người ta đã lạm dụng các hoá  chất đưa vào trồng trọt, chăn nuôi và do vậy, đã gây hậu quả xấu; lợi dụng kỹ thuật gen, người ta đã tạo ra các loài sinh vật mới không đảm bảo chất lượng, tạo ra “vũ khí gen” và “bom sắc tộc” có sức huỷ diệt cả một chủng tộc, một nòi giống; khả năng nhân bản vô tính người do công nghệ sinh học đem đến, nếu không được sử dụng đúng mục đích cũng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường(2).Con người sử dụng khoa học và công nghệ để biến đổi và cải tạo tự nhiên nhằm phục vụ cho nhu cầu sống của mình và sự phát triển của xã hội là hoạt động cần thiết và tất yếu. Song, chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế, con người đã can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Vì vậy, bên cạnh sự phát triển của khoa học công nghệ mà đi kèm với nó là sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, con người đang phải gánh chịu những hậu quả khôn lường về môi trường do chính mình gây ra. Sự sống và hoạt động của con người hiện đại không thể được đảm bảo khi chỉ có khoa học, công nghệ và sự tăng trưởng kinh tế. Để đảm bảo cho sự tồn tại lành mạnh, con người cần phải có một môi trường tự nhiên trong lành.

Như vậy, từ chỗ kỳ vọng vào sức mạnh của khoa học, sức mạnh vạn năng có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người thì càng ngày, người ta càng thấy rõ mặt trái của nó. Con người đã sớm nhận ra rằng, những tiến bộ về kinh tế, về kỹ thuật, khoa học và công nghệ chưa đủ để đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa, trong các hoạt động sống của con người, có những lĩnh vực mà sự tác động của khoa học còn rất hạn chế, có những lĩnh vực mà khoa học không thể can thiệp. Thậm chí, chỗ mà khoa học đạt tới đôi khi lại là chỗ các giá trị nhân văn phải hy sinh.

Càng ngày người ta càng nhận thức rõ rằng, sự phát triển của một quốc gia không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu định lượng GNP, GDP theo bình quân đầu người, v.v., mà còn phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, vào sự giàu có cả về vật chất và tinh thần. Con người đã thay đổi quan niệm về tiến bộ xã hội. Người ta đã thấy rõ rằng, tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội không thể chỉ căn cứ vào sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự tăng trưởng kinh tế, mà “các giá trị nhân văn, sự tự do của con người phải được coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi bàn đến tiến bộ xã hội trong điều kiện ngày nay”(3). Như vậy, muốn đạt đến tiến bộ xã hội thì phải có sự phát triển bền vững. Do đó, vấn đề phát triển bền vững hay phát triển lâu bền đang là sự quan tâm sâu sắc của loài người.

Khi đi tìm nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người, các nhà nghiên cứu đã chuyển sự chú ý sang văn hoá. Họ ngày càng hiểu rằng, văn hoá, mà cái cốt lõi là phẩm chất nhân đạo của sự phát triển, giữ một ý nghĩa to lớn đối với sự tiến bộ của xã hội loài người và đối với đời sống của từng con người. Tại Đại hội Triết học thế giới lần thứ XVII (năm 1983) ở Canađa, nhiều nhà triết học đại biểu cho các trường phái triết học khác nhau trên thế giới cũng đã đề nghị chuyển một trong những trọng tâm nghiên cứu của triết học thế giới từ triết học khoa học (philosophy of science) sang triết học văn hoá (philosophy of culture).

Năm 1988, UNESCO đã phát động thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá. Trong bài phát biểu nhân lễ phát động Thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá, ông Federico Mayor – Tổng giám đốc UNESCO đã nhấn mạnh: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời môi trường văn hoá thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế lẫn mặt văn hoá, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ suy yếu đi rất nhiều”(4).

Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có, sự phát triển không phải chỉ là lao động, vốn kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên, mà còn là và ngày càng chủ yếu là tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này lại nằm trong văn hoá, nghĩa là trong sự hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng.

Theo nghĩa rộng, văn hoá được hiểu là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần của hoạt động người trong các quan hệ với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội được lưu giữ, truyền thụ, tiếp biến từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm duy trì và phát triển cuộc sống của cộng đồng, hướng đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Từ những hoạt động của con người trong các mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội đã hình thành nên một lối sống, một cách thức ứng xử, một thái độ, v.v. của con người đối với vũ trụ và đối với nhau, được biểu hiện thành những giá trị, những hệ thống chuẩn mực xã hội, những quan niệm và những biểu tượng hay hệ tư tưởng và triết lý sống(5).

Mọi quốc gia, mọi dân tộc đều tiến về phía trước nhưng bằng nhiều con đường, với những cách thức và bước đi khác nhau. Điều đó suy cho cùng là do các quốc gia có cội nguồn, truyền thống văn hoá, lịch sử khác nhau. Sự phát triển kinh tế của một đất nước chỉ có thể được coi là bền vững khi nó bám rễ vững chắc vào truyền thống văn hoá dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Có dự báo cho rằng, thế kỷ XXI sẽ xuất hiện những nước tiên tiến kiểu mới, không giống các cường quốc ở thế kỷ XX. Trong các quốc gia tiên tiến kiểu mới này, sự phát triển kinh tế thị trường ngày càng gắn bó với môi trường văn hoá – môi trường sáng tạo và nhân văn hoá các giá trị tốt đẹp của con người.

Xu thế kết hợp tăng trưởng kinh tế với văn hoá như một quá trình thực tiễn nhân văn đang và sẽ diễn ra trong bối cảnh hợp tác và đấu tranh vì sự phát triển. Xu thế ấy tuy không diễn ra đồng đều ở các quốc gia và khu vực, nhưng ngày càng trở thành thách thức sống còn đối với các xã hội đương đại.

Nhận thức rõ xu hướng phát triển đó, ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có những nhận thức mới về sự phát triển khi khẳng định rằng: “Văn hoá là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hoá phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội, luật pháp, kỷ cương,… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(6).

Việt Nam hiện nay đang xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần khẳng định rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm, là bước tiến của nhân loại trên con đường phát triển kinh tế trong thời đại hiện nay. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta tiếp thu, lựa chọn cho sự phát triển đất nước, tự nó đã mang tính nhân văn cao cả. Tuy nhiên, để xây dựng thành công mô hình kinh tế đó là cả một quá trình khó khăn, phức tạp. Bởi, bên cạnh những yếu tố tích cực mà nền kinh tế thị trường mang lại, như thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, kích thích tính năng động của con người và xã hội, khuyến khích phát triển mọi năng lực sản xuất, đẩy nhanh việc áp dụng các thành tựu mới của khoa học và công nghệ, tăng năng suất lao động, v.v., thì kinh tế thị trường cũng bộc lộ những mặt tiêu cực vốn có của nó. Đó là các hoạt động của hệ thống kinh tế ngầm, như buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép, v.v., làm gia tăng sự băng hoại về đạo đức, tha hoá về lối sống của nhiều người trong xã hội. Kinh tế thị trường cũng dẫn đến tình trạng phân hoá, bất bình đẳng xã hội; tình trạng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống, v.v..

Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta thấy văn hoá cần phải đóng vai trò điều tiết tinh thần, phải góp phần đắc lực vào việc khai thác những nhân tố tích cực, hạn chế những nhân tố tiêu cực của mối quan hệ hàng hoá – tiền tệ trong xã hội. Văn hoá phải góp phần làm lành mạnh hóa các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa người và người. Kinh nghiệm thực tế của một số quốc gia phát triển thành công trong khu vực đã cho thấy, các yếu tố văn hoá và truyền thống, trong đó có tính cộng đồng và ý thức dân tộc, được thể hiện rất cao trong quan hệ làm ăn, kinh doanh; sự ham học hỏi, ham hiểu biết; sự cần cù vươn lên; tính nghiêm túc, kỷ luật cao trong công việc đã được nhấn mạnh và được coi là nhân tố thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế và đảm bảo một sự phát triển cân đối, bền vững của các nước này.

Điều đó cho chúng ta thấy rõ hơn việc cần thiết phải phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới. Bởi vì, “Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng  rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”(7). Trải qua hàng nghìn năm chìm đắm dưới ách thống trị và đô hộ của nước ngoài mà dân tộc Việt Nam không bị đồng hoá thì đó, trước hết, chính là nhờ sức sống mãnh liệt của nền văn hoá đầy bản sắc của dân tộc và chính nền văn hoá đó lại “chứng minh sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam”(8).

Dân tộc Việt Nam đã làm nên biết bao kỳ tích trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngày nay, chúng ta cũng cần phải có những kỳ tích mới trong việc xây dựng một quốc gia phát triển, có tầm vóc trong khu vực và trên thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc, biết kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố kinh tế và văn hoá.

Trong giai đoạn hiện nay, để phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng nhân văn, chúng ta rất cần những con người có văn hoá, có tri thức, có tâm huyết, đức hạnh để làm nhà sản xuất, kinh doanh giỏi. Bởi vì, bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào cũng phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm xã hội phải trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu của đạo đức kinh doanh.

Văn hoá cũng cần phải được kết hợp với việc hoạch định chính sách của các nhà quản lý kinh tế – xã hội. Thực tế đã cho thấy, một chính sách phát triển đúng đắn phải là chính sách làm cho các yếu tố văn hoá thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người. Hàm lượng trí tuệ, hàm lượng văn hoá trong các lĩnh vực của đời sống con người càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế – xã hội càng trở nên hiện thực bấy nhiêu.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của một nhà nghiên cứu trong Hội thảo Văn hoá và Kinh doanh (1995) rằng, “… cái văn hoá quan trọng nhất và có thể cần nâng cao nhanh nhất hiện nay để từ đó khơi động tổng thể nhân tố văn hoá trong phát triển kinh tế – xã hội là văn hoá lãnh đạo, quản lý kinh tế – xã hội…, vì lãnh đạo quản lý là nhân tố then chốt trực tiếp quyết định khả năng phát triển kinh tế – xã hội”. Đó là việc làm cần thiết để chúng ta có thể đi đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60