Bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa là những yếu tố văn hoá đặc trưng cho từng cấp độ chủ thể văn hoá.

Nó được coi là cốt lõi của triết lý phát triển ở mỗi cộng đồng dân tộc. Toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả văn hoá. Vì vậy, việc xây dựng  bản sắc văn hoá mới, phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước và đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại nhưng không  làm mất diện mạo độc đáo của dân tộc là mục tiêu trọng tâm của các quốc gia trong điều kiện toàn cầu hoá. Trong quá trình đó, cần phải giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chống nguy cơ lai căng hoá; đồng thời, dung nạp những yếu tố văn hoá tiến bộ và loại bỏ những yếu tố văn hoá lạc hậu.Toàn cầu hoá gắn liền với những thành tựu kinh tế, khoa học và công nghệ, như thông tin cáp, kinh tế số, Internet,… Toàn cầu hoá tạo ra các luồng hàng hoá, tư bản xuyên quốc gia và làm cho không gian của các nền kinh tế, văn hoá đan xen vào nhau. Dưới tác động của toàn cầu hoá, các dân tộc và các cá nhân buộc phải xích lại gần nhau, liên kết với nhau trong sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển.Những lợi ích của toàn cầu hoá là không thể phủ nhận, nhưng nó cũng đem lại không ít thách thức và tiêu cực, như sự đảo lộn cấu trúc nhân lực trong xã hội công dân, sự phân hoá giàu nghèo, sự đụng độ giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập… Đó là những vấn đề mà các nước phải đương đầu khi bắt đầu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Thách thức đặt ra ở đây đối với nền văn hoá của các nước là phải giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, mở cửa hội nhập với thế giới mà vẫn duy trì được bản sắc dân tộc?…Thế giới mà chúng ta đang sống là một di sản văn hoá đặc biệt, ràng buộc chúng ta với tổ tiên và con cháu chúng ta, phân biệt chúng ta với những thành viên của các nền văn hóa khác. Các dân tộc khác nhau để lại trong văn hóa những đặc điểm văn hoá dân tộc khác nhau. Lịch sử loài người là quá trình trao đổi và giao lưu giữa các nền văn hoá. Sự trao đổi và giao lưu văn hoá đó khiến cho mỗi nền văn hoá, trong quá trình “va chạm” với nhau, trên cơ sở gìn giữ bản sắc văn hoá của mình, đã đồng thời hấp thụ và tham khảo các nền văn hoá khác, thậm chí còn hình thành sự hoà đồng giữa các nền văn hoá khác nhau về chất(1).Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hoá, cùng với những thay đổi mang tính cách mạng trong khoa học và công nghệ, sự giao lưu, mức độ tác động qua lại giữa các nền văn hoá càng thêm mạnh mẽ và sâu sắc. Tuy nhiên, liệu có thể coi sự tương tác và giao lưu văn hoá trong thời đại ngày nay là toàn cầu hoá văn hoá hay không? Đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Bởi lẽ, không ít người cho rằng, xu hướng của mọi quá trình toàn cầu hoá là đi đến nhất thể hoá. Nói cách khác, chỉ những quá trình nào dẫn đến sự kiến tạo nên các hệ chuẩn mực chung cho toàn nhân loại thì mới được gọi là toàn cầu hoá. Và, một khi toàn cầu hoá được hiểu như vậy thì sẽ không thể có toàn cầu hoá văn hoá. Thế nhưng, nhiều học giả lại có quan niệm khác về toàn cầu hoá mà theo đó, toàn cầu hoá chỉ đơn giản là quá trình mở rộng phạm vi giao tiếp và trao đổi giữa người với người đạt đến cấp độ toàn thế giới. Với quan niệm này, toàn cầu hoá văn hoá là khái niệm hoàn toàn có thể chấp nhận. Nó phản ánh không chỉ xu hướng nhất thể hoá các chuẩn giá trị, mà còn bao hàm tất cả những hậu quả có thể có do giao lưu và tương tác văn hoá đem lại. Chẳng hạn như sự dung nạp lẫn nhau giữa các yếu tố của các nền văn hoá khác nhau để hình thành nên hệ giá trị chuẩn chung cho toàn nhân loại; sự va chạm và đụng độ giữa các nền văn hoá ở cấp độ toàn cầu; xu hướng bài ngoại, chủ nghĩa biệt lập văn hoá, v.v..Với cái nhìn đó, toàn cầu hoá văn hoá đang hàm chứa trong bản thân nó hai khuynh hướng chủ đạo song lại trái ngược nhau:

a. Toàn cầu hoá văn hoá đang đặt nền móng cho một hiện thực văn hoá theo nghĩa rộng – văn hoá của toàn nhân loại. Nói cách khác, toàn cầu hoá đang xác lập nên hệ giá trị chung đại diện cho con người – nhân loại, xét trong quan hệ với giới tự nhiên và trong quan hệ ứng xử giữa các dân tộc trên thế giới.

b. Toàn cầu hoá đang đánh thức sự phản tư văn hoá ở tất cả các dân tộc trên thế giới. Nó kích thích nhu cầu khẳng định bản sắc trước nguy cơ bị hoà tan vào môi trường văn hoá bên ngoài. Bởi lẽ, mỗi dân tộc, để tồn tại được đến ngày nay, đã phải đấu tranh không ngừng để bảo tồn “cái tôi” độc đáo của mình. Và, tính độc đáo ấy chính là bản sắc của mỗi dân tộc – cái cơ sở văn hoá dùng để khu biệt cộng đồng dân tộc này với các cộng đồng dân tộc khác trong lịch sử.

Một mặt, văn hoá thẩm thấu vào tầng tâm thức sâu xa của con người và do vậy, nó không dễ gì bị vứt bỏ hay có thể cải tạo bất cứ lúc nào. Mặt khác, văn hoá có rất nhiều bình diện mà không thể tiến hành phân chia một cách đơn giản bằng sự so sánh hơn kém. Một số phong tục tập quán, quan niệm giá trị, có thể bị dân tộc khác coi là lạc hậu, không hoàn thiện, nhưng do thích hợp với lối sống của dân tộc đó, cũng vẫn tiếp tục được bảo lưu.

Đây là những lý do để nhiều nhà văn hoá học hiện nay đi tới kết luận rằng: toàn cầu hoá văn hoá sẽ không đẻ ra một thứ văn hoá duy nhất và độc tôn cho toàn thế giới; và cũng không hề làm tiêu biến các nền văn hoá dân tộc khác, mà trái lại, nó lấy tính đa dạng của các nền văn hoá dân tộc làm cơ sở phát triển(2). Do vậy, sẽ là hết sức phi lý khi cho rằng, toàn cầu hoá sẽ làm tiêu biến các nền văn hoá bản địa để thay vào đó một sự nhất thể hoá về văn hoá. Điều này cũng tương tự như việc người ta hình dung về một cộng đồng mà không có các cá thể.

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận một sự thật là, “toàn cầu hoá đang làm suy yếu lực hướng tâm văn hoá của các nhà nước dân tộc, ngay cả các cường quốc kinh tế cũng không thể tránh khỏi”(3). Toàn cầu hoá hiện đang làm thay đổi kết cấu của không gian toàn cầu và do vậy, làm cho toàn bộ xã hội và văn hoá phát sinh những biến đổi to lớn. Điều này khiến cho các quốc gia phải có chiến lược phát triển văn hoá cho phù hợp với xu thế mới. Muốn vậy, các quốc gia này phải cấu trúc lại xã hội và do đó, không thể không làm thay đổi kết cấu văn hoá (4).

Đã có không ít nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình toàn cầu hoá đang tạo ra sự thay đổi, thậm chí phá hoại bản sắc văn hoá dân tộc trong lòng một quốc gia. Sự thay đổi này thường là ngấm ngầm, dần dà và thường diễn ra một cách vô thức. Điều nguy hiểm là, một khi tính đồng nhất của một cộng đồng bị tổn thương sẽ kéo theo quá trình phân giải các giá trị, tức là làm mất đi những biểu trưng, tín ngưỡng, những quan niệm giá trị đã bắt rễ sâu trong lịch sử dân tộc (5).

Một số chính phủ đã viện đến bản sắc văn hoá dân tộc, đến các ý thức hệ truyền thống và cả tôn giáo để chống lại sự áp đặt từ phía những nước lớn (những nước lớn này thường nhân danh các giá trị và chuẩn mực văn hoá toàn cầu để đề ra những quyết định bất lợi cho các nước yếu hơn). Sự hồi sinh của các nền văn hoá dân tộc, “ý thức tìm về cội nguồn” là một cách thức nhằm khẳng định lại vị thế của dân tộc mình, là phản ứng chống lại xu hướng đồng nhất hoá văn hoá một cách có dụng ý của các cường quốc. Có thể thấy rõ phản ứng chống lại quá trình “Mỹ hoá”, hoặc xu thế chống lại sự bá quyền văn hoá của phương Tây từ phía các nước đang và chậm phát triển. Phần lớn các nước này đều coi việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc là một hình thức an ninh chiến lược, quyết định sự tồn vong của cả nhà nước lẫn dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá. “Họ đẩy văn hoá lên thành thứ “quyền lực mềm” của chính trị quốc tế, làm nảy sinh ý thức về chủ quyền văn hoá. Bảo vệ văn hoá cũng tức là bảo vệ chủ quyền quốc gia”(6).

Sự phục hưng của văn hoá dân tộc, nhìn từ mặt tích cực, đang tạo nên sự đa dạng về văn hoá. Nhưng nhìn từ mặt tiêu cực, sự hồi sinh của các nền văn hoá bản địa ở mức độ nào đó lại đánh thức nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu – những cái vốn đã “ngủ yên” trong quá khứ. Chẳng hạn như sự hồi sinh của một số yếu tố văn hoá quá khứ có thể sẽ biến chất để chuyển thành động thái chính trị cực đoan, mà cụ thể là: những thù hằn lịch sử, thái độ kỳ thị dân tộc, chủ nghĩa sôvanh,… Hiện chúng ta đang phải chứng kiến sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của những mâu thuẫn dân tộc, xung đột tộc người, phân tranh tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố trong điều kiện toàn cầu hoá.

Chính vì nhu cầu khẳng định bản sắc văn hoá được nhiều quốc gia đồng nhất với nhu cầu an ninh chính trị của cộng đồng dân tộc trong điều kiện toàn cầu hoá, nên nhiều cuộc xung đột quốc tế hiện nay đang nhuốm màu sắc của sự đụng độ văn hoá. Một khi được núp dưới lớp vỏ văn hoá, xung đột quốc tế sẽ ngày càng trở nên khó giải quyết, bởi các bên tham dự sẽ căn cứ vào thước đo giá trị và tiêu chuẩn nhân văn riêng của mình để nhận thức, đánh giá bản chất của xung đột; và trong tình huống đó, thật khó có thể tìm ra được tiếng nói chung để giải quyết những xung đột kiểu như vậy một cách hòa bình.  Điển hình cho những xung đột nhuốm màu sắc văn hoá là các cuộc tranh chấp giữa Palextin và Ixraen, giữa Ấn Độ với Pakixtan…

Để giải quyết thành công những đụng độ nói trên, việc đối thoại, tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hoá và thái độ khoan dung, bảo tồn tính đa dạng văn hoá là những tiền đề không thể thiếu. “Đối thoại giữa các nền văn hoá, các nền văn minh là hòn đá tảng của lời giải toàn cầu cho mọi cuộc xung đột và bạo lực, đặc biệt là cho những gì dựa trên chủ nghĩa cuồng tín và tính cố chấp”(7). Nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra chỉ vì người ta thường sợ những người khác với mình, và “chỉ bằng cách đối thoại mới có thể vượt qua những nỗi sợ hãi kiểu như vậy”(8).

Trong một thế giới đang bị toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay thì không có nền văn hoá hay văn minh nào lại lấy tính biệt lập làm cơ sở để tồn tại. Nếu như vậy, việc bảo vệ và phát huy những nhân tố tích cực trong văn hoá dân tộc, việc loại bỏ những nhân tố tiêu cực, lạc hậu gây kìm hãm sự phát triển và tiềm chứa khả năng gây xung đột phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia dân tộc trong tiến trình hội nhập.

Hiện nay, giới nghiên cứu văn hoá đều thống nhất ở quan điểm cho rằng, mỗi một nền văn hoá dân tộc đều được cấu thành từ nhiều lớp văn hoá: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá do giao lưu và tiếp biến. Vậy, bản sắc văn hoá thuộc lớp văn hoá nào trong nền văn hoá dân tộc? Đã có nhiều học giả coi lớp văn hoá bản địa là nội dung chủ đạo của bản sắc(9). Tuy nhiên, cách tiếp cận ấy cũng gặp phải không ít khó khăn bởi một vài lý do như sau:

a. Văn hoá bản địa (thường là văn hoá tộc người – ethnic culture) lại tồn tại trước khi có nhà nước dân tộc. Một nhà nước dân tộc có thể bao gồm nhiều tộc người và các tộc người này thường sống vắt qua biên giới của nhiều nhà nước dân tộc khác nhau. Chính điều đó làm cho khái niệm văn hoá bản địa không thể giữ vai trò đặc tả văn hoá của cộng đồng người nằm trong khuôn khổ nhà nước hiện đại (mà cộng đồng ấy chính là dân tộc – nation).

b. Văn hóa được truyền giao theo con đường giao tiếp xã hội, chứ không phải là di truyền. Bởi vậy, giao lưu và tiếp biến văn hoá (acculturation) là phương thức tồn tại của mọi nền văn hoá. Tuy nhiên, giao lưu và tiếp biến tuyệt nhiên không phải là phép cộng gộp các yếu tố văn hoá bên trong với bên ngoài để tạo ra một tổng thể văn hoá mang tính cơ học hay số học. Trái lại, chúng là một quá trình tương tác biện chứng và luôn dẫn đến kết quả là một “chất văn hoá” mới ra đời – cái chất vốn không có trong các yếu tố văn hoá thành phần.

Tính phức tạp nói trên trong việc định vị bản sắc văn hoá dân tộc đã buộc nhiều học giả khi nghiên cứu bản sắc văn hoá dân tộc phải sử dụng đến cách tiếp cận hiện tượng luận - thiên về mô tả các hiện tượng văn hoá đặc thù tồn tại trong đời sống của một cộng đồng người cụ thể. Với cách tiếp cận đó, J.A.Loughney định nghĩa: “Bản sắc văn hóa có nghĩa là một con người thể hiện được trọn vẹn nhất bản chất con người trong phạm vi một văn cảnh đã được chấp nhận gồm những biểu tượng, phán xét, giá trị, cách ứng xử truyền thống và quan hệ với những con người cụ thể khác, và những người này cũng tự ý thức được rằng họ làm thành một cộng đồng”(10). Dưới cái nhìn hiện tượng luận, bản sắc văn hoá thường được quy về truyền thống, tập quán, tính cách dân tộc, biểu trưng, tín ngưỡng, các giá trị đã bắt rễ sâu trong lịch sử của mỗi dân tộc,… (11).

Thông qua việc tổng kết các quan điểm khác nhau, có thể định nghĩa một cách vắn tắt về bản sắc văn hoá như sau: Bản sắc văn hoá là những yếu tố văn hoá đặc trưng cho từng cấp độ chủ thể văn hoá được xét đến. Bản sắc văn hoá giúp khu biệt cộng đồng văn hoá này với cộng đồng văn hoá khác.

Ai cũng biết rằng, con người khi hoạt động kinh tế không chỉ dựa trên các chuẩn mực pháp lý, tri thức, sự hiểu biết của họ về lĩnh vực họ đang làm, mà còn bị dẫn dắt và chi phối bởi các giá trị văn hoá, như đạo đức, thẩm mỹ, truyền thống, triết lý mà họ được thừa hưởng từ giáo dục và từ môi trường sống, tóm lại là từ bản sắc văn hoá của cộng đồng mà trong đó, họ là một thành viên.

Bởi vậy, bản sắc văn hoá là cốt lõi của triết lý phát triển ở mỗi dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc văn hoá và nghiên cứu cách thức phát huy nó cho sự phát triển của đất nước, của địa phương mình, hiện đang là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm hàng đầu của tất cả các nước trong thời đại toàn cầu hoá.

Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết các dân tộc cần xác định cho được đâu là bản sắc văn hoá truyền thống riêng của mình. Thứ nữa, cũng phải ý thức được rằng, cho dù bản sắc văn hoá truyền thống có mạnh đến đâu đi chăng nữa thì nó cũng không phải là cái bất biến. Điều này đang trở nên đặc biệt đúng trong điều kiện toàn cầu hoá như hiện nay.

Do đó, việc xây dựng chiến lược và sách lược nhằm định hình một bản sắc văn hoá mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại, mà với nó, dân tộc vẫn không đánh mất đi diện mạo độc đáo của mình – đang là mục tiêu theo đuổi của nhiều quốc gia(12).

Như vậy, bản sắc văn hoá mới của Việt Nam không phải là sự trở về với quá khứ, khôi phục lại y nguyên những truyền thống dân tộc và hành xử theo những lối mòn quá khứ; song cũng không thể là sự sao chép văn hoá bên ngoài.

Từ việc khảo sát những hiệu ứng của toàn cầu hoá đối với bản sắc văn hoá của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể rút ra một số bài học hữu ích cho sự phát triển của Việt Nam trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế như hiện nay. Đó là:

- Sự giao lưu và trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, các dân tộc đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, khiến cho không một nền văn hoá dân tộc nào có thể phát triển trong sự tách biệt, cô lập, cách ly với thế giới bên ngoài.

- Đất nước đang đứng trước những cơ hội và cả thách thức phải vượt qua. Một trong những thách thức đó là nguy cơ “bị xâm lăng bằng văn hoá thông tin”. Do vậy, việc giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là tăng sức đề kháng cho đất nước, chống lại các nguy cơ lai căng hoá và những thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

- Càng mở rộng giao lưu văn hoá, đất nước càng có nhiều cơ hội tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của nền văn hoá, văn minh nhân loại để làm giàu kho tàng văn hoá dân tộc. Bằng cách đó, chúng ta dung nạp những yếu tố văn hoá tiến bộ và loại bỏ đi những yếu tố văn hoá lạc hậu, lỗi thời đang kìm hãm sự phát triển để tạo ra một diện mạo văn hoá mới, riêng có của Việt Nam.

- Cần phải đánh giá thoả đáng vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của mỗi một dân tộc trong thời đại ngày nay. Bởi lẽ, văn hoá ngày nay không chỉ được coi là một yếu tố nội sinh, mà còn là một trong những động lực quan trọng định hướng sự phát triển kinh tế của đất nước.

- Đây cũng là cơ sở để chúng ta tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố ý thức cộng đồng, đẩy mạnh dân chủ và đa dạng hoá văn hoá để chuẩn bị chuyển sang một nền kinh tế mới – kinh tế dựa vào tri thức.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60