Khát vọng muốn trở thành hiện thực phải trên cơ sở tín tâm, quyết tâm, đồng tâm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo

Hồ Chí Minh là người truyền cảm hứng tín tâm, quyết tâm, đồng tâm cho cả dân tộc: “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”. Nói về ý chí độc lập và lòng khát khao tự do, Người khẳng định “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập dân tộc”. Quan điểm của Người dứt khoát, rõ ràng: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Với tinh thần tự lực, tự cường, đứng về phe tiến bộ bảo vệ những giá trị cao quý của nhân loại là độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái, dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập.Khi nền độc lập của dân tộc đứng trước nguy cơ bị chà đạp, Hồ Chí Minh khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Người kêu gọi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Người khẳng định một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính theo đúng đường lối Mác – Lênin thì nhất định sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước của Hồ Chí Minh xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; từ quan điểm “vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, trực tiếp là lấy dân làm gốc. Người chú trọng kết hợp sức mạnh dân tộc mà hạt nhân là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại; nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh, trong đó nguồn nội lực của dân tộc, nhất là giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là quan trọng nhất. Người gắn mục tiêu của dân tộc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ý chí và khát vọng đó đã từng bước đưa dân tộc Việt Nam cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình, phát triển của nhân loại.Hồ Chí Minh sớm đề ra các biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như giải quyết nạn đói, nạn dốt, xây dựng hiến pháp dân chủ, bảo đảm tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết, thực hiện cần kiệm liêm chính, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc thông thái, dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng được hưởng những quyền cơ bản của người dân một nước độc lập.Người quan tâm tới giới công thương Việt Nam để xây dựng một nền tài chính vững vàng, thiết lập nền kinh tế quốc dân thịnh vượng. Người chỉ rõ muốn giữ vững nền độc lập thì phải đi vào con đường kiến quốc. Cần phải kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục.Xuất phát từ một nước nông nghiệp, trong việc kiến quốc, Người đưa lên hàng đầu quan điểm “nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp”. Dẫn tục ngữ “tấc đất tấc vàng”, Hồ Chí Minh nêu lên ý nghĩa phải làm cho nông nghiệp mau tiến bộ, dân “dĩ thực vi thiên” (trước cần phải ăn) và “dĩ nông vi bản” (nghề nông làm gốc). Phát triển nông nghiệp liên quan đến cứu đói, cứu đói liên quan đến “thực túc”, “thực túc” liên quan đến “binh cường”, “binh cường” liên quan đến kháng chiến, kháng chiến gắn với kiến quốc. Như vậy, kiến quốc trên mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa tích cực đến sự cường thịnh, giàu mạnh, tồn vong của dân tộc, sự trường tồn của đất nước.

Người công khai tuyên bố quan điểm về “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người yêu cầu phải thực hiện ngay “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”. Đi đến mục đích đó vừa là thước đo giá trị của độc lập vừa thể hiện dân tộc ta xứng đáng với tự do độc lập. Giá trị một chữ “DÂN” mang tầm vóc chiến lược phát triển lâu dài, bền vững đất nước.

Một điểm nhấn trong giải pháp phát triển đất nước là Hồ Chí Minh đề cao trách nhiệm, bổn phận của Đảng cầm quyền chân chính cách mạng, của Chính phủ và vai trò nêu gương của người đứng đầu. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, Hồ Chí Minh đã tuyên thệ nhậm chức, xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”, Người chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ do Người đứng đầu phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái; phải là một Chính phủ liêm khiết, biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà; Chính phủ cố gắng làm việc, nỗ lực làm việc, một lòng vì nước vì dân, tranh thủ nền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với bút danh Tân Sinh, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, chỉ rõ việc thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Một kế sách kiến quốc, phục hưng đất nước trong kháng chiến được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Thi đua ái quốc nhằm mục đích “Diệt giặc đói – Diệt giặc dốt – Diệt giặc ngoại xâm” với cách làm “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”. Làm mau, làm tốt, làm nhiều với khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc” để thực hiện “Dân tộc độc lập – Dân quyền tự do – Dân sinh hạnh phúc”. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh cách đây 73 năm nêu bổn phận của mọi người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, già, trẻ, gái, trai “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Thi đua ái quốc ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.

Nói đến phát triển thì phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới. Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, xã hội ngày một phát triển nên tư tưởng hành động cũng phải phát triển theo. Nếu bảo thủ, trì trệ, máy móc, giữ nếp cũ thì không những không phát triển mà có nguy cơ thất bại. Người viết: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng đắn, hôm sau đã không hợp thời nữa, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(1) . Đổi mới, sáng tạo vừa là đường dẫn vừa là linh hồn của phát triển.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60