Hoàng Kim Tuế – Người “giữ lửa” nghệ thuật hát Then – đàn Tính

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện âm nhạc công nghệ cao, sự bùng nổ của các dòng nhạc hiện đại khiến cho nghệ thuật truyền thống ngày càng bị lấn át và có nguy cơ mai một. Giữa xu thế đó, tại thành phố Cao Bằng, nữ nghệ sĩ Hoàng Kim Tuế vẫn âm thầm, miệt mài đem hết tâm hồn, trí tuệ và tình yêu nghệ thuật hát Then- đàn Tính truyền lại cho thế hệ trẻ.Kể về cơ quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế cho biết, bà được tuyển chọn tham gia Đoàn Văn công xung kích Cao Bằng từ năm 16 tuổi. Thời đó, cuộc sống khó khăn vất vả, phương tiện thiếu thốn nhưng với tình yêu nghệ thuật vô bờ bến, bà đã không quản ngại khó khăn vất vả cùng với các anh chị em nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Cao Bằng mang lời ca, tiếng hát đến khắp các chiến trường, động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ nơi tiền tiêu đánh giặc.Gần 40 năm công tác, 20 năm làm Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế đã dẫn dắt, đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành, đem những làn điệu dân ca dân tộc đi khắp các vùng, miền của đất nước, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, quảng bá các làn điệu dân ca đặc sắc của tỉnh.Nặng lòng với  hát Then- đàn Tính nên năm 2011, dù đã nghỉ hưu, Nghệ sĩ Hoàng Kim Tuế vẫn tham gia Ban Vận động thành lập Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh. Sau 10 năm thành lập, không ngừng xây dựng phong trào, đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 9/10 huyện, thành phố thành lập được Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc cấp huyện. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế đã “truyền lửa” đam mê cho hàng trăm hội viên tại các phân, chi hội trong toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở phát triển.Anh Trần Thành An là một trong những học trò xuất sắc của Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế. Anh An cho biết, anh đến với hát Then-đàn Tính khi còn là cậu bé học Trung học Cơ sở, được cô Tuế phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Hiện, anh đang là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, là một trong những giọng ca nổi bật trong các sự kiện, hoạt động văn hóa của tỉnh.

Anh An chia sẻ, từ sự vụng về khi đánh những ngón đàn đầu tiên, với sự dìu dắt tận tình của Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế, anh như được “truyền lửa” và quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Bà không chỉ là người thầy mà như người mẹ, luôn thân thiện, gần gũi chỉ dạy cho anh cả về lẽ sống, phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

Vốn am hiểu dân ca, dân vũ truyền thống, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế không chỉ truyền dạy hát Then- đàn Tính mà còn đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục một số làn điệu Then cổ của dân tộc Tày. 5 năm trở lại đây, bà khôi phục, phổ nhạc gần 20 bài hát dân ca Tày, Nùng cổ, tham gia truyền dạy hàng chục lớp hát dân ca cho trên 200 học viên ở các vùng, miền, xóm và trường học.

Ngôi nhà nhỏ của bà Kim Tuế ở phường Tân Giang (TP. Cao Bằng) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu dân ca, hát Then – đàn Tính. Từ người cao tuổi đến em nhỏ, người ở các huyện cũng tìm đến bà để được truyền cảm hứng với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Anh Bế Ích Thuận, ở xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa yêu thích dân ca từ bé, từ khi được nghệ sĩ Kim Tuế và các thành viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện Quảng Hòa truyền dạy hát Then, anh không ngại đường xa, tranh thủ thời gian nông nhàn đến nhà nghệ sĩ Kim Tuế để được bà chỉ dạy thêm.

Có thể nói, dân ca truyền thống, đặc biệt là hát Then- đàn Tính đã ngấm vào huyết quản và trở thành mạch nguồn bất tận trong con người Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tuế. Nhận thấy nhiều người trẻ yêu thích, đam mê theo đuổi nghệ thuật dân ca truyền thống, đó là niềm vui lớn đối với bà. Song, bà vẫn luôn trăn trở trước xu hướng hội nhập, giao thoa các nền văn hóa, dân ca dân tộc có thể mai một. Còn sức khỏe, bà còn cống hiến, bằng tâm sức của mình, góp phần nhỏ bé đưa nghệ thuật hát Then-đàn Tính quê hương mãi bay cao, bay xa đến mọi miền Tổ quốc và du khách, bạn bè quốc tế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60