‘Hộ chiếu vắcxin’: Sản phẩm du lịch tiềm năng nhưng có dễ thực thi?

Nhằm ‘cứu’ ngành ‘kinh tế không khói’ và hàng không, nhiều quốc gia có ý tưởng cho phép những người đã tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tự do đi lại giữa các quốc gia. Nhưng thực tế không đơn giản…

Khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành tiêm chủng vắcxin phòng ngừa COVID-19 cho người dân, một số nước có ý tưởng cho phép những người có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 này được tự do đi lại nhằm “cứu” ngành du lịch và hàng không.

Nếu như vậy, “hộ chiếu vắcxin” sẽ như tấm giấy thông hành đặc biệt cho phép người đã tiêm phòng được tự do đi lại giữa các quốc gia, đến các điểm du lịch, quán bar, nhà hàng… Thậm chí, còn có ý tưởng về việc tổ chức tour cho du khách ra nước ngoài tiêm vắcxin.

Liệu đây có phải là giải pháp khả thi để kích thích ngành du lịch phục hồi sớm hơn khi đại dịch dự kiến vẫn chưa thực sự được khống chế? Cho dù không ít người bày tỏ nghi ngại về vấn đề này, nhưng hãy nghe các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch Việt phân tích.

Câu chuyện gây tranh cãi

Theo Giám đốc VietSense Travel, ông Nguyễn Văn Tài, ngoài du lịch những ngành liên quan đến lao động quốc tế cũng đang thực hiện trình kết quả xét nghiệm âm tính để đi lại làm việc. Tuy nhiên, vắcxin mới đang ở giai đoạn đầu, số lượng người được tiêm và kết quả vẫn chưa thống nhất, nên “hộ chiếu vắcxin” không phải là phương án an toàn tuyệt đối.

Ông Tài cho rằng bên cạnh “hộ chiếu vắcxin,” cần thêm phương án khác để phòng chống dịch như kết hợp với ý thức phòng dịch hay quy định 5K của Bộ y tế thì có thể đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn tình hình dịch

Thực tế, “hộ chiếu vắcxin” vẫn đang là câu chuyện gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, ngay cả với những công ty du lịch đang chào bán dịch vụ này trên thế giới. Xét góc độ kinh doanh, đây là sản phẩm rất tiềm năng và phù hợp với xu thế. Là một sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng chịu chi trả, nhưng bản chất “tấm giấy thông hành” này lại là vắcxin và nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của con người.

Theo hãng tin AFP thống kê, tính đến hết ngày 26/2, mới chỉ có 222 triệu mũi vắcxin được chủng ngừa trên toàn cầu (chủ yếu là các loại vắcxin cần phải tiêm đủ 2 liều mới đạt hiệu quả tối đa) trên tổng dân số thế giới 7,8 tỷ người.

Trong khi đó, số người sinh sống ở các quốc gia chưa triển khai chương trình tiêm chủng hiện chiếm hơn 20% dân số toàn cầu. Riêng tại các nước EU, đến nay mới có khoảng hơn 10 triệu người được tiêm đủ hai mũi, tương đương 2,3% dân số khu vực này.

Như vậy có thể thấy lượng vắcxin sản xuất hiện cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng cho người dân, nếu lại để dành phục vụ kinh doanh sẽ phát sinh những vấn đề liên quan tới tính công bằng và nhân đạo của con người.

“Tôi nghĩ bất cứ quốc gia nào có dự thảo về nội dung này cũng sẽ nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, sự phản đối của công chúng cũng như các cơ quan, tổ chức về nhân quyền. Bởi vậy, tôi đánh giá ở thời điểm này ‘vaccine tourism’ (du lịch vắcxin) là phương án không phù hợp ở cả trên thế giới cũng như Việt Nam và có lẽ sẽ không triển khai được trên thực tế,” ông Tài chia sẻ.

Sản phẩm tiềm năng nhưng khó thực thi

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan, đánh giá “hộ chiếu vắcxin” có ý nghĩa như giấy chứng nhận cho một công dân là “an toàn.” Ví dụ như khi chúng ta di chuyển đến một số địa phương hay ra ngoài lãnh thổ Việt Nam buộc phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, giấy xác nhận này chỉ được công nhận trong khoảng thời gian ngắn, còn “hộ chiếu vắcxin” lại có giá trị dài hạn và gần như đảm bảo người sở hữu nó không có khả năng bị lây nhiễm hoặc truyền virus SARS-CoV-2 cho người khác. Do đó, “tấm giấy thông hành” này hoàn toàn có thể thay thế cho chứng nhận âm tính với COVID-19 tạm thời kia.

Ông Hoan nhận định khi nhiều người sở hữu “hộ chiếu vắcxin” cũng như có đủ điều kiện đi lại, nhu cầu dịch chuyển, giao lưu tăng lên thì du lịch cũng có cơ hội phục hồi tốt hơn.

Bởi thực tế ở một số quốc gia trên thế giới, dù người nước ngoài đến có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 thì vẫn phải cách ly 14 ngày rồi mới được tiếp tục hành trình. Khi trở về nước, họ lại phải cách ly thêm 14 ngày. Quy định chặt chẽ và tốn nhiều thời gian cách ly như vậy khiến nhu cầu du lịch gần như bằng không. Chính vì thế, việc sở hữu tấm “hộ chiếu vắcxin,” không còn phải cách ly thì nhu cầu du lịch quốc tế tự khắc sẽ tăng lên.

Về việc tổ chức tour cho du khách ra nước ngoài tiêm vắcxin, ông Hoan cho hay: “Tôi từng đọc một bài báo nói về việc Ấn Độ đã có tour ra nước ngoài để tiêm vắcxin và cũng đã nghĩ tới việc chúng ta có cơ hội để phát triển loại sản phẩm du lịch này hay không. Đúng là có tiềm năng, nhưng để thực hiện được thì rất khó.”

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60