20

Ý nghĩa cuộc sống trong từng trang sáchhttps://www.qdnd.vnCùng với sự phát triển của đất nước, văn hóa đọc đang trở lại khá tích cực. Với nhiều người, thói quen đọc sách đã trở thành nét văn hóa và giàu ý nghĩa trong đời sống thường ngày.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông): Năm 2020, toàn ngành đã xuất bản hơn 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng, bằng 97% so với năm 2019.

Nếu tính tổng sau 6 năm triển khai Ngày sách Việt Nam, trên toàn quốc có gần 193.000 xuất bản phẩm, gần 2,3 tỷ bản in. Nhìn vào những con số thống kê ấn tượng trên, thấy mừng cho ngành xuất bản nước nhà. Nhưng có một thực tế, nhiều sách chưa chắc đã tỷ lệ thuận với văn hóa đọc.

Cùng với sự phát triển của đất nước, văn hóa đọc đang trở lại khá tích cực. Với nhiều người, thói quen đọc sách đã trở thành nét văn hóa và giàu ý nghĩa trong đời sống thường ngày. Đọc những cuốn sách hay không những giúp con người có thêm tri thức mà còn tạo ra nhiều ý tưởng mới để sáng tạo và phục vụ cho công việc, phục vụ cuộc sống. Ngược lại, khi không đọc sách, kiến thức sẽ bị hạn chế; lối sống dễ tiêu cực; nông cạn… từ đó ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai.

Mua sách đã quý, nhưng mua sách để đọc mới thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Thống kê trong năm 2020 cho thấy, trừ sách giáo khoa thì mỗi người Việt Nam chỉ đọc trung bình 1,4 cuốn sách/năm. Vì vậy, các cuốn sách trên giá mới thế mà dần trở thành “sách chết”.

Mừng là khi kinh tế phát triển, sách chất đầy trên giá, kệ, tủ, trong thư viện, nhưng để tạo được thói quen đọc sách, có tình yêu với sách, có lẽ phải đi từ tuổi thơ của mỗi người. Ngành giáo dục những năm qua đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế chưa xây dựng được văn hóa đọc trong trường lớp. Thói quen đọc, khả năng lựa chọn sách và cách đọc hợp thành cốt lõi của văn hóa đọc. Thường thì chúng ta hay áp đặt con trẻ “nên”, “hãy”, “phải” đọc cuốn này, cuốn kia mà ít khi để tâm đến ba tiêu chí chính hợp thành văn hóa đọc.

Ngoài nhà trường, câu chuyện người lớn trong gia đình nêu gương mang tính quyết định. Nếu bố mẹ, ông bà không chịu khó đọc sách thì hà cớ gì bọn trẻ phải cầm lấy quyển sách, trong khi văn hóa nghe nhìn đang ngày càng thịnh hành. Ông Andrew Collins, Giám đốc điều hành Tập đoàn Mailman sau khi nghiên cứu thói quen đọc sách của hàng trăm tỷ phú, những doanh nhân thành đạt nhất thế giới đã rút ra 3 lợi ích từ việc đọc sách: Thúc đẩy con người phấn đấu để đạt được thành công; giúp nảy sinh ý tưởng; giúp con người tĩnh tâm, lấy lại cân bằng và thậm chí còn là cách thư giãn tuyệt vời.

Nếu bạn bắt gặp một đứa trẻ cười khúc khích khi đọc truyện, hẳn là đứa bé đang hòa mình vào thế giới thần tiên, với vô vàn cảm xúc thăng hoa. Chính tiếng cười của con trẻ sẽ thôi thúc người lớn sống có trách nhiệm hơn và biết đâu, sẽ lại cầm truyện lên đọc. Ở đây, con trẻ đã truyền cảm hứng cho người lớn đến với văn hóa đọc. Và những cuốn sách được chuyền tay nhau đọc đến sờn gáy đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là góp phần vào việc lan tỏa tri thức. Chúng ta không cần phải đọc nhiều sách, đôi khi chỉ đọc một cuốn sách hay, một bài báo tâm huyết… đã có thể thay đổi suy nghĩ, hành động trong ta theo hướng tích cực.

Ý nghĩa của cuộc sống có thể được tìm trong từng trang sách. M.Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Hóa ra, những “chân trời mới” ở ngay bên ta, đôi khi còn nằm la liệt, phủ bụi dưới chân; chỉ là vì từ lâu, một phần trong ta đã từ bỏ thói quen đọc sách, vô tình lẫn vô tâm để sách “chết dần chết mòn”./.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101