03

Nhà thơ Vũ Duy Thông – người đi với văn và báo đến trọn đờihttps://www.vietnamplus.vnNhững câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí nhiều người, để nhớ mãi về một nhà báo sắc sảo, một thi sỹ tài hoa và yêu thương tha thiết cuộc đời.

 Ngày 28/5, nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông đã thôi “xuôi bè sông La” để về với đất Mẹ trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp, những người yêu thơ…

Nhiều thế hệ học sinh biết đến cái tên Vũ Duy Thông và nhớ mãi bài thơ “Bè xuôi sông La” của ông trong sách giáo khoa, nhưng không phải ai cũng biết nhà thơ nổi tiếng ấy còn là nhà văn, nhà phê bình văn học và đặc biệt ông là nhà báo kỳ cựu.

VŨ DUY THÔNG – MỘT NHÀ BÁO TÀI NĂNG

Nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944 tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thuở nhỏ, ông đã theo bố mẹ lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1966, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Vũ Duy Thông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh.

Những bài ký viết về vùng mỏ ngồn ngộn chất liệu hiện thực, mang khát vọng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Mảnh đất và con người miền Đông Bắc vừa có thô tháp của than, vị mặn mòi, thơ mộng của biển đã tạo nên xúc cảm mãnh liệt cho ông.

Ông đã có bài báo “Ngành than trước ngưỡng báo động” gây tiếng vang và nói như nhà báo Nguyễn Văn Trường: “Một phóng sự điều tra, như một phát đại bác rung chuyển ngành than. Nếu không có những năm thường trú vùng mỏ, không hiểu về sản xuất than, không có những người thợ mỏ bạn tâm giao… chắc đâu đã viết thoáng và sâu về than như thế.”

Và ở Quảng Ninh, lần đầu tiên chàng trai miền trung du Vĩnh Phúc nơi quanh năm rì rào bởi những tán lá cọ xanh mướt hiền hoà đã biết thế nào là “mùi” chiến tranh.

Vũ Duy Thông có nhiệm vụ đưa tin về những nơi giặc Mỹ giội bom. “Bức thành xanh trên cát trắng” là bài phóng sự đầu tiên của ông ở vùng chiến sự Quảng Ninh viết về phong trào trồng cây phi lao chắn gió ở bãi Sa Vĩ (Trà Cổ, thành phố Móng Cái).

Sau đó ông lại được điều vào Hà Tĩnh chủ yếu làm tin để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Nhưng ngày đó, phải phát tin về Hà Nội bằng tín hiệu mooc. Điện của máy phát điện quay tay. Có khi ngồi trên bùn lầy, trong bụi cây để đánh tin về. Đánh xong phải thu dọn đồ nghề ngay lập tức vì nhỡ Mỹ phát hiện được tọa độ sẽ ném bom xối xả.

Có thể nói đây là những năm tháng lăn lộn gian khổ nhất của một phóng viên chiến trường. Ông không sợ chết, không sợ gian khổ nhưng sợ nhất là phải chứng kiến những cái chết của đồng bào. Có những làng quê ở xã Đức Trường (Hà Tĩnh), Mỹ ném bom giết chết gần hết làng.

Nhận được tin, Vũ Duy Thông lấy xe đạp hối hả đạp dưới bom đạn ngút trời, đến nơi thì tối mịt cả làng quê hoang tàn, không một sự sống, không một tiếng khóc.

Tất cả những tội ác đó của Mỹ khó có trang viết nào tả xiết, nó đã khiến nhà báo Vũ Duy Thông nhiều lần vừa viết tin vừa đau đớn ứa nước mắt…

Suốt từ năm 1967 đến năm 1995, nhà báo Vũ Duy Thông đã viết hàng nghìn tin bài.

Từ một phóng viên chiến trường, ông lần lượt được phân công làm biên tập viên, phó phòng, ủy viên biên tập Bản tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam.

Ông từng là Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ dù chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 1996, ông được điều về làm Vụ phó Vụ Báo chí-Xuất bản của Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương.

Năm 1997, ông được đề bạt làm Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản. Năm 2003, nhà báo Vũ Duy Thông được phong chức danh Phó Giáo sư chuyên ngành Văn học.

Nhà báo Vũ Duy Thông còn giữ chức Phó Tổng Biên tập Website Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) từ 2005 đến năm 2009.

Thời gian này, ông luôn quan tâm đến đội ngũ phóng viên trẻ mới vào nghề. Như người cha, người chú, ông gần gũi, chân tình, nhắc nhở những thế hệ sau cách làm nghề, chú ý cách ứng xử, tác phong, giữ gìn phẩm chất của nhà báo.

Sau khi về hưu, ông vẫn đảm đương một khối lượng công việc khá lớn liên quan đến báo chí như nghiên cứu khoa học, dạy học và hằng tuần vẫn viết nhiều chuyên mục cho các báo Công an nhân dân, Hà Nội Mới, Tài nguyên-Môi trường, Kinh tế đô thị, Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… với hàng trăm bài viết sắc sảo, dí dỏm, quyết liệt, đầy tính chiến đấu về những vấn đề bất cập ngổn ngang trong đời sống.

Ông đã xuất bản gần 50 đầu sách, truyện ký, lý luận phê bình, trong đó có 4 cuốn tác phẩm báo chí và hàng trăm bài từng in trên Công nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Gia đình xã hội, Văn nghệ Công an, Đà Nẵng, Văn nghệ.

MỘT NHÀ THƠ TÀI HOA

Khởi nghiệp học văn, 30 năm gắn bó với báo chí, nhưng dẫu bận đến mấy sáng tác văn chương vẫn là niềm đam mê, là một phần đời không thể thiếu của Vũ Duy Thông.

Ông từng chia sẻ: “Cả đời tôi làm báo để ‘nuôi sống’ sự nghiệp văn chương, nhưng tôi không nghĩ nhà văn bị coi thường mà luôn thấy viết văn là công việc cao quý.”

Là một nhà thơ, nhà báo, một cán bộ làm công tác tư tưởng, ông cũng là một người đi nhiều với những trải nghiệm sâu sắc, vừa rất đời mà cũng rất tình, rất thơ.

Qua mỗi chuyến đi, ông lại cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí, nhiều áng văn thơ thật hay và ý nghĩa, in dấu trong trí nhớ người đọc.

Năm 1969, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, phóng viên trẻ Vũ Duy Thông lăn lộn qua các trọng điểm bắn phá ở mỏ than Hà Lầm, Hà Tu, Cọc 6, Đèo Nai…

Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng trong những khoảnh khắc ác liệt của chiến tranh, người cán bộ trẻ của Thông tấn xã vẫn rung lên những tiếng tơ lòng: “Ngọn đèn lò? Ấm áp và thầm lặng? Đưa ta về với than? Ánh xanh mềm lá trúc/ Ánh đỏ màu lửa bếp? Đưa ta vào cuộc đời… Cầm ngọn đèn ta đi/ Có trăng tròn mỗi tối/ Anh yêu em vất vả không biết nói thành lời…”  (“Ngọn đèn lò”).

Khi nhận nhiệm vụ ở Phân xã Hà Tĩnh, trong chuyến đi cơ sở ở lâm trường Hương Sơn, Vũ Duy Thông đã viết bài thơ “Bè xuôi Sông La.”

Bài thơ làm theo thể thơ 5 chữ có âm hưởng dân ca Hà Tĩnh: “Bè đi chiều thầm thì/ Gỗ lượn đàn thong thả/ Như bầy trâu lim dim/ Đắm mình trong êm ả/ Sóng long lanh vẩy cá/ Chim hót trên bờ đê/ Ta nằm nghe nằm nghe /Giữa bốn bề ngây ngất/ Mùi vôi xây rất say/ Mùi lán cưa ngọt mát/ Trong đạn bom đổ nát/ Bừng tươi nụ ngói hồng/ Đồng vàng hoe lúa trổ/ Khói nở xòa như bông.”

Bài thơ “Ngọn đèn lò” và “Bè xuôi sông La” đã mang đến cho Vũ Duy Thông giải Ba cuộc thi thơ Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969 cùng Phạm Tiến Duật (giải Nhất); Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn Bế Kiến Quốc (giải Nhì)…

Bài thơ “Bè xuôi sông La” đã đưa tên tuổi ông góp cùng thế hệ nhà thơ chống Mỹ, cứu nước.

Tuổi thơ của nhiều người đi học hẳn không thể quên được bài thơ “Bè xuôi sông La” của ông đã được đưa vào sách giáo khoa tiểu học suốt bao năm qua.

Sau này, ông còn có bài thơ “Bé làm phi công,” được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, bộ mới với những câu thơ rất tình cảm: “Rồi quay tay lái/Bé sà xuống ngay/Ùa vào lòng mẹ/Mẹ là sân bay.”

Nói về Vũ Duy Thông, không thể không nhắc đến những bài thơ tình của ông.

Dù cuộc tình có thật hay chỉ là hư ảo, thì vẫn thấy trong thơ Vũ Duy Thông những niềm yêu tha thiết, yêu mà không chạm được tới giới hạn vô cùng của tình yêu, nên mãi mãi tình yêu vẫn là một khát vọng.

Có những bài thơ tình của Vũ Duy Thông đã đạt đến đỉnh cao của cảm xúc, nói như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, “cũ nhưng hay”: Anh nhớ em như con đò nhớ bến/ Như cồn hoang nhớ nắng nở hoa vàng/ Con chim trong lồng nhớ khu rừng vắng/ kẻ xa nhà nhớ khói bếp chiều vương/ Nỗi nhớ nhuộm anh như hoàng hôn nhuộm biển/ Khoảng không nhau trống rỗng của ngày dài/ Nỗi nhớ bửa anh thành hai nửa/ Nửa sao hôm và nửa sao mai/ Nỗi nhớ ánh sao vượt qua đêm thẳm/ Nỗi nhớ sợi mưa nối đất với trời/ Cho anh tin là em có thật/ Sao bao nhiêu hư ảo cuộc đời/…

Vũ Duy Thông khá thành công ở các bài lục bát, một thể loại dễ làm nhưng khó hay. Nó không chỉ đòi hỏi một tâm hồn, một trí tuệ, một cảm xúc… mà hình như còn là hơi thở của sông Cầu, sông La, sông Thương, sông Nhuệ… dù cái bối cảnh của bài thơ trên tận đỉnh trời Sa Pa:

“Sương mờ trôi, sương mờ trôi/ Em đi hư ảo một trời Sa Pa/ Chênh vênh phiên chợ Bắc Hà/ Khăn piêu, yếm đỏ để mà chia phôi/ Thế rồi thôi, thế rồi thôi/ Em về dốc vắng tôi lui phố phường/ Tối gác hẹn, trưa góc đường/ Quen nhau một buổi nhớ thương được nào/ Lạ lùng sao, lạ lùng sao/ Đời tôi có một cành đào trong sương.”

Những điệp khúc lặp lại rất duyên dáng ở mỗi câu 6 chữ như những bước chân lên xuống của một vùng cao, hòa trong sương khói chập chùng.

Sau này, thơ Vũ Duy Thông ngày càng lắng đọng sâu sắc. Ông có những câu day dứt khi đến Khau Vai: “Uống cho người ấy không yên được/ Dẫu đã chồng con đã vẹn bề/ Uống cho trăng lặn bên kia núi/Bật khóc thương người trong cơn mê.”

Thơ tình của Vũ Duy Thông càng về những năm tháng cuối đời càng nhiều những chiêm nghiệm và suy tư về thời gian: “Em có thật như mùa Xuân/ Mỗi lần gặp một lần ngây ngất/ Em có vô lý như mùa xuân/ Mỗi lần đón mỗi lần sắp mất” (Mùa xuân vàng).

Trong thi ca Việt Nam hiện đại, có rất nhiều thi sĩ viết về mùa thu. Nhưng Vũ Duy Thông vẫn tìm ra được một giọng điệu riêng qua bài thơ “Mùa thu” nổi tiếng của mình.

Ở bài thơ này, thêm một lần nữa ta thấy được chất lục bát hư ảo, mong manh và quyến rũ của ông.

Nhịp điệu dìu dặt man mác của lục bát Vũ Duy Thông hình như rất dễ ru lòng người lạc vào một cõi khác: “Bỗng dưng đàn sếu bay ngang/Thu về sao quá khẽ khàng hỡi thu/ Chuỗi cườm đứt nối trong mù/ Tiếng ai gió thổi mơ hồ bãi xa/Con ve khô vỏ vườn già/Đầm sen gắng nở nụ hoa cuối cùng.”

Tác giả “Nắng Trung du,” “Những đám lá đổi màu,” “Tình yêu người thợ,” “Gió đàn,” “Chiếc nôi trên vách đá”… từng nói: “Trong cuộc ‘xung đột’ giữa thơ truyền thống và thơ hiện đại, người ta đặt câu hỏi: Thơ truyền thống có còn chỗ đứng, có còn gây xúc động? Không ai khác, chính những người cầm bút phải trả lời câu hỏi này. Nếu ta bất lực, không có những bài thơ gợi nhiều cảm xúc hơn, lay động lòng người hơn thì thơ truyền thống đã đến hồi kết. Nếu người cầm bút kém, không có những tác phẩm gây xúc động thì phải lùi bước cho những thể loại thơ mới, tư duy mới.”

Ông quan niệm về sáng tác và cảm thụ văn chương: “Thơ như không khí, như nắng trời, như hạnh phục và khổ đau, như tình yêu và căm hận… rất khó nắm bắt nhưng lại dễ biết có nó hoặc không có nó. Vậy đừng mất công đi tìm những khuôn phép cũ hay mới cho thơ, càng không nên vì thơ mà lo lắng số người viết và số người đọc nhiều hay ít. Sự cần thiết của nhà thơ và người đọc là tìm đến những bài thơ hay. Những bài thơ hay có mặt ở nơi mà nhờ nó, con người khao khát sống hơn, tin người khác hơn và yêu mình hơn.”

Vào một chiều thu của năm 2012, đứng bên hồ cùng cháu trai, một “Con bồ câu tha đi một cọng cỏ” đã bay ngang qua Vũ Duy Thông – thế là một tứ thơ, một nhan đề thơ hình thành, cho một tập trọn 60 bài.

“Con bồ câu tha đi một cọng cỏ:
Nhiều cọng cỏ khô mới thành chiếc tổ
Thành chiếc tổ mới có cuộc trở dạ.”

Và tuyển tập “Con bồ câu tha đi một cọng cỏ,” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành và ra mắt bạn đọc năm 2012 được xem là “nụ hoa thơ cuối cùng” của ông.

Vũ Duy Thông đã vĩnh biệt chúng ta trong những ngày giữa hè oi ả, để “bay ngang” cùng đàn sếu, mà không đợi đến “mùa thu khẽ khàng.”

Ông ra đi, nhưng những câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí chúng ta, để nhớ mãi về một nhà báo sắc sảo, một thi sỹ tài hoa và yêu thương tha thiết cuộc đời./.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101