Hà Tĩnh: Nghiên cứu sản phẩm ẩm thực để phát triển du lịchCùng với du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm thì thưởng thức ẩm thực cũng là một nhu cầu tất yếu của du khách. Đây cũng là mục tiêu mà du lịch Hà Tĩnh đang hướng tới.Tháng 6/2019, nhóm tác giả Trường Cao đẳng Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) triển khai đề tài: “Nghiên cứu sản phẩm ẩm thực Hà Tĩnh để phát triển du lịch” nhằm tìm hướng khai thác tối đa các giá trị ẩm thực gắn với mục tiêu phát triển du lịch Hà Tĩnh.

Qua khảo sát của đề tài, 13/13 huyện, thị, thành phố đều có những món ăn đặc sản của các vùng, miền tồn tại trong đời sống Nhân dân, nhưng lại vắng bóng trên các bàn tiệc. Bên cạnh các món truyền thống như: khoai xéo, bánh đúc, bánh mướt, cu đơ…, các địa phương đã có nhiều món ăn đặc sản như: mực nhảy Vũng Áng, gỏi cá đục, cá mát, ram bánh mướt, bún bò Đò Trai, gà tắc, gà nướng, rượu Thanh Lạng, rượu Hương Bộc, nước khoáng Sơn Kim, hay các loại hoa quả như: bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn…

Tuy nhiên, thực đơn hầu hết các nhà hàng khách sạn, khu, điểm du lịch vẫn chủ yếu là những món ăn, đồ uống phổ thông. Cùng với đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực nói riêng và du lịch nói chung của Hà Tĩnh còn thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng.

Những năm qua, ẩm thực tại Hà Tĩnh không chỉ góp phần quảng bá, thu hút du khách mà còn đóng góp lớn vào doanh thu hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Tiến Trình – Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Thành Sen (TP. Hà Tĩnh) cho biết, chính giá trị văn hóa ẩm thực cùng với chất lượng và sự đặc trưng món ăn là lợi thế để doanh nghiệp thu hút khách du lịch về địa phương. Đồng thời, số tiền mà khách hàng chi tiêu cho ẩm thực tại đơn vị khá cao, chiếm 40% so với tổng doanh thu hoạt động du lịch.

Ông Hồ Việt Anh (nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du) – Chủ nhiệm đề tài cho rằng, chúng ta phải xác định văn hoá ẩm thực là một loại tài nguyên du lịch. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng đã tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng sản phẩm ẩm thực phát triển du lịch Hà Tĩnh (tháng 10/2021) với sự tham gia của 50 nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Qua đó, kết quả đề tài đã xây dựng, đề xuất nhiều kiến nghị và chuyển giao một số sản phẩm để ứng dụng vào phát triển du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Theo đó, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực Hà Tĩnh thông qua các hội chợ triển lãm; xây dựng băng đĩa giới thiệu cách thức chế biến. Tổ chức các cuộc liên hoan ẩm thực, các festival ẩm thực về rượu, trà, về món ăn thủy hải sản, món ăn từ sản phẩm nông nghiệp… để mọi người được thưởng thức, được sáng tạo, thể hiện tài năng. Ngoài ra, tổ chức các chợ ẩm thực, các trung tâm văn hóa ẩm thực tại các điểm đến du lịch văn hóa để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội…

Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) Lê Đình Doãn cho biết, đề tài nghiên cứu của Trường Cao đẳng Nguyễn Du có giá trị lớn đối với quá trình phát triển của ngành du lịch Hà Tĩnh. Đề tài đã đề xuất cụ thể các nhóm giải pháp để phát triển du lịch ẩm thực như: giải pháp nâng cao nhận thức; giải pháp về kế hoạch tổ chức, về cơ chế chính sách đầu tư; truyền thông; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của ẩm thực mang hương vị địa phương; giải pháp chiến lược.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã tổ chức thí điểm thực đơn sản phẩm ẩm thực ở một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh và cho kết quả khả quan, đồng thời, đề xuất một số giải pháp cho phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch ẩm thực ở Hà Tĩnh (trọng tâm là chợ đêm). Qua nghiệm thu, đề tài đã được Hội đồng KHCN chuyên ngành cấp tỉnh chấm điểm xếp loại xuất sắc.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100