Mặc dù thị trường Trung Quốc rất tiềm năng đối với các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung nhưng để tiếp cận và thâm nhập được thị trường này, doanh nghiệp cần phải vượt qua các rào cản về ngôn ngữ, phương thức cung cấp dịch vụ cũng nhưng các yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng dịch vụ…
Về phương thức cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cần xem xét lựa chọn những phương thức phù hợp với loại dịch vụ cung cấp có nhắm đến thị hiếu của người tiêu dùng. Theo Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), có bốn phương thức cung cấp dịch vụ bao gồm:
- Cung cấp qua biên giới: cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ một nước thành viên sang lãnh thổ nước thành viên khác (Phương thức 1).
- Tiêu thụ của khách nước ngoài: cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ một nước thành viên cho khách hàng thuộc bất kì nước thành viên nào khác (Phương thức 2).
- Hiện diện thương mại : cung cấp dịch vụ thông qua đại diện thương mại ở một nước thành viên khác (Phương thức 3).
- Hiện diện thể nhân: cung cấp dịch vụ thông qua sự có mặt của một thể nhân ở lãnh thổ của bất kì nước thành viên nào khác (Phương thức 4).
Trong đó, phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại (văn phòng đại diện) thường được áp dụng đối với các nhà cung cấp muốn gắn bó lâu dài với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục và chi phí để mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, do bất đồng ngôn ngữ và không am hiểu về luật lệ, chính sách thương mại của Trung Quốc nên việc thực hiện các thủ tục hành chánh về giấy phép cư trú và làm việc cho đại diện nước ngoài mỗi năm, báo cáo hồ sơ thuế hàng quý cho cơ quan thuế và các quy định liên quan đến nhân sự của văn phòng đại diện1…Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ việc cung cấp dịch vụ thông qua văn phòng đại diện tại Trung Quốc sẽ thuận lợi trong công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm, … nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính và các nguồn lực khác để đăng ký văn phòng đại diện làm ăn lâu dài tại Trung Quốc.
Ngoài ra, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ theo phương thức 1 và 2 cũng là một trong những rào cản không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Bởi vì doanh nghiệp phải sử dụng công cụ trực tuyến để quảng bá, tiếp thị và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, bất cứ sự cố kỹ thuật nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của dịch vụ, làm ảnh hưởng lớn đến khả năng.
Việc bất đồng ngôn ngữ là một trong những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường dịch vụ Trung Quốc bởi ngôn ngữ Trung Quốc rất đặc thù, văn nói và văn viết không đồng nhất. Văn viết (tiếng phổ thông, là ngôn ngữ hành chánh) được sử dụng thống nhất trên toàn quốc nhưng văn nói được sử dụng rất phổ biến và thường xuyên trong hoạt động kinh doanh hằng ngày, mỗi địa phương có phương ngữ đặc thù. Vì thế, việc tuyển chọn được những nhân viên có thể thông thạo tiếng phổ thông và am hiểu phương ngữ của nhiều địa phương là một việc không đơn giản với doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước ASEAN tại thị trường Trung Quốc chính là chất lượng dịch vụ. Mặc dù, nhiều chuyên gia nhận định ngành dịch vụ của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh nhưng thực tế cho thấy Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết tiềm lực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. So với các nước ASEAN có cùng cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển, chất lượng ngành dịch vụ của Việt Nam yếu, khả năng cạnh tranh ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam còn kém do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao2, nguồn nhân lực yếu ở khối kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ); kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đối với ngành dịch vụ du lịch vấn đề cũng tương tự, chất lượng nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ.