1. Về cơ chế chính sách

 

Nghiên cứu đề xuất thay đổi về các cơ chế trong hợp tác đầu tư sản xuất phim. Tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh, đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền.

Xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh. Thông qua việc nâng cao năng lực tài chính, các doanh nghiệp điện ảnh sẽ tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng về nội dung và hình thức, đồng thời đưa nền điện ảnh trở thành một sản phẩm giải trí mang tầm quốc tế để hình thành và phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm điện ảnh.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ để điều chỉnh phù hợp các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động liên quan, đặc biết đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng đang gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng và các vấn đề phát sinh.

Cần có những chính sách ưu đãi về các loại thuế cho đầu ra của phim; cơ chế ưu đãi khi nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn.

Xây dựng những chính sách nhằm thu hút các đạo diễn, biên kịch, quay phim có trình độ cao tham gia vào hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam.

2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc thù cho ngành điện ảnh thông qua chính sách học bổng đào tạo đội ngũ các nhà làm phim chuyên nghiệp: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, công nghệ, lý luận phê bình, sản xuất phim, phát hành phim, quản lý điện ảnh được đào tạo chuyên sâu, có trình độ và năng lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của công nghiệp điện ảnh trong thời kỳ mới.

Xây dựng kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ các nhà quản lý điện ảnh, có đủ trình độ và năng lực phát triển nền điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn.

Tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ, phim đầu tay, công chúng yêu điện ảnh tổ chức các hoạt động chuyên đề thường xuyên, chia sẻ các thông tin, cập nhật các xu hướng điện ảnh mới, giao lưu trình chiếu các bộ phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, tài liệu, khoa học, môi trường… 

3. Về cơ sở vật chất và dịch vụ

Tiếp tục phát huy thế mạnh kết hợp về cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ chiếu phim như hiện nay. Đặc biệt là các cụm rạp chiếu phim kết hợp trung tâm thương mại, giải trí. Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực của ngành điện ảnh để sản xuất, phổ biến nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí.

Xây dựng trường quay quốc gia có bối cảnh nội, bối cảnh ngoại, bối cảnh dưới nước với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại. Huy động vốn đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và một số hạng mục ban đầu.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu phim tại miền Trung, miền Nam và hệ thống phát hành, phổ biến phim ở các tỉnh, thành phố hiện đại để kinh doanh, đồng thời kết hợp bảo đảm yêu cầu tổ chức Liên hoan phim quốc gia và Liên hoan phim quốc tế và các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế khác.

Đầu tư xây dựng và nâng cấp Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu cung cấp các hoạt động dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại.

Điện ảnh Việt Nam cần phát huy vai trò công nghiệp sáng tạo, việc phát triển các dịch vụ đi kèm của bộ phim đều góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công nghiệp điện ảnh. Những sản phẩm được quảng bá theo tác phẩm điện ảnh như: bối cảnh, bất động sản, thời trang; mỹ phẩm, hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm âm nhạc … cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển.

4.Về thị trường điện ảnh và sản phẩm

Tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành và phát triển hoạt động xuất khẩu tác phẩm điện ảnh mang bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá thương hiệu Điện ảnhViệt Nam trên trường quốc tế, phát huy vai trò của điện ảnh là một trong những sản phẩm nghệ thuật trong xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia, khai thác bộ phim cùng các giá trị liên quan như một công cụ hữu hiệu để thực hiện các chiến dịch quảng bá văn hóa cũng như sản phẩm tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

5. Về quảng bá và hợp tác quốc tế

Đầu tư các dự án sản xuất phim mang bản sắc văn hóa Việt Nam, lịch sử dân tộc kết hợp giới thiệu du lịch tại các địa phương.

Hợp tác quốc tế: tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh. Bên cạnh đó, tăng cường tần suất giới thiệu các loại hình phim Việt trên các kênh chiếu phim (truyền hình, không gian mạng, các ứng dụng xem phim trực tuyến) và hỗ trợ, định hướng đầu tư sản xuất, để giới thiệu sản phẩm điện ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Chú trọng việc xây dựng tác phẩm điện ảnh để đối ngoại. Tổ chức những sự kiện điện ảnh: Yêu cầu phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, không trùng lắp với những sự kiện đã có, đặc biệt chú trọng khai thác nguồn lực xã hội hóa… Xây dựng Đề án cho những Liên hoan phim mang dấu ấn riêng của đất nước: Liên hoan phim ngắn, phim đề tài thiếu nhi, đề tài môi trường; … theo định kỳ. Tổ chức các cuộc thi kịch bản, sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, thi tài năng trẻ. Thi tuyển diễn viên, Dạ hội Điện ảnh… Trong thời gian tới cần mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Phát triển công nghiệp điện ảnh có sự kết hợp giữa tính dân tộc và hội nhập quốc tế.

Chợ phim: Mở rộng, giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài nhằm nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức, quảng bá tác phẩm, phổ biến văn hóa nghệ thuật đất nước ra khu vực và quốc tế, tổ chức giới thiệu, mua bán phim, các thiết bị vật chất kỹ thuật của ngành điện ảnh; mở đường cho việc xuất khẩu phim bằng con đường thương mại, phù hợp với chủ trương biến những sản phẩm điện ảnh thành sản phẩm hàng hóa bán ra nước ngoài.

Trần Lan Hương

 
 
 
EMC Đã kết nối EMC