Biến đổi khí hậu nhiều năm nay đã trở thành vấn để thách thức tới moi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội cũng như moi lĩnh vực, ngành nghề trong đó có ngành du lịch.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu sắc đến ngành du lịch toàn cầu, làm thay đổi môi trường, cảnh quan tại các điểm đến, thay đổi hành vi của du khách từ đó tác động đến kinh tế của cộng đồng địa phương. Du lịch rất nhạy cảm trước những tác động của biến đổi khí hậu, nó có thể làm thay đổi yếu tố Cung và Cầu. Ở chiều ngược lại, hoạt động du lịch cũng góp phần vào hiện tượng biến đổi khí hậu, ước tính gây ra khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Với tầm quan trọng của du lịch trong nền kinh tế thế giới, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm, việc hiểu rõ và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch trở nên cấp thiết.
Nguyên nhân và xu hướng chính của biến đổi khí hậu:
Biến đổi khí hậu xảy ra do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, chủ yếu từ các hoạt động của con người như phát thải khí nhà kính, phá rừng và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Theo các nhà khoa học trung bình mỗi năm nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và dự kiến có thể tăng thêm 1,5-2°C vào cuối thế kỷ này. Biến đổi khí hậu cũng khiến mực nước biển dâng cao, ước tính nước biển tăng khoảng 3,3 mm mỗi năm do băng tan và nhiệt độ nước biển tăng. Số lượng và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, và hạn hán gia tăng cũng xuất phát từ biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng, đặc biệt là rừng, san hô, và các khu vực núi cao sự suy giảm đa dạng sinh học là thực trạng nhìn thấy rõ.
Tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch toàn cầu
Vào thời điểm du lịch hè, hầu hết các quốc gia phải vật lộn để đối phó với nhu cầu làm mát ngày càng tăng khi khách du lịch tìm cách trốn khỏi mức nhiệt độ nóng như thiêu như đốt. Nhu cầu ngày càng cao đối với các khu vực gắn điều hòa cũng có khả năng khiến mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, tạo áp lực cho lưới điện địa phương và tăng lượng phát thải. Những năm gần đây, thời tiết nóng bức quá giợi hạn bình thường ở Châu Âu và Khu vực Địa Trung Hải làm số lượng khách ở những điểm đến này giảm sút đáng kể. Nắng nóng làm ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch, sự thay đổi này có thể sẽ tác động đáng kể đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ du lịch. Ngoài ra nước biển dâng, lanh hoặc nóng quá mức bình thường còn tá động tới hệ sinh thái – những tài nguyên quan trọng quyết định sức hấp dẫn của điểm đến. Những tác động của biến đối khí hậu tới ngành du lịch có thể nhìn thấy rõ qua những ảnh hưởng sau:
Ảnh hưởng đến các điểm đến vùng ven biển và đảo: Các điểm đến nổi tiếng như Maldives, Venice, và một số đảo Thái Bình Dương đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm hoặc mất diện tích đất do nước biển dâng. Các rạn san hô như Great Barrier Reef (Úc) đang bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng, làm giảm sức hút của du lịch lặn biển. Các khu du lịch trượt tuyết tại dãy Alps, Rockies và Himalaya đối mặt với nguy cơ mất đi các điều kiện tự nhiên cần thiết cho hoạt động này do nhiệt độ tăng khiến băng tuyết tan chảy. Sự suy giảm đa dạng sinh học làm ảnh hưởng đến các khu vực du lịch sinh thái tại vùng núi cao. Nhiệt độ tăng cao tới mức cực đoan tại các khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, và Đông Nam Á khiến du khách tránh đến những nơi này vào mùa nóng, điều này khiến cho các quốc gia này giảm đáng kể số lượng khách du lịch mỗi năm. Các điểm đến phụ thuộc vào nguồn nước như công viên quốc gia ở châu Phi và Ấn Độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Không chỉ có ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan tự nhiên, biến đổi khí hậu còn tác động xấu tới các di sản văn hóa, các công trình lịch sử như Angkor Wat (Campuchia) và Petra (Jordan) bị đe dọa bởi mưa axit, xói mòn và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ảnh hưởng đến hành vi của du khách: Biến đổi khí hậu làm thay đổi các mùa du lịch truyền thống. Mùa đông ở châu Âu, cụ thể hơn là ở một số điểm trượt tuyết nổi tiếng ngắn hơn, ảnh hưởng đến du lịch trượt tuyết tại đây. Mùa hè ở Trung Đông cực đoan hơn khiến những tháng có thể du lịch tại đây rút ngắn lại. Biến đổi khí hậu khiến khách du lịch ưu tiên lựa chọn những điểm đến và dịch vụ thân thiện với môi trường hơn.
Ảnh hưởng đến kinh tế du lịch: Các điểm đến dựa vào tài nguyên tự nhiên như khu vực du lịch biển, các khu sinh thái rừng, các khu trượt tuyết) sẽ chịu tổn thất lớn khi các tài nguyên này bị phá hủy hoặc bị ảnh hưởng không còn được nguyên vẹn. Ngành du lịch cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ giảm phát thải, và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên vì thế chi phi vận hành tăng.
Khi số lượng khách du lịch giảm, nhiều khu du lịch mất hoặc phải đóng cửa thì cũng nghĩa với hàng triệu người phụ thuộc vào du lịch có nguy cơ mất việc do sự suy giảm của các điểm đến quan trọng.
Triển vọng và giải pháp cho ngành du lịch trước biến đổi khí hậu
Yếu tố then chốt phải nhắc đến đầu tiên đó là cần ưu tiên phát triển du lịch bền vững với việc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Dành nguồn kinh phí cho việc phục hồi và bảo vệ những tài nguyên thiên nhiên đã chịu tác động. Áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại các điểm du lịch. Khuyến khích mọi doanh nghiệp, cơ sở tập trung phát triển và cung cấp dịch vụ “du lịch xanh”. Phát triển các sản phẩm du lịch ít tác động tới môi trường như như du lịch sinh thái, trekking, và nghỉ dưỡng bền vững. Sử dụng năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhựa tại các cơ sở lưu trú.
Tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới ví dụ như thực tế ảo và thực tế tăng cường để cung cấp trải nghiệm du lịch trực tuyến để giảm áp lực lên các điểm đến dễ bị tổn thương. Sử dụng công nghệ như AI, cảm biến và drone để giám sát tác động của biến đổi khí hậu lên các điểm du lịch.
Tăng cường hợp tác toàn cầu với chính sách cụ thể, hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế để bảo vệ các điểm đến có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Xây dựng quỹ hỗ trợ các điểm đến du lịch bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đưa nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển du lịch quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường.
Giáo dục và nâng cao nhận thức, tăng cường đào tạo cho các nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao ý thức của du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và giảm tác động cá nhân đến khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu, nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành này đổi mới và phát triển bền vững. Với việc áp dụng các giải pháp hiệu quả từ cấp độ địa phương đến quốc tế, ngành du lịch có thể thích nghi và đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ các điểm đến quan trọng và đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng.
NLH