Ngày 02 tháng 8 tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng TBT Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho các điểm TBT năm 2024.
Hội nghị dành cho các đối tượng là văn phòng TBT cấp Bộ và địa phương nhằm kịp thời nắm bắt hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, cung và hỗ trợ thông tin về TBT cho doanh nghiệp tạo thuận lợi cho quá trình xuất khẩu.
Tham dự Hội nghị có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, bà Tôn Nữ Thục Uyên – Phó giám đốc Phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên Văn phòng TBT Việt Nam và đại diện các điểm TBT cấp Bộ, các điểm TBT địa phương trong mạng lưới TBT Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của Mạng lưới TBT Việt Nam đối với thực thi cam kết TBT tại Việt Nam, đồng thời ông cũng khẳng định việc nắm vững các quy định, hiểu đầy đủ nội dung và áp dụng để triển khai thực hiện là rất quan trọng. Nhiệm vụ của Văn phòng TBT Việt Nam và các điểm TBT của các bộ ngành, địa phương là thông báo và hỏi đáp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), vì vậy các cơ quan cần có những đề xuất nội dung phù hợp liên quan tới nội dung minh bạch hóa trong quá trình sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm nêu bật vai trò của Mạng lưới TBT. Đồng thời yêu cầu hoạt động TBT không chỉ tập trung vào cung cấp thông tin mà cần gắn với các đơn vị chuyên môn khác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Ông Hà Minh Hiệp mong muốn thông qua Hội nghị tập huấn, các điểm TBT cấp bộ, các điểm TBT địa phương nắm rõ và thúc đẩy triển khai áp dụng Thực hành Quy định tốt – GRP (Good Regulatory Practice) nhằm đánh giá hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam.
Tại hội nghị tập huấn, bà Tôn Nữ Thục Uyên – Phó Giám đốc Phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam đã Báo cáo tình hình thực thi cam kết TBT trong WTO và FTAs của Việt Nam trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời nêu rõ việc phối hợp thực hiện cam kết TBT trong mạng lưới TBT Việt Nam là rất quan trọng, trong đó có thực hiện Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới TBT Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại hội nghị tập huấn, các đại biểu còn được tìm hiểu về các Hiệp định Thương mại tự do, các hướng dẫn thực hành qua các tham luận trình bày về cam kết TBT trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs); hướng dẫn áp dụng Thực hành Quy định tốt (GRP) trong xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp TBT; trình bày về hệ thống cảnh báo ePing và giới thiệu các chức năng mới cập nhật của hệ thống. Hiểu sâu hơn về các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA là lá chắn bảo vệ đắc lực cho các sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, giúp ngăn chặn hành vi làm giả, hàng nhái, bảo vệ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, để đảm bảo rằng khi rào cản thuế quan được dỡ bỏ dần, hàng rào phi thuế quan không được tạo ra một cách vô lý nhằm cản trở thương mại, gây mất bình đẳng và phân biệt đối xử, các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cùng với cam kết khác đã được các nước đưa vào khung đàm phán với mục đích dỡ bỏ những rào cản kỹ thuật cản trở thương mại quá mức cần thiết. Hiệp định TBT là một trong các Hiệp định quan trọng của WTO và Chương TBT cũng trở thành một phần không thể thiếu của các Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia . Thực thi có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Hay như việc Thực hành Quy định tốt (GRP) nhằm đảm bảo rằng kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. GRP đề cập đến việc sử dụng các công cụ như đánh giá tác động của quy định, sự tham gia của các bên liên quan và đánh giá hậu kỳ để cải thiện chất lượng của môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Các công cụ GRP rất hữu ích để xác định và xem xét các chính sách/quy định nào là cần thiết để đạt được các kết quả nhất định, cuối cùng là làm cho việc tuân thủ quy định trở nên đơn giản và có ý nghĩa nhất có thể. Đã có rất nhiêu nỗ lực đa phương được thực hiện liên quan tới GRP như các hoạt động của APEC (Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), Chương trình Cải cách quy định của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và Chương trình quy định tốt hơn cho tăng trưởng của Worl Bank (Ngân hàng Thế giới).
Tại hội nghị, các đại biểu từ các điểm TBT cấp bộ và địa phương cũng đã trao đổi, thảo luận và bày tỏ quan điểm về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về TCĐLCL tại địa phương để tìm ra hướng giải quyết, khắc phục. Trong đó nổi cộm và vướng mắc về nhân lực, một chuyên viên thường phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, không có cán bộ chuyên trách tại cơ Bộ cũng như địa phương thực hiện công tác TBT. Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ, chuyên viên thưc hiện công tác TBT chưa đồng bộ và thường xuyên dẫn đến việc cập nhật thông tin cũng như đưa ra các giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương đề nghị được cấp nguồn đào tạo công tác TBT cũng như có cán bộ chuyên trách thực hiện việc giải đáp của văn phòng TBT địa phương, đặc biệt đối với các ngành nghề, lĩnh vực liên quan nhiều tới sản phẩm xuất khẩu ví dụ như nông sản, hải sản và may mặc.
Trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn, chiều cùng ngày, Văn phòng TBT Việt Nam cùng đại biểu các điểm TBT cấp Bộ, các điểm TBT địa phương đã đến thăm quan và làm việc với Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, bà Tôn Nữ Thục Uyên đã giới thiệu với doanh nghiệp về hoạt động của Văn phòng TBT Việt Nam và Mạng lưới TBT Việt Nam, đồng thời trao đổi với doanh nghiệp về khả năng hỗ trợ thông tin về TBT trong lĩnh vực dệt may cho doanh nghiệp. Qua buổi làm việc đại biểu tham dự đã nắm rõ hơn tình hình và những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời cũng có những trao đổi cụ thể hơn về những rào cản thương mại mà các doanh nghiệp đã, đang và sẽ phải đối mặt khi xuất, nhập khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp Hòa Thọ bày tỏ cám ơn tới những thông tin mà Văn phòng TBT Việt Nam cung cấp và cho biết doanh nghiệp đã có thêm một kênh thông tin cũng như trao đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.
NLH