Với chủ đề “Phá vỡ ranh giới”, Đại hội đồng thường niên và các cuộc họp có liên quan của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO được tổ chức từ 09 đến 13 tháng 9 tại thành phố Cartagena, Colombia đã thành công tốt đẹp.

Được thành lập năm 1946 tại London, Thủ đô Anh Quốc, tuy nhiên, tổ chức ISO lại chính thức bắt đầu hoạt động sau 01 năm sau thời gian thành lập từ 23/02/1947. Kể từ đó, hàng năm tổ chức ISO tổ chức họp thường niên nhằm đánh giá hoạt động của 1 năm, nêu phương hướng hoạt động trong năm tiếp theo và định hướng tầm nhìn dài hạn nhằm đưa hoạt động của tổ chức gần gũi, thiết thực xây dựng củng cố hệ thống tiêu chuẩn mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Chuỗi sự kiện năm nay thu hút sự tham gia của gần 650 đại biểu đến từ 170 quốc gia và hơn 9000 người tham gia online. Đoàn Việt Nam có 04 đại biểu tham dự trong đó Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học & Công nghệ có 03 đại biểu, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có 01 đại biểu.

Đại hội đồng thường niên ISO lần thứ 46 lấy chủ đề “ Phá vỡ ranh giới” tập trung vào các nội dung chính. AI, Y tế và Môi trường, thông qua những nội dung này Tổ chức ISO đi sâu thảo luận các vấn đề mang tính bền vững như: Sự phát triển của AI tác động như thế nào tới hoạt động của chính phủ các nước, cũng như các tổ chức lớn trong việc quản lý và sử dụng lao động. Dự báo sự thay đổi nguồn lao động trong tương lai khi AI có khả năng thay thế lao động của nhiều ngành nghề. Phát triển các ứng dụng và máy móc thay thế con người trong việc chăm sóc bệnh nhân. Xây dựng các tiêu chuẩn ISO mới quy định về vật liệu đóng tàu, nguyên liệu sử dụng trong việc vận hành tàu để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường biển. Các chủ đề của hội thảo bên lề xoay quanh các nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh học và sự tiến bộ của công nghệ; Sự tham gia của thế hệ trẻ vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa; Cách thức quản trị và cải thiện mô hình kinh doanh theo các tiêu chuẩn quốc tế; Định kiến về giới tính và rào cản văn hóa ảnh hưởng tới khởi nghiệp…Xuyên suốt 5 ngày họp, tổ chức ISO cũng đan xen dành thời gian cho các phiên thảo luận trước thềm phiên họp và dành một buổi chiều để Đại hội đồng trả lời các câu hỏi trực tiếp từ đại biểu tham dự.

Trong khuôn khổ ISO 2024, ISO và UNDP (chương trình phát triển Liên hợp quốc) đã phối hợp tổ chức công bố hướng dẫn quốc tế đầu tiên trên thế giới nhằm giúp cá doanh nghiệp và tổ chức đẩy nhanh tiến độ đóng góp cho Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đây là tài liệu miễn phí đầu tiên nhằm cung cấp, hướng dẫn các tổ chức đẩy nhanh tiến trình đáp ứng các SDG. Theo báo cáo SDG Liên Hợp quốc năm 2024, chỉ có 17% các mục tiêu SDG đang trên đà đạt được trên toàn cầu vào năm 2030. Ông Sergio Mujica, Tổng thư ký ISO, cho biết, các hướng dẫn mới này được phát triển bởi một nhóm chuyên gia quốc tế do thành viên ISO tại Đan Mạch, được thiết kế để các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ SDG đến hành động vì SDG. Trước xu thế hiện nay, các doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn nữa để đạt được các SDG và sự hợp tác là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hành động. ISO tự hào được hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) để thúc đẩy tiến trình SDG “Những hướng dẫn cho phép tất cả các loại hình tổ chức – ở cả khu vực công và tư trên toàn thế giới,lớn hay nhỏ, mới hay đã thành lập đưa SDG vào cốt lõi hoạt động của họ. Lần đầu tiên, chúng ta có một phương pháp tiếp cận chung để các doanh nghiệp và tổ chức điều chỉnh chiến lược của họ với các SDG, ghi lại tiến trình hướng tới việc đạt được, đồng thời hướng dẫn cung cấp lời khuyên thực tế để tích hợp phát triển bền vững vào tất cả các chức năng và quá trình ra quyết định đầu tư”, ông Sergio Mujica cho biết thêm

Bên cạnh đó, Đại hội đông cũng đã công bố Tân Chủ tịch ISO nhiệm kỳ 2026 -2028, với số phiếu bầu cao, ông Khaled Soufi, Chủ tịch Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Ai Cập (EOS) đã được bầu vào vị trí này thay cho người tiền nhiệm – Tiến sĩ Sung Hwan Cho.

Đoàn Việt Nam do Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia làm trưởng đoàn tham gia tích cực tất cả các phiên họp trong khuôn khổ sự kiện và đã tạo được dấu ấn khi được Tổ chức gửi lời mời tham dự với tư cách điều phối viên tại một số chủ đề được đưa ra tham luận giữa các thành viên ISO như: Ảnh hưởng xã hội của Tiêu chuẩn, thách thức của thế hệ trẻ trong việc tham gia vào công tác tiêu chuẩn hoá trong tương lai…Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Trưởng đoàn Việt Nam nhận được lời mời của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với tư cách diễn giả bên cạnh các diễn giả đến từ ISO, IEC với chủ đề tham luận: quan hệ đối tác vì phát triển bền vững.

Trong khuổn khổ sự kiện, đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Úc (SA), Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Kenya (KEBS), Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Trung quốc (SAC), Hội đồng Tiêu chuẩn Canada (SCC) nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia với tư cách là Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam và các Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia khác trong khuôn khổ thành viên Tổ chức ISO trong lĩnh vực phát triển tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, đào tạo Tiêu chuẩn. Đặc biệt tại cuộc họp song phương với Cơ quan Tiêu chuẩn ASTM (Hoa Kỳ), đoàn Việt Nam đã có vinh dự được ASTM vinh danh là đối tác MoU 20 năm trong khuôn khổ hợp tác toàn cầu của tổ chức này.

 

         ISO/UNDP PAS 53002 là tài liệu giúp các tổ chức đóng góp vào SDG của Liên Hợp quốc. Các hướng dẫn này được xây dựng thông qua quan hệ đối tác với UNDP nhằm cung cấp cho các tổ chức một phương pháp tiếp cận thống nhất để quản lý và tối ưu hóa tác động của họ đối với phát triển bền vững một cách có hệ thống trên nhiều khía cạnh hoạt động khác nhau.

Các hướng dẫn này đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phương pháp tiếp cận toàn diện đối với phát triển bền vững, cho phép các tổ chức đóng góp tích cực vào SDG. Cung cấp một khuôn khổ có cấu trúc để tối đa hóa các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Thông qua các biện pháp chủ động và lồng ghép phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh và quy trình ra quyết định, các hướng dẫn này đảm bảo phương pháp tiếp cận cân bằng đối với tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Các hướng dẫn này có liên quan đến các tổ chức trong mọi lĩnh vực. Chúng hướng đến những người ra quyết định cấp cao, những người có thể sử dụng chúng để xác định cách tạo ra tác động tích cực hữu hình dựa trên bối cảnh riêng của tổ chức.

Lợi ích mà tổ chức có thể đạt được bao gồm: Điều chỉnh các chiến lược tổ chức với các mục tiêu phát triển bền vững; Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và đóng góp của xã hội; Cải thiện báo cáo và tính minh bạch về tính bền vững; Hỗ trợ quản lý rủi ro liên quan đến các vấn đề về tính bền vững.

NLH