Việt Nam là một trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với rất nhiều loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao. Tuy nhiên nạn buôn bá, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trong ngành du lịch đang là thực trạng đáng lo ngại.
Thực trạng việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã
Việc nuôi nhốt động vật để phục vụ du lịch và các mục đích thương mại khác đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm nóng của khu vực.
Theo Cục Kiểm lâm, cả nước hiện có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với tổng cộng 2,5 triệu cá thể thuộc 300 loài. Đáng chú ý, 90% trong số này là các hộ gia đình và cá nhân. Số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký đã tăng từ 97 cá thể (năm 2010) lên 364 cá thể (năm 2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Tuy nhiên, không có cơ sở nào thực hiện hoạt động nuôi hổ vì mục đích bảo tồn thực sự. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư vào việc mở các sở thú và safari như một phần của dự án, với mục tiêu kinh doanh hơn là bảo tồn động vật. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 18.000 cơ sở đăng ký gây nuôi, bảo tồn động vật hoang dã, nhiều trong số đó gắn liền với các dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng.
Nhiều nhà hàng tại các khu vực du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, hoặc các vùng Tây Nguyên thường quảng cáo các món ăn chế biến từ thịt động vật hoang dã (rắn, kỳ đà, cầy hương, nhím, dúi…). Thực khách, đặc biệt là du khách quốc tế hoặc những người đến từ thành phố lớn, thường coi đây là một “trải nghiệm ẩm thực độc đáo”. Nguồn cung thịt rừng này chủ yếu từ săn bắt trái phép trong tự nhiên, hoặc từ các trang trại nuôi động vật hoang dã chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Các khu chợ du lịch lớn như Đồng Xuân tại Hà Nội, chợ Bến Thành tại TP.HCM, và chợ biên giới ở Lạng Sơn, Quảng Ninh thường bày bán sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác, rùa biển, da trăn, da cá sấu… Đây là những sản phẩm thu hút khách du lịch làm quà lưu niệm. Hầu hết các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ khai thác trái phép, vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ động vật hoang dã và các công ước quốc tế như CITES.
Khai thác động vật hoang dã phục vụ du lịch
Một số tour du lịch, đặc biệt ở Tây Nguyên, Huế và Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức các hoạt động cưỡi voi, xem biểu diễn khỉ hoặc chụp ảnh với thú hoang như chim đại bàng, trăn, khỉ…Những con vật này thường bị nuôi nhốt trong điều kiện không phù hợp, chịu đựng các biện pháp huấn luyện khắc nghiệt để phục vụ mục đích thương mại. Điều này làm tổn hại tới động vật nói chung, làm xấu hình ảnh của ngành du lịch, và xa hơn là làm mất cân bằng hệ sinh thái do việc săn, bắt động vật.
Các nguyên nhân chính
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do khách du lịch coi thịt rừng và sản phẩm động vật hoang dã là biểu tượng của sự cao cấp, quý hiếm. Một số khách quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc, vẫn tin vào giá trị y học hoặc phong thủy của các sản phẩm như sừng tê giác, ngà voi.
Bên cạnh đó việc hạn chế trong công tác quản lý cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ tại Việt Nam đáng lo ngại. Chợ và nhà hàng vẫn công khai bày bán động vật hoang dã, nhưng cơ quan quản lý đôi khi không đủ nguồn lực hoặc chưa quyết liệt trong việc giám sát. Việc kiểm tra giấy phép kinh doanh động vật hoang dã chưa được thực hiện nghiêm túc.
Buôn bán động vật hoang dã mang lại lợi nhuận lớn do giá trị cao của thị trường này, khiến nhiều cá nhân và tổ chức sẵn sàng vi phạm pháp luật.
Tư duy và nhận thức hạn chế cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tiêu thụ, sử dụng quá nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam. Nhiều du khách, đặc biệt là người trong nước, không biết hoặc không quan tâm đến hậu quả của việc tiêu thụ và mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, tâm lý càng cấm thì càng hiếm khiến nhiều du khác sẵn sàng chi trả giá cao để có thể mua sản phẩm từ động vật hoang dã, điều này càng khiến cho tình trạng săn bắt nghiêm trọng hơn. Ngoài ra một số người tin vào các tác dụng thần thánh không có căn cứ khoa học của sừng tê giác, ngà voi khiến nhu cầu tăng, từ đó kéo theo việc buôn bán, săn bắt tăng.
Hậu quả đến từ việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã
Buôn bán động vật hoang dã có thể mang lại những rủi ro lớn cho hoạt động của ngành du lịch như: Giảm sức hấp dẫn đối với du khách, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, vi phạm luật pháp và các công ước quốc tế mang Việt Nam đã tham gia, ký kết; gia tăng tội phạm, gây mất an ninh, trật tự; làm mất đi hình ảnh về một Việt Nam thanh bình, mến khách; khiến cho doanh thu của ngành du lịch thụt giảm…Cụ thể hơn đối với môi trường suy giảm quần thể các loài ĐVHD: Săn bắt quá mức đã khiến nhiều loài như tê giác, voi, rùa biển, tê tê đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc săn bắt và khai thác động vật hoang dã gây mất cân bằng hệ sinh thái làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên. Đối với xã hội việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ảnh hưởng hình ảnh quốc gia. Việt Nam bị chỉ trích là điểm nóng về buôn bán động vật hoang, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế. Các hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm các hiệp ước quốc tế như CITES. Đối với ngành du lịch, các hành vi buôn bán và tiêu thụ đông vật hoang dã làm giảm niềm tin của du khách quốc tế vào du lịch Việt Nam, mất cơ hội phát triển du lịch bền vững
Giải pháp hạn chế nạn buôn bán, sử dụng động vật hoang dã
Nâng cao nhận thức: Thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, nhấn mạnh sự nguy hại của việc tiêu thụ động vật hoang dã. Đưa các thông điệp bảo vệ động vật hoang dã vào nội dung hướng dẫn du lịch tại các địa điểm tham quan và khách sạn.
Tăng cường pháp luật: thắt chặt kiểm tra và xử phạt nghiêm minh các cá nhân, tổ chức buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Thiết lập đội kiểm soát đặc biệt để giám sát các khu vực thường xảy ra buôn bán động vật hoang dã.
Khuyến khích du lịch bền vững: Phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, không khai thác động vật hoang dã như tour sinh thái, tour bảo tồn.
Hợp tác với các khu bảo tồn thiên nhiên: tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục về động vật hoang dã.
Hợp tác quốc tế: phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước láng giềng để kiểm soát và ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chia sẻ thông tin về các tổ chức và cá nhân tham gia buôn bán động vật hoang dã trên mạng lưới quốc tế.
Việc xử lý triệt để vấn đề này đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, từ chính phủ, doanh nghiệp du lịch đến chính bản thân du khách. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, ngành du lịch Việt Nam mới thực sự trở thành điểm sáng bền vững trên bản đồ thế giới.
Những số liệu trên cho thấy tình trạng nuôi nhốt động vật phục vụ du lịch và thương mại đang diễn ra phổ biến, đặt ra nhiều thách thức về trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và tính bền vững của ngành du lịch.
NLH