Du lịch biển là một trong những loại hình du lịch phổ biến nhất trên thế giới, thu hút số lượng lớn du khách hàng năm, mang lại nguồn thu đáng kể, tuy nhiên thực trạng rác thải nhựa báo động do hoạt động du lịch cũng đang là vấn đề nhức nhối trên thế giới.

Thực trạng rác thải nhựa đến từ hoạt động du lịch

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), khoảng 50% du khách toàn cầu lựa chọn các điểm đến biển đảo, và các khu vực này thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch tại một số quốc gia. Ngoài ra, du lịch tàu biển cũng là một phân khúc quan trọng trong du lịch biển. Từ năm 2013 đến 2018, số lượng khách du lịch tàu biển toàn cầu tăng từ 21,31 triệu lượt lên 28,52 triệu lượt, cho thấy sự phát triển đáng kể của loại hình du lịch này.

Số lượng khách du lịch toàn cầu năm 2023 đạt trên 10 tỷ người, trong đó có sự đóng góp đặc biệt tại các khu du lịch biển. Tuy nhiên cũng từ đây hàng tấn rác thải nhựa phát sinh. Bởi khách du lịch thường có xu hướng sử dụng sản phẩm từ nhựa do tính tiện dụng, giá thành rẻ, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nhựa, ống hút, bàn chải, lượt, mũ chụp tóc, hộp xốp, ni long…Các cơ sở cung cấp dịch vụ cũng thường lựa chọn dùng sản phẩm nhựa để tối đa lợi nhuận mà không tính đến hậu quả lâu dài để lại,

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), mỗi năm có khoảng 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần. Tại Việt Nam, các hoạt động du lịch ảnh hưởng từ 20-30% đến môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên của biển, góp phần vào ô nhiễm rác thải nhựa. Theo số liệu phân tích của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mỗi khách du lịch lưu trú tạo ra lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi khách du lịch không lưu trú thải ra khoảng 0,5 kg/ngày đêm.

Các điểm nóng ô nhiễm rác thải nhựa do du lịch trên thế giới hiện nay phải kể đến đó là: Ở Đông Nam Á, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, và Philippines chịu áp lực lớn từ việc quá tải lượng khách du lịch quốc tế. Địa Trung Hải, các điểm đến như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha đang phải đối mặt với ô nhiễm nhựa nghiêm trọng. Quần đảo Thái Bình Dương, các đảo nhỏ không có khả năng xử lý rác thải du lịch đang trở thành bãi rác nhựa của thế giới.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng tiếc này đầu tiên phải kể đến việc phát triển du lịch không bền vững. Các khu du lịch tại nhiều quốc gia không kiểm soát được lượng khách và không đầu tư vào hạ tầng xử lý rác thải.

Ý thức kém của du khách, du khách thường xả rác bừa bãi và sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thiếu quản lý và chính sách cũng là thực trạng khi nhiều địa phương không có hệ thống thu gom, tái chế rác thải nhựa đạt tiêu chuẩn. Thay vào đó xử dụng hình thức xử lý rác thải nhựa thô sơ như chôn, đốt…gây nguy hại hơn đến môi trường. Với giá thành rẻ, tiện lợi nhiều khách sạn, nhà hàng ưu tiên gia tăng sử dụng đồ nhựa trong dịch vụ du lịch.

Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến đại dương trên thế giới

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển: Rác thải nhựa tổn hại cho động vật biển, báo cáo của tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho biết có khoảng 100.000 động vật biển (rùa, cá voi, cá heo) chết mỗi năm do nuốt phải rác thải nhựa hoặc bị mắc kẹt trong lưới nhựa. Chim biển cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nghiên cứu cho thấy 90% chim biển đã ăn phải nhựa. Việc nuốt phải rác thải nhựa đã được ghi nhận với tỷ lệ cao đến 31% ở một số loài, trong đó có 46 loài thuộc Bộ Cá voi.

Không chỉ gây hại tới các loại động vật biển, mà rác thải nhựa còn làm tăng khả năng tích tụ vi nhựa trong chuỗi thức ăn. Rác thải nhựa phân hủy thành vi nhựa (hạt nhỏ < 5mm), xâm nhập vào sinh vật phù du, cá và các động vật biển khác, cuối cùng đi vào chuỗi thức ăn của con người. Vi nhựa đã được phát hiện trong 60% loài cá thương mại.

Suy giảm chất lượng môi trường biển: Các chất độc hại từ nhựa, như BPA và phthalates, rò rỉ vào nước biển, gây ô nhiễm môi trường nước và môi sống của sinh vật biển. Rác thải nhựa, đặc biệt là túi nhựa và màng nilon, làm giảm khả năng trao đổi khí của nước biển, ảnh hưởng đến nhiệt độ và dòng chảy đại dương.

Gây hại cho các rạn san hô: Rác thải nhựa bám vào các rạn san hô, làm gián đoạn quang hợp và hô hấp của san hô, từ đó gây chết các rạn san hô. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn loài sinh vật sống phụ thuộc vào hệ sinh thái này.

Ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu: Rác thải nhựa thải ra khí methane và ethylene khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu.

Tác động lâu dài: Nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy hoàn toàn, dẫn đến sự tích tụ rác thải nhựa trong các đại dương. Hiện nay, có ít nhất 5 “vòng xoáy rác thải nhựa” lớn trên các đại dương, nổi bật là “Great Pacific Garbage Patch” (Vòng rác thải Thái Bình Dương), với diện tích khoảng 1,6 triệu km² (gấp 3 lần diện tích Việt Nam).

Ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sự phát triển du lịch biển

Rác thải nhựa đã trở thành một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng các điểm đến du lịch biển. Rác thải nhựa cũng là nguyên nhân khiến du lịch biển không thể phát triển bền vững. Những ảnh hưởng cụ thể có thể kể đến như:

Gây mất mỹ quan và giảm sức hút của điểm đến: Bãi biển ngập rác không thể là một hình ảnh thu hút. Bãi biển bị ô nhiễm rác thải nhựa (chai lọ, túi nilon, ống hút) làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, khiến khách du lịch không muốn quay lại. Theo khảo sát của UNWTO, 85% du khách cho biết họ ưu tiên các điểm đến sạch sẽ và không có rác thải.

Tác động đến trải nghiệm du lịch: Khách du lịch cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với rác thải trôi nổi trên biển hoặc lẫn vào cát khi tắm biển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá của du khách trên các nền tảng trực tuyến, làm giảm danh tiếng của điểm đến.

Ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế du lịch: Các điểm đến biển bị ô nhiễm rác thải nhựa thường ghi nhận lượng khách giảm đáng kể, dẫn đến suy giảm doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và các hoạt động vui chơi giải trí.

Tăng chi phí xử lý rác thải: Chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải chi hàng triệu USD mỗi năm để dọn sạch bãi biển. Ví dụ: Indonesia chi khoảng 1 tỷ USD/năm để xử lý rác thải biển. Maldives phải chiếm tới 30% ngân sách ngành du lịch để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Hậu quả kinh tế: Ô nhiễm rác thải nhựa khiến các bãi biển, khu vực lặn biển mất đi vẻ đẹp tự nhiên, làm giảm sức hút đối với du khách. Các quốc gia ven biển chi hàng tỷ USD mỗi năm để dọn dẹp rác thải nhựa. Không chỉ ngành du lịch, rác thải nhựa làm hư hại lưới và ngư cụ, làm giảm năng suất đánh bắt ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá. Bên cạnh đó nhiều loài cá bị nhiễm vi nhựa không còn giá trị thương mại.

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển – nền tảng của du lịch: Rác thải nhựa bám vào các rạn san hô, làm chết san hô và giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động lặn biển – một dịch vụ quan trọng tại các điểm đến biển. Hình ảnh động vật biển chết do nuốt phải nhựa ảnh hưởng đến nhận thức du khách, làm giảm sự yêu thích với các hoạt động du lịch liên quan đến thiên nhiên.

Mất cơ hội phát triển du lịch bền vững: Các điểm đến biển bị ô nhiễm khó có thể đạt các chứng nhận du lịch xanh, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút du khách có ý thức bảo vệ môi trường. Các quốc gia như Maldives, Thái Lan đã phải đóng cửa nhiều hòn đảo du lịch nổi tiếng (như Maya Bay, Koh Samet) để khôi phục môi trường sau ô nhiễm.

Ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và khu vực: ô nhiễm rác thải khiến điểm đếm bị giảm thiện cảm từ du khách quốc tế. Các điểm đến bị ô nhiễm nhựa thường được truyền thông nhắc đến với hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Ví dụ: Các bãi biển tại Bali (Indonesia) từng được du khách quốc tế gọi là “đảo rác” do lượng lớn rác thải nhựa tràn ngập.

Giảm sức hấp dẫn đầu tư: Ô nhiễm nhựa làm giảm cơ hội đầu tư vào các dự án phát triển du lịch cao cấp hoặc khu nghỉ dưỡng sinh thái.

Giải pháp giảm rác thải nhựa từ hoạt động du lịch biển

1. Áp dụng mô hình du lịch bền vững: Giảm sử dụng nhựa một lần tại các điểm du lịch. Ban hành quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần tại các khu du lịch, resort, và nhà hàng. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế như túi giấy, ống hút tre, chai nước tái sử dụng.

Phát triển các mô hình du lịch xanh: Kết hợp hoạt động dọn rác biển vào các tour du lịch. Xây dựng các khu du lịch đạt chứng nhận sinh thái (eco-friendly).

2. Nâng cao ý thức cộng đồng và du khách

Tổ chức các chiến dịch truyền thông, chương trình giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức về tác động của rác thải nhựa đối với đại dương. Hướng dẫn du khách cách giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác đúng cách. Khuyến khích du khách tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Cung cấp túi thu gom rác cho du khách khi tham quan. Tặng quà lưu niệm thân thiện với môi trường cho du khách tham gia các chương trình bảo vệ đại dương.

3. Quản lý và xử lý rác thải hiệu quả

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế. Đầu tư vào hệ thống quản lý rác thải nhựa tại các khu vực du lịch ven biển. Tăng cường công nghệ tái chế rác nhựa để giảm lượng rác đổ ra đại dương. Hợp tác công – tư, kêu gọi các công ty du lịch, khách sạn hợp tác với chính quyền địa phương để xử lý rác thải. Thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào giải pháp tái chế nhựa.

4. Xây dựng chính sách và quy định cụ thể về thu gom, xử lý rác thải. Quy định nghiêm ngặt tại các điểm du lịch. Phạt nặng các hành vi xả rác nhựa ra biển. Ban hành các tiêu chuẩn bền vững cho các doanh nghiệp du lịch.

Khuyến khich doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư vào việc xử ly, thu gom rác thải thông qua việc miễn thuế hoặc giảm phí cấp phép cho các doanh nghiệp du lịch áp dụng mô hình thân thiện với môi trường. Hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển du lịch không rác thải.

5. Sử dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ứng dụng công nghệ vào việc giám sát: Triển khai hệ thống cảm biến theo dõi lượng rác tại các bãi biển và vùng ven biển. Sử dụng robot và thiết bị tự động để thu gom rác nhựa trên bề mặt đại dương. Phát triển vật liệu thay thế nhựa: Khuyến khích nghiên cứu và sản xuất các vật liệu thân thiện với môi trường như nhựa sinh học, bao bì từ tảo biển.

Rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường mà còn trực tiếp đe dọa sự phát triển của ngành du lịch biển – một ngành kinh tế quan trọng tại nhiều quốc gia. Theo Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới vừa được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh du lịch Fragrant Hills 2024, năm nay, doanh thu du lịch được dự báo sẽ đạt 5.800 tỷ USD, số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ đạt 13.579 tỷ lượt, phục hồi 103,9% so với năm 2019. Báo cáo từ Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc UN Tourism cũng đã thông báo trong số 43 quốc gia công bố số liệu doanh thu, 35 nước đã vượt qua mức doanh thu của năm 2019, thậm chí đạt mức tăng trưởng vượt hai chữ số sau khi điều chỉnh lạm phát. Với nguồn lợi lớn thu được từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, trong đó có đến hơn 50% đến từ hoạt động du lịch biển. Nếu các quốc gia không sớm có biện pháp xử lý và những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn rác thải nhựa, thì không lâu nữa, ngành du lịch sẽ chứng kiến sự tụt dốc, không thể phát triên. Nghiêm trọng hơn nữa, khi môi trường và hệ sinh thái bị ảnh hưởng thì khả năng phục hồi thường kéo dài nhiều năm và tốn kém nhiều chi phí.  Trong nhiều trường hợp là không thể phục hồi. Chính bởi tính nghiêm trọng và sử cần thiết này, để có thể khai thác tối đa nguồn lợi từ thiên nhiên, cụ thể ở đây là đại dương, chúng ta cần nhìn nhận lại và chung tay triển khai cứu lấy đại dương của chúng ta, cũng là điểm đến hàng đầu trong xu hướng lựa chọn sản phẩm du lịch của du khách trên toàn thế giới.

NLH