Thị trường du lịch Hồi giáo (Halal Tourism) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia và doanh nghiệp trong ngành du lịch

Du lịch Hồi giáo, hay còn gọi là Halal Tourism, là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của ngành du lịch toàn cầu. Đây là thị trường tiềm năng với lượng khách lớn, mức chi tiêu cao và nhu cầu ổn định nhờ các đặc điểm tôn giáo. Việt Nam với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, cùng sự đa dạng văn hóa và tài nguyên du lịch, đang có cơ hội lớn để khai thác thị trường du lịch Hồi giáo, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu của khách Hồi giáo ngày càng tăng.

Tổng quan về thị trường du lịch Hồi giáo

Theo thống kê từ CrescentRating, năm 2023, ước tính có khoảng 140-160 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo trên toàn cầu, chiếm hơn 11% trong tổng số 1,3 tỷ lượt khách du lịch. Dự báo đến năm 2028, con số này sẽ tăng lên 230 triệu lượt. Dự kiến, du khách Hồi giáo sẽ chi khoảng 225 tỷ USD cho du lịch nước ngoài vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với nhiều thị trường khác.

Người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tầng lớp trung lưu ở nhiều quốc gia Hồi giáo đã tăng lên đáng kể, dẫn đến thu nhập và tài sản tăng lên từ đó nhu cầu du lịch lớn hơn hơn. Những du khách này thường tìm kiếm các lựa chọn du lịch cao cấp hơn và thân thiện với Halal, bao gồm quyền sử dụng thực phẩm Halal, khu vực cầu nguyện, và các tiện nghi phù hợp với quy định tôn giáo. Họ thường đi du lịch theo nhóm, với số lượng từ 5 đến 50 người, và có mức chi tiêu cao cho các dịch vụ du lịch. Thị trường du lịch Halad là thị trường cao cấp có yêu cầu khắt khe song đây lại là thị trường tiềm năng với khả năng chi trả cao vì thế du lịch Halad là tiềm năng mà nhiều quốc gia hướng đến. Cũng vì vậy mà nhiều trung tâm du lịch trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, đang chuẩn bị kỹ lưỡng để đón dòng khách tiềm năng này.

Khách du lịch Hồi giáo có xu hướng chọn các điểm đến cung cấp dịch vụ Halal toàn diện, từ thực phẩm, nơi cầu nguyện đến các hoạt động du lịch thân thiện với tôn giáo. Với sự phát triển nhanh, mạnh của các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, và Thái Lan trong việc cung cấp dịch vụ Halal, khu vực này ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bên cạnh đó phải nói thêm về sự thay đổi nhận thức chung cũng như hiểu biết về việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch Halal. Các công ty du lịch và điểm đến trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc phục vụ thị trường du lịch Hồi giáo và cung cấp nhiều lựa chọn thân thiện với Halal hơn. Ví dụ, các khách sạn và nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal và cơ sở cầu nguyện, và các hãng hàng không cung cấp bữa ăn Halal trên các chuyến bay.

Lợi ích kinh tế cho các nước phát triển du lịch Halal

Lợi ích kinh tế: Du lịch Halal có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các điểm đến bằng cách thu hút thị trường du khách Hồi giáo. Du khách Hồi giáo chi nhiều tiền hơn cho việc đi lại so với những du khách khác, tập trung vào chỗ ở sang trọng và thân thiện với Halal, đồ ăn uống Halal và dịch vụ cầu nguyện. Nếu đáp ứng tốt nhu cầu và sở thích của du khách Hồi giáo, các điểm đến du lịch Halal có thể mở ra các nguồn doanh thu mới, tạo ra việc làm và cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương.

Lợi ích xã hội cho cộng đồng địa phương: Du lịch Halal cũng có thể mang lại lợi ích xã hội cho cộng đồng địa phương bằng cách thúc đẩy giao lưu và hiểu biết văn hóa. Du khách Hồi giáo thường tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa đích thực, quan tâm đến việc tìm hiểu về phong tục, truyền thống và tập quán địa phương, đây cũng là cách để giữ gìn và lưu truyền bản sắc văn hoá, nó không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương

Tăng cường hiểu biết và tôn trọng giữa các nền văn hóa: Du lịch Halal cũng góp phần tăng cường hiểu biết và chia sẻ giữa các nền văn hóa thông qua thúc đẩy quan hệ và trao đổi giữa các nền văn hóa. Với việc tạo ra một môi trường thân thiện và hòa nhập cho du khách Hồi giáo, các điểm đến du lịch Halal có thể thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ hơn đối với các giá trị và truyền thống Hồi giáo, tăng cường tôn trọng, sự hòa hợp giữa các dân tộc và tin cậy lẫn nhau.

Tiềm năng phát triển du lịch Hồi giáo tại ở Việt Nam

Tổng quan về thị trường du lịch Hồi giáo tại Việt Nam

Năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt khách, Trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách từ các quốc gia có đa số người Hồi giáo, chiếm gần 12% tổng số khách quốc tế. Các thị trường chính bao gồm Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, và các nước Trung Đông.

Tình hình chính trị, xã hội ổn định

Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, tiềm lực và quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn mạnh, đứng thứ 34 về quy mô kinh tế, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu và đang ở giai đoạn dân số vàng với 100 triệu người..

Việt Nam có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế mở rộng

Việt Nam có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 32 nước, tham gia hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới

Tài nguyên du lịch và thiên nhiên phong phú của Việt Nam

Việt Nam sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa và thiên nhiên đẹp như Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, và các bãi biển nổi tiếng. Những điểm đến này có thể hấp dẫn khách du lịch Hồi giáo nếu được tích hợp các dịch vụ phù hợp với tôn giáo của thị trường khách này.

Bên cạnh đó, Việt Nam có các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal nhờ kinh nghiệm và đóng góp về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal, cũng như lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài, hệ sinh thái đa dạng, …

Vị trí chiến lược

Việt Nam nằm gần các quốc gia Hồi giáo lớn như Malaysia và Indonesia, giúp việc kết nối du lịch thuận tiện hơn. Thêm vào đó, các đường bay thẳng từ Việt Nam đến các thành phố lớn ở Trung Đông cũng đang được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển thị trường này.

Thị trường du lịch Halad được quan tâm

Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 10/QĐ- TTg ngày 14/2/2023 về Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 về “Du lịch thân thiện với với người Hồi giáo – Các yêu cầu” nhằm tạo thuận lơi cho việc thu hút khác Hồi giáo.

Nhận định rõ tiềm năng từ thị trường Halal, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch khu vực Trung Đông, Nam Á. Không ít hội thảo về du lịch Halal được tổ chức tại các địa phương nhằm đưa ra giải pháp để thu hút thị trường này hiệu quả, bền vững. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang… đã lên kế hoạch đón khách Hồi giáo ở các quốc gia tiềm năng là Ấn Độ, Malaysia, Singapore

Hiện nay, nhu cầu thực phẩm Halal, khu vực cầu nguyện và các dịch vụ đặc thù của khách Hồi giáo tại Việt Nam đang tăng mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Thách thức trong phát triển du lịch Hồi giáo tại Việt Nam

Thiếu dịch vụ đạt chuẩn Halal: Hiện nay, số lượng nhà hàng, khách sạn và điểm du lịch đạt chuẩn Halal tại Việt Nam còn hạn chế, nếu nói chính xác hơn thì gần như chưa có. Điều này khiến du khách Hồi giáo gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp với tôn giáo của họ.

Hiểu biết hạn chế về văn hóa Hồi giáo: Nhân viên du lịch và các doanh nghiệp chưa được đào tạo đầy đủ về văn hóa Hồi giáo, dẫn đến việc phục vụ chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Đặc biệt đối với thị trường Halad – đây là thị trường có yêu cầu về du lịch khắt khe nhất, cần hệ thống tiêu chuẩn cụ thể và đúng quy định nhất,

Cạnh tranh từ các nước trong khu vực: Các quốc gia như Malaysia, Indonesia, và Thái Lan đã xây dựng được thương hiệu mạnh về du lịch Halal. Đặc biệt là Malaysia, bởi tại quốc gia này, cộng đồng người Hồi giáo tương đối lớn do vậy, người dân nói chung cũng đã quen với văn hóa Halad nói chung và các tiêu chuẩn cho khách du lịch Halad nói riêng. Việt Nam cần phải cạnh tranh gay gắt với các nước này để thu hút khách Hồi giáo.

Một vấn đề vô cùng quan trọng khác nữa đó là tất cả các dịch vụ, sản phẩm phục vụ thị trường này đều phải được cấp phép chứng nhận. Hiện nay Việt Nam mới có một trung tâm chứng nhận Halad (Halcert) được thành lập tháng 3 năm 2024 theo Quyết định số 389/QĐ-TĐC.

Gợi ý một số giải pháp phát triển thị trường du lịch Hồi giáo tại Việt Nam

Đầu tư vào dịch vụ Halal: Xây dựng cơ sở hạ tầng Halal như thát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn và điểm đến đạt chuẩn Halal, bao gồm khu vực cầu nguyện, nhà vệ sinh riêng và các dịch vụ tôn giáo khác. Chứng nhận Halal, đây là yếu tốt cực kỳ quan trọng vì vậy chính quyền cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xin cấp chứng nhận Halal để tạo niềm tin cho khách hàng.

Đào tạo nguồn nhân lực: Tổ chức các khóa đào tạo và nâng cao nhận thức về văn hóa, phong tục về nhu cầu của du khách Hồi giáo cho nhân viên trong ngành du lịch. Đào tạo hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Ả Rập hoặc hiểu biết sâu về văn hóa Hồi giáo, cũng như những kỹ năng cần thiết khác cho thị trường này.

Quảng bá và hợp tác quốc tế: Tham gia các hội chợ quốc tế về du lịch Halal để giới thiệu Việt Nam như một điểm đến thân thiện với người Hồi giáo. Hợp tác với các quốc gia Hồi giáo, ký kết các thỏa thuận hợp tác du lịch với các quốc gia như Malaysia, Indonesia, và các nước Trung Đông.

Xây dựng chính sách hỗ trợ: Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ Halal. Lập kế hoạch chiến lược dài hạn, quy hoạch đồng bộ để phát triển du lịch Hồi giáo tại Việt Nam.

Các điển hình thành công: Malaysia được coi là điểm đến hàng đầu về du lịch Halal nhờ hệ thống dịch vụ toàn diện, từ thực phẩm đến khách sạn, và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.Thái Lan đã xây dựng nhiều trung tâm Halal ở Bangkok, Phuket và Chiang Mai, thu hút lượng lớn khách Hồi giáo từ Trung Đông và Đông Nam Á. Với dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia không chỉ cung cấp dịch vụ Halal mà còn tổ chức nhiều sự kiện du lịch đặc biệt dành riêng cho cộng đồng Hồi giáo.

Du lịch Hồi giáo là một thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần khai thác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Với tài nguyên du lịch phong phú, vị trí chiến lược, và nhu cầu ngày càng tăng của du khách Hồi giáo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực nếu có các chiến lược phát triển bài bản. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức và đào tạo nhân lực sẽ là những yếu tố then chốt để biến tiềm năng thành thực tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Việc hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu của du khách Hồi giáo sẽ giúp Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

NLH