Kinh doanh nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế – Nghiên cứu trường hợp cây điều ở Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ là vùng có thế mạnh về cây công nghiệp chủ lực như tiêu, điều, cà phê, cao su với tổng diện tích 809.000 ha chiếm gần 40% diện tích cả nước. Đặc biệt cây điều có tổng diện tích 185.032 ha chiếm tới 63,1% diện tích và gần 70% sản lượng cả nước. Việt Nam nhiều năm liền là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, trong đó phần lớn khối lượng đến từ vùng Đông Nam Bộ.
Kinh doanh nông nghiệp còn gọi là kinh doanh nông sản, được định nghĩa là bao gồm tất cả các họat động liên quan đến sản xuất và phân phối trong nông nghiệp, từ đầu vào sản xuất đến quá trình sản xuất, lưu trữ, chế biến và phân phối nông sản đến người tiêu dùng cuối cùng. Như vậy, thay đổi phương thức kinh doanh theo chuỗi giá trị có thể là lựa chọn đúng cho ngành hàng điều Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng khi mà trên thế giới kinh doanh theo chuỗi giá trị đã mang lại hiệu quả trong việc nâng 2 cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nhà sản xuất, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp của các nước nghèo. Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ do TS. Ngô Hoàng Oanh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Kinh doanh nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế – Nghiên cứu trường hợp cây điều ở Đông Nam Bộ” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019.
Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra các kết luận sau: Về mặt cơ sở lý luận và thực tiễn trên thế giới cho thấy kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị nói chung và sản phẩm điều nói riêng là một xu hướng đã và đang diển ra phổ biến và phù hợp, đạt hiểu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số hạn chế kinh doanh sản phẩm điều vùng Đông Nam Bộ: (i) Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là điều nhân trắng nguyên liệu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; (ii) Chế biến điều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu; (iii) Thị trường tiêu thụ trong nước chiếm thị phần rất nhỏ và chưa được chú trọng; (iv) Đầu vào của sản xuất như giống, vật tư chưa bảo bảo chất lượng; (v) Canh tác vườn điều quy mô nhỏ lẻ là chủ yếu, khó khăn trong việc thâm canh và tái canh; (vi) Việc xả thải từ chế biến điều chưa đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường; (vii) Doanh nghiệp chưa chú trọng và thiếu nguồn lực đầu tư vào kinh doanh theo chuỗi giá trị; (viii) Một số doanh nghiệp điều còn hạn chế về tri thức, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh xuất nhập khẩu trên thương trường quốc tế và chưa chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các hiệp định thương mại; (ix) Liên kết giữa tác tác nhân trong chuỗi giá trị còn yếu; (x) Kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm điều chỉ mới bắt đầu và còn hạn chế, trong đó có hình thức liên kết sản xuất của các tổ hợp tác và hợp tác xã.
Từ những kết luận trên, đề tài đưa ra một số giải pháp và kiến nghị đối với kinh doanh sản phẩm điều Đông Nam Bộ và riêng ngành hàng điều tỉnh Bình Phước như sau:
Một là, đề xuất 5 chiến lược ngành điều Bình Phước cần xây dựng: (1) Xây dựng thương hiệu điều có chỉ dẫn địa lý tỉnh Bình Phước; (2) Duy trì nguồn nguyên liệu trong nước; (3) Nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm điều xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm; (4) Nâng cao năng lực kinh doanh thương mại của doanh nghiệp xuất khẩu; (5) Tiếp thị sản phẩm cấp tỉnh.
Hai là, đề xuất các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị điều Bình Phước: (1) Giải pháp ổn định và tăng năng suất điều hạt; (2) Giải pháp về chế biến sâu sản phẩm điều; (3) Giải pháp về nhập khẩu điều cho chế biến trong nước; (4) Giải pháp về mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ba là, đề xuất giải pháp và kiến nghị cho kinh doanh sản phẩm điều vùng Đông Nam Bộ, bao gồm: (1) Các giải pháp trước mắt – giải pháp đối với các chủ thể tham gia chuỗi giá trị bao hộ trồng điều, cơ sở chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở cung cấp giống, vật tự; (2) Các giải pháp lâu dài – Giải pháp hình thành, dẫn dắt và phát triển hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Bốn là, kiến nghị về chính sách, pháp luật đối với kinh doanh nông sản đối với các sản phẩm cây công nghiệp và sản phẩm điều
Việc nghiên cứu thực trạng kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm điều Đông Nam Bộ là hết sức cần thiết để tìm ra hướng đi thành công tiếp theo của ngành điều Đông Nam Bộ trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60