134/ Triển vọng của thị trường tiêu dùng ASEAN

Trong những năm gần đây, nền kinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh chóng, trở thành một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu. Đó là nhận định của tiến sĩ Thái Quan Thâm, Trưởng Phòng Thương mại tổng hợp Trung Quốc (CGCC) tại Hong Kong, trong bài viết mới đăng trên tờ “Thương báo”.

Theo học giả này, sự kiện 10 nước ASEAN chính thức thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC) vào cuối năm 2015 đã tạo ra một thị trường tiêu dùng có tới 600 triệu dân, đem lại cơ hội phát triển kinh doanh rất lớn cho kinh tế và thương mại khu vực Đông Á.

Đặc khu Hành chính Hong Kong là một trong những đối tác thương mại và đầu tư chặt chẽ nhất của khu vực ASEAN, không gian hợp tác giữa Hong Kong với ASEAN trong tương lai sẽ được mở rộng nhiều hơn.

Trong những năm qua, Tiến sĩ Thái Quan Thâm và CGCC Hong Kong đã tích cực thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hong Kong và ASEAN, bên cạnh việc tìm hiểu cơ cấu dân số và mô hình hợp tác khu vực của ASEAN để khám phá, khai thác những tiềm năng phát triển thị trường tiêu dùng tại đây.

Gần đây, CGCC Hong Kong đã tổ chức sự kiện thường niên “Diễn đàn CGCC” (CGCC Forum), mời nhiều chuyên gia nổi tiếng của Đại lục, Hong Kong và quốc tế cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực Đông Á tham dự. Các khách mời “không hẹn mà gặp” khi đều nói về cơ hội phát triển kinh doanh lớn từ thị trường tiêu dùng ASEAN.

ASEAN được hình thành từ 10 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.

Nền kinh tế khu vực này phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính, dự báo đến năm 2020, GDP của ASEAN sẽ tăng trưởng gấp đôi so với năm 2015, lên tới 4.700 tỷ USD.

Mặc dù dân số ASEAN nhỏ hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cơ cấu dân số của khu vực này tương đối trẻ, độ tuổi 35 trở xuống chiếm trên 50% tổng dân số. Đây không chỉ là lực lượng lao động dồi dào cho khu vực này mà còn mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho ngành bán lẻ.

Tại “Diễn đàn CGCC”, đã có vị khách mời chỉ ra rằng nền kinh tế ASEAN tăng trưởng ổn định sẽ tạo ra sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi.

Có tổ chức dự đoán từ năm 2015 đến năm 2020, thu nhập sau thuế của các gia đình ở ASEAN có thể tăng 5% theo từng năm. Nếu tính theo mức tăng trưởng như vậy, tầng lớp trung lưu của ASEAN sẽ tăng từ 150 triệu vào năm 2015 (chiếm 1/4 dân số) lên 400 triệu trong năm 2020 (chiếm một nửa dân số).

Trên thực tế, các công ty Nhật Bản từ lâu đã có cái nhìn lạc quan về thị trường tiêu dùng ASEAN. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), tính đến cuối năm 2015, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào ASEAN đã vượt 163 tỷ USD, tăng gần 35 lần so với năm 2005.

Trong đó đầu tư vào các ngành phi sản xuất, bán sỉ và bán lẻ, bảo hiểm tài chính đã tăng gấp 70 lần, cao hơn nhiều so với ngành sản xuất máy móc thiết bị, ô tô. Tỷ lệ đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN trong các lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất là 80/20 vào năm 2005, kéo xuống còn 60/40 năm 2015.

Theo số liệu của Hiệp hội công nghiệp ô tô Nhật Bản, các hãng sản xuất ô tô lớn như Toyota và Honda trong những năm gần đây không chỉ coi ASEAN là cơ sở sản xuất, mà còn tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ ô tô tại đây.

Năm 2015, các hãng xe hơi Nhật Bản đã sản xuất ra 3,5 triệu chiếc xe hơi tại các xưởng sản xuất ở ASEAN và có 70% số xe trên được tiêu thụ trực tiếp ở thị trường ASEAN. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các thương hiệu bán lẻ của Nhật Bản nhanh chóng mở rộng tại thị trường ASEAN.

Chẳng hạn như Uniqlo hiện có gần 130 chi nhánh cửa hàng ở khu vực Đông Nam Á, còn Aeon cũng dự kiến trước năm 2020 sẽ xây dựng thêm 10 trung tâm thương mại tại khu vực này.

Theo tác giả bài báo, giới doanh nhân Hong Kong trong nhiều năm qua đã hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, đặc biệt là các ngành kinh doanh đồng hồ, đồ chơi và quần áo, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước tiên tiến như châu Âu, châu Mỹ.

Đứng trước những dấu hiệu suy thoái từ các thị trường lớn ở châu Âu và châu Mỹ trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hong Kong có thể khai thác thị trường tiêu thụ của ASEAN. Triển vọng tầng lớp trung lưu tại khu vực này ngày càng tăng cũng rất phù hợp để Hong Kong định vị thị trường trung cấp và cao cấp.

Tuy nhiên, giữa 10 nước ASEAN luôn tồn tại khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và tôn giáo, nhóm tiêu dùng của mỗi quốc gia càng có những sở thích khác nhau, mỗi nước cũng tồn tại một số rủi ro từ tài chính cho đến chính trị, do vậy giới doanh nhân Hong Kong sẽ phải lưu ý nhiều hơn những điểm này trong quá trình mở rộng kinh doanh.

Bài báo nhận định cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do 10 nước ASEAN khởi xướng cùng các đối tác khác, sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực ASEAN.

Hiện nay, việc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Hong Kong và ASEAN đã bước vào giai đoạn cuối. Việc đạt được các thỏa thuận này sẽ giúp tạo ra không gian phát triển rộng mở để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Hong Kong và ASEAN, đồng thời mang lại cơ hội và động lực lớn để mở rộng thị trường tiêu dùng ASEAN.

Nguồn: TTXVN

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199