187/ Vốn FDI từ Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam: Đáng lo hơn mừng?

Trong 3 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước, cả về số dự án cấp mới, số vốn đăng ký và vốn giải ngân. Tuy nhiên, bảng xếp hạng các quốc gia đầu tư đã có sự thay đổi khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, Singapore để trở thành nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Việt Nam sau Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, tuy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam nhưng chưa hẳn là điều đáng mừng.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc (không tính Đài Loan và Hong Kong) vào Việt Nam tăng mạnh. Trong quý 1, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 824 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư, xếp sau Hàn Quốc, Singapore.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính các dự án được cấp phép mới thì Trung Quốc đứng vị trí thứ 2. Trong khi đó, cả năm 2016 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ ở mức 1,8 tỷ USD. Như vậy, chỉ 3 tháng qua, vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam đã bằng 6 tháng năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là hiện tượng lạ bởi trong nhiều năm qua, top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam ít khi có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc và hiện tượng này có thể trở thành xu hướng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, từ trước đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn mà đa số là những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương.

“Gần đây làn sóng của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều, điều đó nói lên thực trạng bản thân Trung Quốc đã thay đổi chính sách. Khi làm việc với các nhà đầu tư Trung Quốc họ cho biết, Chính phủ Trung Quốc có sự thay đổi chính sách vì đang thừa vốn nên rất muốn đầu tư ra nước ngoài”, ông Toàn nói.

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc vào Việt Nam thường được nhận định là để đón đầu cơ hội của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhưng khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, việc Trung Quốc tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam khiến không ít người lo ngại. Bởi vài năm trước, Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu từ nước này có thể sẽ được đưa về Việt Nam.

GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam đáng lo hơn mừng. Bởi các dự án đầu tư từ Trung Quốc thường đi kèm với lao động giá rẻ, bào mòn tài nguyên, hủy hoại môi trường.

“Dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đánh giá từ các số liệu thống kê cho thấy có thể sẽ không đảm bảo về mặt chất lượng. Trong khi môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay đang cần là chất lượng, không phải số lượng. Đặc biệt, công nghệ từ Trung Quốc có thể là những công nghệ thấp hoặc công nghệ hao tốn nhiều năng lượng”, GS.TS. Ngô Thắng Lợi nhận định.

Trái ngược với những lo lắng này, cũng có ý kiến cho rằng, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, Việt Nam sẽ đa dạng hóa được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó, giảm được rủi ro từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy dòng vốn từ Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam xét về môi trường, công nghệ…nhưng Việt Nam cũng không thể từ bỏ cuộc chơi này mà quan trọng phải biết cách chơi, phải chọn lọc để phát triển công nghệ, phát triển kinh tế.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nêu ý kiến, trong bối cảnh nếu có rủi ro, chúng ta vẫn có nhiều nguồn khác nhau để phân tán rủi ro.

“Chúng ta chưa nên quá lo lắng vì vấn đề nguồn đầu tư đến từ nước nào mà vấn đề là chất lượng và mục tiêu của dự án đầu tư nước ngoài đó có đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn về đầu tư FDI của Việt Nam hay không. Nếu dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn của Việt Nam về cả công nghệ, môi trường thì vẫn được khuyến khích”, ông Lực cho biết.

VOV.VN -TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục có thêm 6 dự án FDI (dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) đăng ký đầu tư mới với tổng mức đầu tư 57,34 triệu USD.

Trung Quốc là một thị trường lớn của cả thế giới, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên coi Trung Quốc là một đối tác mang đến cả cơ hội và thách thức.

Tuy nhiên, phải có chính sách quản lý công nghệ, chất lượng để đảm bảo các dự án đầu tư của bất cứ đối tác nào cũng không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và môi trường xã hội; đảm bảo công nghệ các dự án Trung Quốc đầu tư vào phải là công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng tới môi trường./.

Nguồn: VOV

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199