Giới thiệu tinh hoa văn hóa đồng bằng Bắc Bộ bằng hình thức sân khấu thực cảnh
Từ ngày 1/11/2017, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đã chính thức ra mắt tại sân khấu thuộc tổ hợp vui chơi và văn hóa Baara Land nằm ngay dưới chân núi chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) – một trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam.
Được đầu tư bởi Tập đoàn Tuần Châu, dự án sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” nhằm giới thiệu đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế nền văn hóa truyền thống lâu đời của miền Bắc Việt Nam, tái hiện lại bức tranh về lịch sử của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, đồng thời chia sẻ đời sống sinh hoạt của nông thôn Việt Nam từ góc nhìn đương đại. Sân khấu được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 19.000m2, mặt hồ hơn 4.000m2, đường đi của diễn viên làm ngầm dưới nước, khi nghệ sĩ biểu diễn sẽ giống như đi trên mặt nước. Sân khấu là sự kết hợp giữa thủ pháp nghệ thuật hiện đại trên nền của những chất liệu dân gian, từ đó, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Bắc Bộ được tái hiện một cách sinh động và gần gũi nhất.
60 phút của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” với từng chương mang tên Thi – Ca – Nhạc – Họa là bức tranh đa dạng được ghép bằng những nét tinh hoa văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đến cho người xem những trải nghiệm đặc biệt bằng hình thức thể hiện đương đại. Với sự hỗ trợ của hệ thống âm thanh, ánh sáng, công nghệ hiện đại nhất, thông qua vở diễn, người xem sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về ca trù, dân ca Bắc Bộ, quan họ, hầu đồng, tranh tố nữ, tranh Đông Hồ, đời sống sinh động trên bến dưới thuyền, tập trận, cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh rước kiệu trong hội làng… xen lẫn với sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu của các giá hầu đồng, các trò chơi dân gian của trẻ thơ. Không chỉ mở ra không gian văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vở diễn còn đưa người xem về thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật múa rối nước bằng câu chuyện gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cùng với đó sẽ là những tiết mục gợi nhớ Hoàng thành Thăng Long xưa, đồng thời ca ngợi truyền thống hiếu học, văn võ song toàn của nhân tài đất Việt. Điểm đặc biệt của vở diễn là hầu hết các diễn viên tham gia chương trình đều là bà con nông dân của chính vùng đất Sài Sơn, chùa Thầy, góp phần mang đến cho người xem một cái nhìn chân thực và hồn hậu nhất.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201