198/ Vì sao hàng hóa Hàn Quốc được chuộng ở Việt Nam?
Sự “xâm nhập” mạnh mẽ của văn hóa Hàn Quốc là một yếu tố quan trọng đẩy mạnh nhu cầu hàng tiêu dùng của xứ kim chi.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo ngày 11/4 giới thiệu Vietnam Expo 2017, ông Park Chul Ho, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, cho biết hàng tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng phổ biến tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, Hiệp định thương mại tự do Việt Hàn (VKFTA), có hiệu lực từ ngày 25/12/2015 cắt giảm thuế suất nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa, khiến cho nhiều sản phẩm của Hàn Quốc dễ dàng vào Việt Nam hơn và thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.
Nhờ VKFTA, thương mại hai chiều tăng 20% trong năm 2016 so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam tăng 27%, trong khi đó giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc tăng 27%.
Thứ hai, hàng hóa Hàn Quốc có tính năng ưu việt hơn so với giá. Tính năng các sản phẩm của nước này tốt hơn các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc hay nước khác mà giá cả không chênh hơn nhiều.
Lý do thứ ba là làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan mạnh sang Việt Nam. Đặc biệt, các tác phẩm phim ảnh và ca nhạc vốn rất phổ biến, và người hâm mộ thường tìm mua các sản phẩm như mỹ phẩm, quần áo của diễn viên hay ca sĩ sử dụng.
Dự kiến có 130 doanh nghiệp Hàn Quốc với 138 gian hàng sẽ tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 27 (Vietnam Expo 2017). Đây là số lượng đông đảo lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện mong muốn mở rộng sự hiện diện của các ngành hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park cho biết.
Các sản phẩm Hàn Quốc được giới thiệu tại triển lãm lần này thuộc các ngành hàng thực phẩm – đồ uống, mỹ phẩm – thiết bị làm đẹp, thiết bị điện – điện tử, đồ gia dụng. Đây là những mặt hàng nằm trong lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định VKFTA.
Không chỉ vậy, sau nhiều lần tham dự Vietnam Expo, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã bắt tay với các doanh nghiệp nội để xây dựng nhà máy để sản xuất tại chỗ nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư sang Việt Nam dưới hình thức thương mại hóa ngành dịch vụ chế tạo và các ngành khác, nghĩa là các doanh nghiệp này đầu tư tại đây không chỉ đơn thuần sản xuất ra các mặt hàng để xuất khẩu mà còn bán hàng tại chỗ, đại diện KOTRA Hà Nội nói.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, Việt Nam chi 32,03 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc trong năm 2016, trong đó có gần 123 triệu USD cho các mặt hàng thực phẩm. Các doanh nghiệp Việt còn chi “bạo tay” hơn cho các mặt hàng khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, hàng điện gia dụng và máy ảnh “Made in Korea”.
Samsung Việt Nam cho biết doanh thu của công ty đạt 46,3 tỷ USD trong năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 39,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2015. Như vậy, có thể hiểu “ông lớn” này đã bán được khoảng 6,4 tỷ USD hàng hóa ngay tại Việt Nam.
Trong thực tế, các nhà bán lẻ Hàn Quốc như Lotte, K-Mart cũng đang tìm cách xâm nhập và tăng cường mạng lưới tại Việt Nam trước nhu cầu tiêu dùng của người Việt gia tăng.
Đơn cử như Lotte hiện đang quản lý hơn 13 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam và đang dùng chiến lược M&A để thực hiện kế hoạch mở 60 siêu thị vào năm 2020. Mới đây có thông tin tập đoàn này đạt thỏa thuận mua lại Dự án Ciputra Hanoi Mall với giá khoảng 300 triệu USD.
Nguồn: Bizlive.vn
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199