Để khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội… thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KHCN đổi mới sáng tạo, mà còn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã nhấn mạnh quan điểm trên trong tham luận với chủ đề: “Phát triển mạnh mẽ KHCN, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.
Theo đồng chí Huỳnh Thành Đạt, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện.Trong thành tựu chung này có sự đóng góp quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước.
KHCN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
“Thành tựu về KHCN và đổi mới sáng tạo trong 5 năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo và là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị với sự tham gia và phối hợp tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Vai trò, sứ mệnh của KHCN và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là động lực phát triển kinh tế-xã hội trong nhiều văn kiện quan trọng như Cương lĩnh phát triển đất nước, các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các đạo luật”, đồng chí Huỳnh Thành Đạt phát biểu.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp, bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.
Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, các nội dung KHCN và đổi mới sáng tạo được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược, đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, đảm bảo được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và cả từ các hạn chế trong giai đoạn trước đây và có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.
Quán triệt các nội dung KHCN và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong thời gian tới, ngành KHCN sẽ tập trung làm tốt các trọng tâm lớn là: Thứ nhất, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế-xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách để KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại; tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo nhất là từ doanh nghiệp.
Thứ ba, đặc biệt chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hoá hạ tầng và tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.
Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.
Thứ sáu, chủ động, tích cực phối hợp để phát huy vai trò quan trọng của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội ở các ngành các cấp, các địa phương.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84