73/ Xuất khẩu tôm “điêu đứng” vì lệnh cấm nhập khẩu của Úc

Về lệnh cấm nhập khẩu tôm của Úc trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 do dịch đốm trắng bùng phát ở Bang Queensland, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc vào khoảng 55 triệu AUD. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản.

“Lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín mà không có thời gian cảnh báo đủ để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam biết và có các giải pháp nhằm tránh tổn thất lớn về kinh tế là việc làm mà theo chúng tôi là chưa thực sự phù hợp với thông lệ chung và với tinh thần gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Úc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Các cơ quan chức năng của Úc vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra dịch bệnh đốm trắng, trong khi những người nuôi tôm nước này thì đổ lỗi cho tôm nhập khẩu từ các nước châu Á. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tôm Việt Nam cần được tiếp tục xuất khẩu sang Úc trừ khi có bằng chứng về việc nhập khẩu từ nước ngoài là nguồn lây bệnh.

“Trong trường hợp Úc tiếp tục duy trì lệnh cấm, Việt Nam đề nghị Úc sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Úc”, thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Lệnh cấm có thể vi phạm nguyên tắc WTO

“Một số doanh nghiệp Việt Nam còn cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu của Chính phủ Úc đã vượt quá mức cần thiết quy định của WTO. Chúng tôi đang nghiên cứu quan điểm này của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Khánh nói.

Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản của Úc cũng lên tiếng rằng lệnh cấm này đã gây ra ảnh hưởng xấu đến uy tín thương mại quốc tế của Úc. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này vẫn bảo lưu quan điểm rằng họ cần bảo vệ ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.

Theo Thứ trưởng Khánh, Việt Nam luôn tôn trọng các quyết định bảo đảm an ninh và an toàn sinh học của Úc nhưng vẫn đề nghị Chính phủ Úc xem xét lại sự cần thiết của lệnh cấm này. Việc xem xét lại lệnh cấm không đồng nghĩa với việc Việt Nam bỏ qua sự an toàn của ngành nuôi tôm tại Úc mà cần tìm các biện pháp khác ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho ngành nuôi tôm của Úc và môi trường nước Úc.

Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào.

Quyết định đình chỉ không phải là dễ dàng

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Úc nói rằng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp nước này “hết sức tôn trọng các ngành công nghiệp nuôi trồng của Việt Nam cũng như của thế giới”.

“Công việc của chúng tôi là hỗ trợ tiếp cận thị trường kỹ thuật tại các quốc gia mà Úc xuất khẩu cũng như những sản phẩm mà chúng tôi nhập khẩu chắc chắn dựa trên sự an toàn và an toàn sinh học của các ngành công nghiệp ở cả Úc và nước ngoài, cũng như lợi ích kinh tế thương mại của các bên”, người phát ngôn nói.

Bộ Nông nghiệp Úc nhận thấy rằng, việc đình chỉ này sẽ có tác động tới người tiêu dùng Úc và các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.

“Quyết định tạm đình chỉ thương mại không phải là quyết định được đưa ra một cách dễ dàng”, ông nói và cho rằng, việc đình chỉ tuân thủ các quy định của các hiệp định WTO cho phép một thành viên tạm ngừng nhập khẩu trong một số trường hợp cụ thể.

“Quyết định đình chỉ nhập khẩu tôm sẽ không được thực hiện lâu hơn mức cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ ngành công nghiệp tôm trong nước, đây vẫn là ưu tiên hàng đầu”, Phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Úc nhấn mạnh.

Nguồn: Dân Trí

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199