75/ PCI – phía sau câu chuyện thứ hạng

Đã 12 năm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân. Những cái tên được nhắc đến nhiều những năm qua như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lào Cai, Bình Dương và gần đây là Quảng Ninh… là những địa phương mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước hài lòng, cho dù vị trí địa lý chưa thuận lợi hay cơ sở hạ tầng chưa phát triển như các địa phương khác.

Giám sát của doanh nghiệp tư nhân với chính quyền tỉnh

 

Việc VCCI công bố PCI thể hiện một bước chuyển tư duy quan trọng. Chính các doanh nghiệp, những người đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công, có quyền đánh giá về chất lượng dịch vụ hành chính mà cơ quan nhà nước cung cấp, trước hết với tư cách là những người đóng thuế. Bên cạnh bộ chỉ số PCI được xem là tiếng nói của doanh nghiệp hiện đã có bộ chỉ số PAPI do UNDP thực hiện, thể hiện tiếng nói của người dân.

Việt Nam có bộ máy hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố, từ thời điểm Luật Đầu tư năm 2005, các tỉnh, thành phố được phân cấp quyền hạn lớn hơn trong cấp phép và quản lý các dự án đầu tư. Hiện nay, chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam có nhiều không gian chính sách và quyền tự chủ hơn để ban hành và thực hiện các chính sách kinh tế, trong đó có chính sách phát triển doanh nghiệp. Cùng một khuôn khổ pháp lý chung của trung ương nhưng rõ ràng địa phương nào năng động hơn thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn.

Trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ, chính quyền tỉnh có thẩm quyền ngày càng lớn nhưng cơ chế giám sát đối với bộ máy còn rất hạn chế. Thiếu vắng cơ chế tiếp nhận những phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ từ doanh nghiệp và người dân cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng dịch vụ thấp. Đó là chưa tính đến vị thế không bình đẳng. Cách đây hơn 10 năm, mức độ chú ý của chính quyền địa phương dường như chỉ dành cho các tập đoàn nhà nước có quy mô lớn hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong nước hầu như chưa được quan tâm.

Báo cáo PCI năm nay cũng cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Gần một nửa số doanh nghiệp trong nước có dự định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai năm tới. Tương tự, hơn một nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.

Sức ép cải thiện chất lượng điều hành

Qua “kênh” chuyển tải độc lập như PCI, các doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan tại chính quyền địa phương.

Lãnh đạo tỉnh có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, có sức ép và động lực để tiến hành những cải cách, đôi khi khó khăn. Nhiều lãnh đạo tỉnh đã dùng PCI như là nguồn thông tin độc lập bên ngoài, thúc đẩy bộ máy của mình vận hành.

Những sở, ngành của tỉnh bị phản ánh thiếu tích cực qua kết quả phân tích chỉ số PCI thường chịu những sức ép lớn phải thay đổi. Tương tự như vậy, các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể sử dụng những thông tin điều tra PCI cho các hoạt động giám sát và chất vấn của mình, một nguồn thông tin độc lập và thường gai góc.

Việc công bố PCI thời gian qua đã thúc đẩy quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tốt lẫn nhau giữa các địa phương trong cả nước. Các kinh nghiệm xây dựng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của Bình Dương, Đà Nẵng trước đây; thực tiễn cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng cho nhà đầu tư của Bắc Ninh, Bình Định; mô hình “cà phê doanh nhân” của Đồng Tháp; mô hình trung tâm hành chính công tập trung của Quảng Ninh, Bình Dương; xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành địa phương của Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhiều địa phương khác trong cả nước học tập và vận dụng.

Trên phương diện quốc gia, điều tra PCI cung cấp các số liệu định lượng, tổng quan và định kỳ hàng năm để đánh giá môi trường kinh doanh. Rõ ràng những thay đổi về chất lượng điều hành tại một số chính quyền địa phương đã tạo ra những hiệu ứng tốt và Chính phủ nhận thấy rõ điều này. Mong muốn, “tiếng nói” của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại địa phương và sức ép từ chỉ đạo của trung ương xuống như hai bàn tay cùng vỗ nên kêu, sẽ thúc đẩy quá trình cải cách ở cấp tỉnh nhanh hơn nữa.

Từ tháng 3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và đầu năm 2017 là Nghị quyết 01 của Chính phủ đều có giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố phải rà soát, đưa ra các giải pháp để cải thiện PCI. Như vậy, với những tác động tích cực mà PCI mang lại, Chính phủ đã chính thức xem PCI như là một công cụ nhằm thúc đẩy môi trường cạnh tranh ở cấp quốc gia.

Trải nghiệm về tham nhũng của các doanh nghiệp FDI

Theo cảm nhận của các doanh nghiệp FDI năm nay, một số loại tham nhũng vặt có xu hướng giảm. Khoảng 25% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh để có được các hợp đồng của cơ quan nhà nước.

- 49% doanh nghiệp cho biết đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan.

- 56% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp.

- 19% doanh nghiệp lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết.

- 88% doanh nghiệp cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy “văn hóa chi trả hoa hồng” có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

- 45% doanh nghiệp đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% doanh nghiệp cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỷ lệ doanh nghiệp chủ động đưa biếu là 44%.

- 59% các doanh nghiệp tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi.

- Mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ, với tỷ lệ gần 80% doanh nghiệp trả lời, là nhằm tạo lập mối quan hệ. Doanh nghiệp chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Tốt và chưa tốt

Kết quả khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006-2016 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một vài chỉ số đáng quan ngại.

- Tính minh bạch: việc tiếp cận các kế hoạch như ngân sách, quy hoạch sử dụng đất… vẫn còn khó. Theo đánh giá của doanh nghiệp, mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.

- Chi phí không chính thức: có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức. 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn năm năm trước đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến

- Tiếp cận đất đai: năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp tham gia điều tra năm này cho rằng rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục. Trong trường hợp xấu nhất nếu bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng. Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp đồng ý “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199