Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức: Hợp tác khoa học và công nghệ để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách
Ngày 11/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức để cùng trao đổi, triển khai, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là bàn bạc việc tiếp tục triển khai pha 2 của Dự án KawaTech trong thời gian tới.
KawaTech là một dự án trong chương trình hợp tác theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức được thực hiện tại tỉnh Hà Giang. Dự án nhằm nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi từ đó đưa ra giải pháp cấp nước bền vững cho người dân trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là dự án được các chuyên gia Đức đầu tư máy móc và chuyển giao công nghệ cấp nước không dùng điện theo công nghệ mới (PAT).
Dự án được thí điểm triển khai tại Trạm Thủy điện Séo Hồ có địa chỉ tại huyện Đồng Văn do UBND tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và nhóm chuyên gia Đức là đơn vị khảo sát, lập thiết kế. Dự án được triển khai thực hiện trong thời gian 03 năm từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2016. Với nguồn kinh phí là gần 70 tỷ đồng trong đó bao gồm vốn của Chính phủ Đức tài trợ, vốn hỗ trợ của Bộ KH&CN và vốn đối ứng của tỉnh Hà Giang.
Dự án được lập trên nguyên lý dùng sức chảy của dòng suối tạo ra điện vận hành bơm máy để đẩy nước lên cao, sau đó từ bể cao nước sẽ được đưa về khu dân cư theo nguyên lý áp lực. Dự án có 5 hợp phần gồm: Điều tra khảo sát nguồn nước đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ PAT; Đánh giá khả năng và nghiên cứu thử nghiệm công nghệ PAT; Triển khai các công trình chứa và cấp nước; Các giải pháp phi công trình bảo vệ tài nguyên nước; Đánh giá tác động kinh tế, xã hội. Để triển khai Dự án các bên sẽ tiến hành cải tạo lại Trạm Thủy điện Séo Hồ huyện Đồng Văn, xây dựng hệ thống ống dẫn nước và các bể chứa.
Phát biểu tại Buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định: Theo nhu cầu của tỉnh Hà Giang, ngoài việc cung cấp nước, việc đảm bảo chất lượng nước cho đồng bào cũng vô cùng quan trọng. Do vậy việc triển khai pha 2 để cung cấp nước sạch cho đồng bào là rất cần thiết. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết: Việc lấy điện ở đâu để xử lý nước sạch cho đồng bào vùng cao cũng rất quan trọng và có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục bàn bạc. Trong thời gian tới, mong rằng với sự hỗ trợ của CHLB Đức sẽ có nhiều dự án mang ý nghĩa xã hội như thế này được triển khai.
Phó Tổng Vụ trưởng Wilfried Kraus cho biết: Tôi rất vui mừng với công nghệ của CHLB Đức trong Dự án hợp tác này. Dự án đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, phục vụ cho đồng bào dân tộc. Đó là điều chúng tôi thấy rất tự hào, KH&CN đã góp phần phục vụ đời sống. Trong thời gian tới cần thực hiện các bước theo của Dự án và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững đem lại nguồn nước sạch phục vụ cho đời sống của đồng bào.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc triển khai sớm Dự án KawaTech có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đồng bào vùng cao sớm có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Trong thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ của Dự án. Theo đó, thời hạn hoàn thành Dự án Kawatech là cuối tháng 01/2018, không để sang giữa tháng 02/2018 vì phải cung cấp nước cho đồng bào ăn Tết. Bộ KH&CN sẽ liên hệ với UBND tỉnh Hà Giang tạo mọi điều kiện để Dự án triển khai thuận lợi và kịp thời gian.
Bên cạnh đó, Buổi làm việc cũng đề cập đến việc triển khai Dự án “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – Đất, Nước, Năng lượng và Khí hậu”. Trên cơ sở 03 hợp phần của Dự án (03 trụ cột): Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Công nghệ về nước và năng lượng; Dịch vụ nước và môi trường, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học của Việt Nam (Bộ/ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), Bộ KH&CN đề xuất một số định hướng nội dung nghiên cứu theo từng hợp phần.
Theo đó, đối với Hợp phần Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất tập trung vào 02 định hướng nội dung chính: Xây dựng bộ công cụ quy hoạch tích hợp tài nguyên đất, nước và khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng thí điểm quy hoạch tích hợp tại một địa phương (vùng).
Đối với Hợp phần Công nghệ về nước và năng lượng, đề xuất tập trung vào 02 định hướng nội dung chính: Nghiên cứu và xây dựng thí điểm một đoạn đê biển chống xói lở theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế; Nghiên cứu và thiết lập hệ thống quan trắc để hỗ trợ việc theo dõi biến động tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm) trong mối tương quan với sụt lún và xâm nhập mặn.
Đối với Hợp phần Dịch vụ nước và môi trường, đề xuất tập trung vào 02 định hướng nội dung chính: Nghiên cứu xây dựng mô hình cấp nước cho vùng khan hiếm nước (Đảo Phú Quốc) bằng công nghệ tiên tiến với chi phí quản lý thấp; Nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm về tái sử dụng nước thải thủy sản (đầm nuôi tôm) để bảo vệ môi trường cho vùng cụ thể tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác về KH&CN giữa 2 nước phát triển hơn nữa đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của Việt Nam như ứng phó với nạn hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ mực nước ngầm, công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm nước, xử lý môi trường nước khu khai khoáng, dự báo tác động đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long do các đập thủy điện vùng thượng nguồn gây ra….
Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, với việc sử dụng bơm mới không dùng điện đã góp phần cung cấp nước sạch cho đồng bào vùng cao Đồng Văn. Mô hình của Dự án hứa hẹn nhân rộng ra các địa phương khác của Việt Nam, góp phần cung cấp nước sạch, cải thiện cuộc sống của đồng bào vùng cao Việt Nam.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201