21/12/2022

Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022

Bước vào năm 2022, khi những “nốt trầm” do dịch bệnh Covid-19 đã dần qua đi nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, đất nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Trong đó, ngành VHTTDL đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng cho sự trở lại ấn tượng của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế thời kỳ hậu Covid -19.

Năm 2022, năm đầu tiên mà cả hệ thống chính trị triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Qua đó, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế – xã hội.

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng một phương châm “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến” được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát động từ đầu nhiệm kỳ, với mục tiêu đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân trên khắp cả nước, Ngành VHTTDL tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022 của Ngành: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” bằng nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đáng chú ý, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cùng với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VHTTDL cùng các địa phương, ban, ngành đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược và thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Kế hoạch đã cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư và các nhiệm vụ trong Chiến lược thành các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành văn hóa.

Cùng với đó, “Tư lệnh” ngành VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dẫn đầu các Đoàn công tác trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Hậu Giang, Tuyên Quang) để phối hợp, đôn đốc việc triển khai Kết luận của Tổng Bí thư.

Điều rất đáng mừng đó là không chỉ chuyển biến về tư duy, nhận thức, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt về hành động bằng sự đầu tư về thể chế, nguồn lực cho ngành Văn hóa.

Còn nhớ, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào trung tuần tháng 8 vừa qua tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã vui mừng thông báo: “Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách lên cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được tập trung, chú trọng xây dựng. Từ đó có thể nói những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã nhận được hưởng ứng cao”.

Nhìn lại năm qua, nhiều sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực Văn hóa được tổ chức một cách thường xuyên với quy mô lớn từ cấp Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu phải kể đến như: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” vừa được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022…

Ở địa phương, các sự kiện văn hóa cũng đã được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các tỉnh tổ chức sôi nổi, rộng khắp như: Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan Chèo, Liên hoan Cải lương, các Ngày hội Văn hóa của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Liên hoan tiếng hát công nhân toàn quốc, …Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn góp phần tôn tạo, phát huy, giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc được thế giới vinh danh…

Từ góc độ thể chế chính sách, ngành VHTTDL tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước khi trong 2 kỳ họp liên tiếp, Quốc hội đã thông qua hai bộ Luật là Luật Điện ảnh và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Luật Điện ảnh nhìn từ góc độ vừa tạo điều kiện cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy phát triển, góp phần vào đời sống vật chất tinh thần nhân dân ngày càng phong phú. Gắn với đó, coi điện ảnh là một trong những điểm nhấn của công nghiệp văn hóa. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với một cách tiếp cận thể chế hóa chủ trương của Đảng trong vấn đề xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Đây đều là những bộ Luật quan trọng, giúp cho ngành VHTTDL từng bước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng “chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật”.


Đối với lĩnh vực Du lịch, năm 2022 đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục của ngành khi nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đã đạt kết quả đáng khích lệ. Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết toàn ngành Du lịch vừa được tổ chức mới đây nêu rõ, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt; Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (vượt qua các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19); Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019).

Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch Covid-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu. Dù du lịch quốc tế chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng nhưng nếu nhìn lại thời điểm cách đây 1 năm trước, chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan rằng, con số 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đã là một kết quả đáng ghi nhận về sự nỗ lực của toàn ngành.

Có thể thấy rằng, hơn một năm trước đây, do những ảnh hưởng bởi đại dịch và những biến động về chính trị của thế giới, cũng như nhiều quốc gia khác, du lịch quốc tế Việt Nam quay trở về “con số 0″ và chỉ biết trông chờ vào du lịch nội địa.

Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, từ cuối năm 2021, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh. Thời điểm này, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ ban hành được xem là “chiếc chìa khóa” cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.

Không bỏ lỡ thời cơ để mở cánh cửa du lịch đã khép lại thông qua “chiếc chìa khóa” này, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, thời điểm Việt Nam mở cửa, những thị trường tiềm năng trước đây của chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga đều chưa phục hồi trở lại.


Trong thời gian các quốc gia vẫn chưa sẵn sàng mở cửa, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã nhiều lần họp bàn với các doanh nghiệp du lịch tận dụng thời cơ này để nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu du khách quốc tế thời điểm sau đại dịch.

Với quyết tâm đưa lĩnh vực du lịch quốc tế của Việt Nam sớm phục hồi mạnh mẽ, từ những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, khi Hàn Quốc, thị trường trọng điểm thứ hai về du lịch của Việt Nam chính thức bỏ gần hết các quy định kiểm soát dịch, nhận thấy đây là thời điểm phù hợp, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ được tổ chức Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc với quy mô lớn hơn so với dự kiến ban đầu nhằm giới thiệu những sản phẩm mới mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chuẩn bị trong thời gian qua.

Chuyến công tác đầu tiên với mục đích xúc tiến, quảng bá du lịch của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đến Hàn Quốc đã một lần nữa khẳng định sự trở lại của lĩnh vực du lịch quốc tế Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực, đồng thời mang đến một thông điệp mạnh mẽ về điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện thời kỳ hậu Covid-19.

Phát biểu trong một sự kiện vừa được tổ chức tại Bộ VHTTDL, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cho biết: “Thời điểm tôi vẫn còn đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là một trong những “tư lệnh” ngành có nhiều sáng kiến, qua đó đóng góp quan trọng trong việc Chính phủ mở cửa sau đại dịch. Trong đó, đi đầu và nổi bật là lĩnh vực du lịch”.

Lĩnh vực thể thao của Việt Nam trong năm 2022 cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, được chờ đợi từ người dân trong nước và khu vực. Trong năm qua, ngành Thể thao được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Đó cũng chính là “điểm nhấn” quan trọng toàn ngành VHTTDL trong năm 2022.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 trong bối cảnh đặc biệt. Tác động của đại dịch COVID-19 đã buộc chúng ta phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. Rất nhiều khó khăn, thử thách đối với nước chủ nhà khi phải tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực trong bối cảnh đại dịch vừa được kiểm soát.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện của toàn ngành VHTTDL, các địa phương đăng cai, SEA Games 31 đã được tổ chức thành công, qua đó cho thấy một Việt Nam mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, một Việt Nam chủ động, kết nối và lan truyền những cảm hứng tích cực với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Thực tế, vượt lên những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, với trách nhiệm của nước chủ nhà, Việt Nam đã có sự nỗ lực cao nhất dành những điều kiện tốt nhất để phục vụ nhu cầu của các đoàn thể thao đến từ 10 nước ở khu vực Đông Nam Á.

Đó là việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt và thi đấu của các vận động viên, hay bảo đảm điều kiện tác nghiệp cho các phóng viên nước ngoài có mặt tại Việt Nam trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Không ít địa điểm tổ chức các nội dung thi đấu đã đạt tiêu chuẩn tương ứng ASIAD, thậm chí Olympic.

Hành trình của SEA Games 31 được gắn liền với hình ảnh khán đài các sân vận động, nhà thi đấu luôn đầy ắp khán giả. Ấn tượng về người hâm mộ Việt Nam đối với bạn bè trong khu vực thông qua SEA Games 31 chính là ấn tượng về tinh thần thượng võ, thân thiện, tình yêu thể thao của người dân Việt Nam.

Với việc tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay, chúng ta cũng đã để lại những hình ảnh đẹp của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam cùng những ấn tượng tốt đẹp lắng đọng lại trong lòng bạn bè quốc tế, nhất là hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, con người Việt Nam nhiệt thành, hiếu khách.

Nhớ lại những ngày tháng “căng mình” để tổ chức kỳ SEA Games vô cùng đặc biệt này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban Tổ chức SEA Games 31 đã chia sẻ: “Không biết bao nhiêu cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam và các quốc gia đã diễn ra. Chúng ta động viên bạn, khích lệ các nước động viên lẫn nhau. Dịch bệnh gây khó thật, nhưng bản chất của thể thao là chinh phục, là vượt khó nên chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm làm. Tinh thần thể thao và cống hiến là thế: Nỗ lực, nỗ lực không ngừng! Chinh phục, chinh phục không ngừng”.

Một trong những sự kiện quan trọng cũng được Bộ VHTTDL tổ chức thành công trong năm 2022 đó là Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX – Kỳ Đại hội được tổ chức quy mô nhất lịch sử. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hòa Bình, Vĩnh Phúc với sự tham gia của hơn 17.000 người; trong đó có 10.000 VĐV tham gia tranh tài ở 43 môn với tổng số 941 nội dung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, với chủ đề “Vì một Việt Nam cường thịnh”, Đại hội là sự kiện quan trọng, là nơi gửi gắm những tình cảm lớn lao, sự quan tâm, tin tưởng, kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với tương lai, sự phát triển của phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của nước nhà trong thời gian tới.

Đại hội còn là nơi để các VĐV cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa khát khao, niềm tin chiến thắng nhằm xác lập những kỷ lục mới của thể thao nước nhà. Đây cũng là bước chuẩn bị dài hơi về nguồn nhân lực cho thể thao Việt Nam để sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới tại các giải đấu thể thao khu vực và quốc tế.

Điểm qua một vài kết quả nổi bật năm 2022 để thấy được sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức ngành VHTTDL dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua đó làm nên một “bức tranh sáng” của toàn ngành VHTTDL trong năm qua.

Tuy nhiên, với sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của Nhân dân, những mục tiêu đặt ra đối với ngành VHTTDL trong thời gian tới vẫn còn vô cùng to lớn, nặng nề. Để thực hiện được những mục tiêu đó, chắc chắn toàn ngành phải tiếp tục đoàn kết nỗ lực nhiều hơn nữa bằng việc thực hiện phương châm “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến” ở mức cao hơn, trên tinh thần “Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần căn dặn./.

Nguồn: bvhttdl.gov.vn

https://bvhttdl.gov.vn/dau-an-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-nam-2022-20221221104809521.htm

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102