33/ Tương lai châu Âu hậu Brexit: Thống nhất trong đa dạng
Ngày 10/3, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc sau một phiên họp của 27 nước thành viên, không có sự tham dự của đại diện nước Anh, để bàn về tương lai châu Âu hậu Brexit. Các nhà lãnh đạo đã nỗ lực xích lại gần nhau để có thể đưa ra một tuyên bố chung theo dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25/3 tới, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập liên minh tại Rome, Italy (I-ta-li-a).
Ý tưởng về “một châu Âu đa tốc độ” đã được thảo luận thẳng thắn tại hội nghị lần này. Theo đó, một vài nước hy vọng về những thay đổi có hệ thống có thể tăng cường vai trò của các quốc gia trong cộng đồng. Một số nước khác, ngược lại, đang tìm kiếm một sự hòa nhập sâu hơn, ngay cả khi điều này có thể chưa được áp dụng cho một vài nhà nước thành viên.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, trong buổi họp báo kết thúc hội nghị, khẳng định kịch bản “một châu Âu đa tốc độ” không gây chia rẽ giữa các nước. Ông Juncker giải thích, EU không có ý định thay đổi các hiệp ước hiện tại bởi trên thực tế một châu Âu đa tốc độ đã tồn tại với dẫn chứng là Khu vực sử dụng đồng euro hay hiệp ước về đi lại tự do Schengen, hai thành tựu lớn của sự hợp tác trong EU mà không phải tất cả các nước thành viên EU đều tham gia.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk yêu cầu các nước “nỗ lực giữ gìn chính sách thống nhất”. Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, ông Tusk nhấn mạnh đây chính là lý do trong các cuộc thảo luận về những kịch bản khác nhau cho tương lai châu Âu, mục tiêu chính của EU là phải tăng cường niềm tin lẫn nhau và duy trì sự thống nhất giữa 27 nước. Theo ông, hội nghị lần này đã mang lại sự lạc quan về một tương lai chung, mà không có ngoại trừ nào.
Trả lời báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, tại Hội nghị thượng đỉnh tại Rome sắp tới, EU sẽ phải khẳng định quan điểm “thống nhất trong đa dạng” đã duy trì trong suốt sáu thập niên qua.
Các nước Đông Âu, như Ba Lan và Hungary (Hung-ga-ri) quan ngại những trường hợp không tham gia vào “các mối quan hệ hợp tác tăng cường” sẽ bị đặt ra rìa trong quá trình ra quyết định, và do vậy, có nguy cơ trở thành “quốc gia hạng hai” trong EU.
Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định nước này không ủng hộ ý tưởng về “một châu Âu đa tốc độ”. Bà cũng nhấn mạnh EU phải có khả năng tự cải tổ chính mình, bởi ngoài sự thống nhất về chính trị, EU còn rất cần sự thống nhất về mặt thể chế và phía Ba Lan kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động nào làm nguy hại đến sự toàn vẹn của thị trường chung, của khu vực tự do đi lại Schengen và hơn hết là của chính EU.
Nguồn: TTXVN
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200