6/12/2022

Gìn giữ, phát triển nghệ thuật gốm Bàu Trúc

Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối ngày 29/11/2022. Gìn giữ, phát triển nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc- làng nghề gốm cổ nhất khu vực Đông Nam Á là trách nhiệm và nghĩa vụ của không chỉ người Chăm ở Bàu Trúc để không mai một đi một di sản độc đáo.

Độc đáo nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc

Tên gọi “Bàu Trúc” xuất phát từ hình ảnh cảnh quan thiên nhiên của làng. “Bàu” là một vùng nước đọng hay ao có diện tích khá rộng. Những ao nước này thường được hình thành tự nhiên mà không có tác động của yếu tố con người. Trong làng vốn có một ao nước khá to. Vào mùa mưa, nước trong ao khá nhiều. Xung quanh ao cũng có những bụi trúc mọc um tùm. Do đó, người dân mới lấy tên “Bàu Trúc” để đặt cho làng gốm này.

Theo sử sách, nghề gốm do vợ chồng ông Poklong Chanh, một trong những vị tổ sư của nghề gốm Chăm dạy cho phụ nữ trong làng từ xa xưa, khi ông bà đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Mấy trăm năm nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc ai cũng biết làm gốm. Họ chính là nhân tố quyết định để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống mãi với thời gian.

Cũng khá giống với các loại gốm khác, gốm Bàu Trúc thường được cấu thành bởi đất sét và cát mịn, vốn được lấy từ những ruộng lúa nằm bên bờ sông Quao. Dòng sông Quao cách làng gốm Bàu Trúc không quá xa, chỉ cần men theo con đường tỉnh lộ 703, bạn sẽ bắt gặp được con sông nà. Để lấy được lớp đất sét, người dân trong làng gốm phải đào sâu 3 lớp đất thịt bên trên mới thấy được một lớp đất sét thích hợp để làm gốm.

Sau khi được đào xới, đất sét được mang về để phơi khô. Sau đó, đất sét khô được đập vỡ ra và nhồi cùng với nước để tạo độ dẻo và kết dính. Sau khi được nhào nặn, nghệ nhân gốm sẽ trộn đất sét với cát mịn để tạo thành phiên bản hoàn chỉnh của nguyên liệu làm gốm. Tỷ lệ trộn của đất sét và cát mịn phụ thuộc vào kích thước và công dụng của sản phẩm mà nghệ nhân gốm muốn nhào nặn.

Dưới bàn tay tài hoa của các bà, các mẹ, các chị, những sản phẩm gốm có xuất xứ từ làng Bàu Trúc luôn mang vẻ đẹp rất riêng, đậm chất văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Chăm nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị như bản chất ngay thẳng, thật thà, chất phác của người dân nơi đây.

Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm ở làng Bàu Trúc chính là phong cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay. Vì thế người nghệ nhân làm gốm phải di chuyển quanh bàn làm gốm để tạo hình vào nhào nặn gốm theo hình thù mà người nghệ nhân mong muốn. Vì thế, người dân làng gốm Bàu Trúc thường hay gọi vui rằng đây là phong cách làm gốm “tay quay, mông xoay”.

Sở dĩ gốm ở làng Bàu Trúc không thể sử dụng bàn xoay để chế tác được là vì đất sét ở nơi đây có kết cấu khá đặc biệt. Đất sét được đặt lên bàn xoay sẽ bị dính chặt, khó có thể xoay để tạo hình gốm. Do đó, để chế tác gốm Bàu Trúc, người dân làng phải sử dụng cách truyền thống là nặn bằng tay.

Những sản phẩm làm bằng gốm được nặng bằng tay vốn chất chứa nhiều công sức và sự tỉ mỉ của người dân làng Bàu Trúc. Việc làm gốm không sử dụng bàn xoay là một thử thách lớn đối với cả những những nghệ nhân lành nghề. Điều này đòi hỏi, người làm gốm phải có sự khéo léo, kiên trì, bền bỉ trong cả khâu chế tác lẫn trong việc gìn giữ văn hóa nghề gốm của dân tộc.

Gốm Bàu Trúc còn đặc biệt ở chỗ, mỗi sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay của người thợ và mỗi sản phẩm khi ra lò luôn là “độc bản”. Do được làm thủ công hoàn toàn từng sản phẩm một nên tính “độc bản” được thể hiện ở chỗ cho dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng sẽ không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác. Giữa các sản phẩm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc nhất thời của người thợ.

Hoa văn trên sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc vốn là những hình ảnh dân dã, mang đậm nét đời thường, gần gũi. Từng vật dụng đơn giản như vòng tre, vỏ sò… được người làng sử dụng để tạo hoa văn trên các sản phẩm gốm. Những hoa văn này phảng phất nên tinh thần đơn giản nhưng đậm tính dân tộc và truyền thống của gốm.

Sản phẩm gốm sau khi được khắc họa hoa văn sẽ được xếp trong khu vực thoáng mát để sản phẩm có độ bền cao. Bạn chỉ có thể nhìn thấy màu gốm khi sản phẩm bắt đầu khô nước. Sau khi màu gốm dần hiện ra, sản phẩm sẽ được phơi dưới ánh nắng để khô hẳn rồi mới đem đi nung.

Để nung gốm, người nghệ nhân sẽ chất 1 lớp vỏ trấu bên ngoài một mảnh sân rộng để làm nền. Bên trên lớp vỏ trấu là một lớp củi được chất lên trên. Sau đó là một lớp sản phẩm gốm lớn nhỏ đủ loại được xếp đan xen và cuối cùng là một lớp rơm khô được phủ lên toàn bộ.

Sau khi được phủ đầy đủ các lớp, người làng sẽ bắt đầu đốt các lớp trong khoảng thời gian kéo dài khoảng 12 đến 14 tiếng và thường là nung qua đêm. Sau khoảng thời gian đốt, gốm sẽ được nung chín. Một nghệ nhân lành nghề sẽ đánh giá được sản phẩm gốm nào đã đạt độ chín hay không.

Sau khi gốm đã chín, gốm Bàu Trúc sẽ được tạo độ bóng bằng tinh chất vỏ hạt điều. Để tạo ra được tinh chất này, người nghệ nhân sẽ ngâm vỏ hạt điều vào trong nước ấm cho ra tinh chất, sau đó cho vào bình xịt và phun lên gốm khi chưa nguội hẳn. Sau khi được hoàn thành, gốm sẽ có màu đỏ của đất pha lẫn màu đen của khói và có độ bóng khá đẹp mắt.

Nỗ lực gìn giữ, bảo tồn

Đón nhận tin vui được UNESCO vinh danh, bà con trong làng ai cũng tự hào. ông Đàng Chí Quyết – Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm ở Bàu Trúc, chia sẻ: Đây không chỉ làm niềm vui mà còn là niềm tự hào rất lớn của bà con làng gốm vì nghề truyền thống của cha ông đã được ghi nhận xứng đáng. Những năm 80 của thế kỷ trước, gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng như lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa… được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Chăm và nhiều dân tộc khác. Ngày nay, thị hiếu của xã hội thay đổi, những sản phẩm gốm ít được ưu chuộng khiến người dân làng nghề gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với tình yêu nghề, bà con cố gắng vượt qua và sẽ giữ mãi nghề truyền thống này.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với việc Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, là sự cố gắng không mệt mỏi giữ nghề của những nghệ nhân, bà con làm gốm Bàu Trúc, của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận và các Sở, ngành liên quan. Đây là niềm vui lớn và cũng là động lực để ngành VHTTDL Ninh Thuận nỗ lực cố gắng trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trước khi được UNESCO vinh danh, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa. Việc kiểm kê di sản thu hút sự tham gia của cộng đồng ở làng Chăm Bàu Trúc và Bình Đức. Bà con đã rất tích cực phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và trưng bày văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) tham gia việc khảo sát, kiểm kê, quay phim và chụp ảnh./.

Nguồn: bvhttdl.gov.vn

https://bvhttdl.gov.vn/gin-giu-phat-trien-nghe-thuat-gom-bau-truc-20221205163015133.htm

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102