Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nguồn lực văn hóa được xác định như là “đòn bẩy” và “trợ lực” quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế
Sáng nay (3/12), tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề: “Chấn hưng Văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”.
Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ VHTTDL; Bộ Công Thương; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tới dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Về phía Bộ VHTTDL còn có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.
Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 được tổ chức nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Văn hóa đã có bước phát triển mới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hoá, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
Nhấn mạnh một số hoạt động được xác định là điểm nhấn từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng cho biết, nhìn từ góc độ thể chế chính sách, ngành VHTTDL tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Chỉ trong 4 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua hai bộ Luật là Điện ảnh và Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Luật Điện ảnh nhìn từ góc độ vừa tạo điều kiện cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy phát triển, tạo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ngày càng phong phú. Gắn với đó, coi điện ảnh là một trong những điểm nhấn của công nghiệp văn hóa. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với một cách tiếp cận thể chế hóa chủ trương của Đảng trong vấn đề xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, sắp ban hành Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Cùng với thể chế, chúng ta đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu của vùng và khu vực, điển hình là SEA Games 31 thành công trên nhiều phương diện, tạo hiệu ứng lan tỏa khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp như: Liên hoan tiếng hát công nhân toàn quốc, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan Chèo, Liên hoan Cải lương, các Ngày hội Văn hóa của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên… “Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn góp phần tôn tạo, phát huy, giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc được thế giới vinh danh” – Bộ trưởng khẳng định.
Trong hoạt động chiều sâu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ đã xác định chủ đề năm công tác 2022 đó là Năm Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Chính nhờ những hoạt động này, nhìn một cách tổng thể, văn hóa đã có bước phát triển mới. Trong khuôn khổ đó, hưởng ứng và thực hiện chiều sâu trong hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, Bộ VHTTDL đã đồng hành cùng các đơn vị tiếp tục thực hiện có chiều sâu, hiệu quả cao hơn việc công nhận, xem xét, biểu dương các doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa, gắn với đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo Bộ trưởng, nối tiếp thành công diễn đàn năm 2021, lãnh đạo các ngành đã tổ chức Diễn đàn với “Chấn hưng văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”, nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững.
“Như chúng ta đã biết, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận
Nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh” trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định mục tiêu: “xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế – xã hội” cần phát được đặt ra và tổ chức thực hiện trong bối cảnh mới của tình hình đất nước hiện nay.
“Nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp. Bởi lẽ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Người đứng đầu ngành VHTTDL, văn hóa doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có thể nói, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường…
“Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững” – Bộ trưởng khẳng định.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa này, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…để đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Các cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tích cực hưởng ứng xây dựng.
Đáng chú ý là, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, đây là công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã nghiêm túc hoạt động theo chỉ tiêu này để xây dựng doanh nghiệp mình ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hành tốt các nhóm tiêu chí mà còn tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Khái quát lại, chúng ta có thể thấy, những thành quả mà doanh nghiệp đóng góp cho đất nước của chúng ta rất to lớn, tự hào.
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ.
Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.
Chính vì vậy, chúng ta cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó nhằm góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
“Diễn đàn của chúng ta hôm nay là một diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” – Bộ trưởng chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Hiệp hội tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tiến hành biểu dương các doanh nghiệp đặc biệt tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, Diễn đàn sẽ là hoạt động thiết thực lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của Cuộc vận động; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa được xác định như là “đòn bẩy” và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành đội ngũ ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới để đất nước ta hội nhập quốc tế thành công và ngày càng trở nên phồn vinh và hạnh phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng, sau diễn đàn “Văn hóa với Doanh nghiệp”, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Chúng ta mong muốn làm tất cả những gì có thể nhất để đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước, là lực lượng tiên phong xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102