29/10

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọngNgày 28.10, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị- hội thảo khoa học về “Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”.

TS.Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT); PGS.TS. Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam và TS.Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị, các trường, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ VHTTDL trên cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực VHTTDL.

Góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành VHTTDL

Báo cáo công tác xây dựng “Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng cho biết: Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã giao Vụ KHCNMT chủ trì triển khai xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Chiến lược).

Đến nay, nội dung Chiến lược về cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định để tổ chức Hội thảo, xin ý kiến nhà khoa học, nhà quản lý.

Quá trình xây dựng Dự thảo, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập đã nhận được ý kiến của 63 Sở VHTTDL, Sở VHTTTTDL, Sở VHTT, Sở DL trên cả nước; có 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan có ý kiến góp ý.

Trên cơ sở đó, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập hoàn thiện nội dung Dự thảo 3 (bản để xin ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học và quý vị đại biểu tham dự Hội thảo hôm nay). Sau Hội thảo này, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến 1 số đơn vị (nếu thấy còn vấn đề vướng mắc) trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.

 

Hội nghị- hội thảo khoa học về “Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030” thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch

Dự thảo Chiến lược gồm các phần chính sau: Quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và tổ chức chức hiện.

Trong đó, về quan điểm, Dự thảo đánh giá vai trò của Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch là động lực quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ: Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển, tăng cường tiềm lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; gắn nghiên cứu với ứng dụng, góp phần thực hiện các chiến lược và chính sách; giải quyết các vấn đề phức tạp của thực tiễn, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Dự thảo cũng đề cập việc tăng cường nguồn lực cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi đôi với việc đẩy mạnh xã hội hóa. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên để giải quyết những vẫn đề phức tạp, nhạy cảm của ngành văn hóa, thể thao, du lịch.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành; gắn với nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực; Các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo là chủ thể nghiên cứu, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ là chủ thể ứng dụng quan trọng và chủ yếu.

Kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa nguồn nhân lực của ngành với nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm phát huy nội lực, khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu tổng quát Chiến lược đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tạo điều kiện sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; gắn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và các chiến lược phát triển của ngành văn hoá, thể thao và du lịch.

Nghiên cứu khoa học phải đi trước 1 bước

Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện việc tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng ưu tiên phát triển ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo, sáng kiến, phát minh, các ứng dụng trong hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Nâng cao năng lực, năng suất lao động của các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ hiện có, hình thành mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ, các nhóm nghiên cứu liên ngành để triển khai thực hiện đề tài, dự án cấp Nhà nước, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của CMCN lần thứ tư vào lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

 

Đến năm 2030 hình thành 8 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm chuyên gia liên ngành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, phấn đấu đến năm 2025 đạt được 5 nhóm.

Phấn đấu giai đoạn từ 2023 đến năm 2030, đề xuất đưa vào thực hiện mỗi năm từ 2 đến 3 đề tài, dự án cấp Nhà nước, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ; số đề tài độc lập cấp Bộ tăng 10% – 25%/năm so với năm 2022. Trong đó 100% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chương trình được ứng dụng và có tác động tích cực trong thực tiễn; tăng dần tỉ lệ các công trình khoa học được công bố quốc tế và có sáng chế đăng ký bảo hộ.

Hình thành sản phẩm chủ lực, dịch vụ về văn hóa, thể thao, du lịch trên nền tảng công nghệ, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển ngành và hoạt động kinh tế – xã hội; phấn đấu đến năm 2025 có 3 sản phẩm, dịch vụ, đến năm 2030 có 10 sản phẩm, dịch vụ.

Định hướng đến năm 2030 của Chiến lược với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gồm: Phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Định hướng nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn trong công tác quản lý, phát triển ngành văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch. Tinh thần nghiên cứu khoa học phải đi trước 1 bước.

Dự thảo Chiến lược cũng đề ra định hướng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng đến hoạt động xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong công tác quản lý lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; chủ động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của ngành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận về định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hóa, gia đình của bộ văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 do PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam trình bày; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao do TS. Ngô Thịnh Hường, PGĐ Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao trình bày. Tham luận thuận lợi và khó khăn trong hoạt động xây dựng và áp dụng TCVN nhóm đối tượng du lịch và các dịch vụ liên quan do ThS. Nguyễn Hà Giang, Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) trình bày. Đại diện Viện Bảo tồn di tích trình bày tham luận về đánh giá hiệu quả hoạt động tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học lĩnh vực di sản văn hóa.

Hơn 10 ý kiến của đại biểu khác tại Hội thảo đã thể hiện sự nhất trí với các nội dung của Chiến lược, đồng thời khẳng định, những năm trở lại đây, công tác nghiên cứu khoa học của Bộ VHTTDL có nhiều đổi mới, mang tính chuẩn mực, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của ngành.

Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu khoa học cần được trẻ hoá, nâng cao năng lực của các cán bộ nghiên cứu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành để áp dụng cho công tác quản lý của Bộ. Việc số hoá cơ sở dữ liệu lớn của ngành, chuyển đổi số cần được đẩy mạnh và hiệu quả hơn, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển ngành. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cấp trang thiết bị công nghệ cho các viện nghiên cứu của ngành văn hóa, thể thao, du lịch nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như cung cấp các dịch vụ khoa học và công nghệ….

Các đại biểu cũng đề nghị, Chiến lược cần có lộ trình cụ thể, sắp xếp nguồn lực ưu tiên để thực hiện. Khi Chiến lược được ban hành, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL căn cứ định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của Chiến lược xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Huy động nguồn lực cả trong và ngoài ngân sách nhà nước theo quy định để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong hoạt động của đơn vị mình.

THUÝ HÀ; ảnh: HOÀNG CÚC

Báo Văn hóa

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91