Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong cộng đồng

Thực tiễn cho thấy, cùng sự phát triển chung của xã hội, quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán… có nguy cơ mai một và dần bị pha tạp; tình trạng đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét.

Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian bị thất truyền. Một hội thảo mới đây chỉ rõ nguy cơ mất bản sắc văn hóa riêng và bị đồng hóa đang hiện hữu đối với một số dân tộc ít người. Xuân Tân Sửu 2021 này, khảo sát sinh hoạt văn hóa, lễ hội ở một số địa phương đã cho thấy có sự du nhập văn hóa ngoại lai khá rõ nét…

Cùng chung thực tế nêu trên, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương và nhiều giải pháp trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như  huyện Hoằng Hóa, với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn thường xuyên được tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội kỳ phúc đầu xuân, các xã tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi lành mạnh. Quá trình xây dựng nông thôn mới, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các làng, xã trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Nhiều xã thành lập được các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian như chèo (các xã Hoằng Ðạo; Hoằng Phượng); câu lạc bộ trống hội Phú Khê (Hoằng Phú)…; nhiều xã đã hình thành các “làng vui chơi, làng ca hát” như ở Hoằng Thắng, Hoằng Phúc… tổ chức được nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hiện, toàn huyện có tất cả 237 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa.

Thiết nghĩ, việc gìn giữ và phát huy bản sắc, những giá trị văn hóa truyền thống, cộng đồng dân cư hiện nay cần được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo với sự tham gia đồng bộ của các đoàn thể chính trị, xã hội. Trước hết từ chương trình hành động, sự đầu tư thỏa đáng cả về giải pháp và cơ sở vật chất; coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng. Từng địa phương cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức để làng, xã, khu dân cư xây dựng, điều chỉnh hương ước, quy ước, bổ sung các thiết chế văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, giàu bản sắc đặc sắc lành mạnh, phong phú và đa dạng. Từng địa phương có mục tiêu, chương trình hướng mạnh vào việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư thêm tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với bài trừ hủ tục, văn hóa ngoại lai, xấu độc xâm nhập…

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60