14/10

6 cơ sở đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng đại học thế giới 2023

Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng Times Higher Education về xếp hạng đại học thế giới 2023.

Ngày 12/10, Tổ chức xếp hạng Times Higher Education đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023).

Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng này, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Huế.

Cụ thể, Đại học Duy Tân và Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 401-500; Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1001-1200; Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TPHCM trong nhóm 1501+.

So với kỳ xếp hạng 2022, THE WUR 2023 có thêm 240 cơ sở giáo dục đại học tham gia và tăng thêm 137 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.

Top 5 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng này là: Đại học Oxford, Đại học Havard, Đại học Cambridge, Đại học Stanford và Viện Khoa học kỹ thuật Massachusetts.

Ở khu vực châu Á, các cơ sở giáo dục đại học top đầu bao gồm: Peking University và Tsinghua University (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Hong Kong và Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore).

Bảng xếp hạng THE WUR đánh giá các trường đại học trên toàn cầu dựa trên nghiên cứu những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học, theo các bộ chỉ số đo lường tiêu chuẩn nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và công bằng.

Căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cung cấp, các khảo sát độc lập và dữ liệu của trường đại học cung cấp, việc tính điểm, xử lý dữ liệu của THE WUR được PricewaterhouseCoopers (PwC), một tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp, giám sát thực hiện.

Các tiêu chí của THE WUR 2023 vẫn được duy trì như các kỳ xếp hạng thế giới gần đây, theo 5 nhóm tiêu chí về hiệu suất gồm: Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số tính điểm xếp hạng là 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng) với trọng số 30%; trích dẫn (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) với trọng số 30%; quốc tế hóa (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) với trọng số 7,5%; thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ với trọng số 2,5%.

Báo Chính phủ

13/10

Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước

Ngày 10/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 5 nhiệm kỳ 2021-2026.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp. Tham dự Kỳ họp có các đồng chí Thường trực Hội đồng, thành viên Hội đồng và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban Đảng Trung ương.

Các ý kiến tại Kỳ họp tập trung vào Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hội thảo nhằm cung cấp, bổ sung luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII. Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: “Trong suốt quá trình phát triển, từ khi đất nước giành được độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng, phát huy vai trò của trí thức, coi trí thức là vốn quý báu của dân tộc, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này cũng chính là sự kế thừa truyền thống dân tộc, truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vấn đề này không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo nguồn lực nhân lực chất lượng cao, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với ý nghĩa đó, gần 30 ý kiến tham luận của các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề như: Nhận diện về đội ngũ trí thức Việt Nam trong điều kiện mới, đặc điểm và những nhân tố tác động tới việc xây dựng và phát huy vai trò của trí thức; Đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 – NQ/TW về những hạn chế, điểm nghẽn cần được tháo gỡ để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Những đề xuất, kiến nghị để xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những ý kiến tham luận của các thành viên Hội đồng. Với tinh thần trách nhiệm, khoa học, các tham luận đã làm rõ được nội dung của Hội thảo và những nội dung này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ xây dựng Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trong thời gian còn lại của năm 2022, các thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục bám sát Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến chỉ đạo toàn diện và sâu sắc của Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác, trước hết cần hoàn thành tốt Kỳ họp thứ 6 của Hội đồng theo Kế hoạch công tác toàn khóa đã đề ra. Các thành viên cũng tập trung cao độ, nỗ lực để xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các báo cáo tư vấn kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII về vấn đề chính sách xã hội, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của Hội đồng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đảm bảo chất lượng tư vấn, thẩm định những văn bản có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng…

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công – nông – trí tiếp tục được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa; việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế, thủ tục hành chính quan liêu, lạc hậu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục.

Hội thảo đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề đặt ra, trong đó đặc biệt là các giải pháp trọng tâm để tiếp tục hoàn thiện môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong, ngoài nước.

TTXVN

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91