Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện
Sáng 23/11, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam – Nhiệm vụ và giải pháp”.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 105 năm ngày thành lập Thư viện Quốc gia Việt Nam (29/11/1917-29/11/2022).
Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng, phấn đấu và phát triển, Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thư viện hiện có tổng số tài nguyên thông tin lớn nhất trong cả nước với hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và hơn 10 triệu trang tài nguyên số tự tạo lập và thu nhận. Nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng số, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đi đầu triển khai công tác tin học hóa hoạt động thư viện từ giữa những năm 1980 và xây dựng thư viện số từ đầu những năm 2000. Đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong tổ chức nghiệp vụ thư viện trong nước từ khi mới thành lập.
Đến nay, với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ người làm công tác thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thư viện hàng đầu, có nhiều đóng góp cho hệ thống thư viện cả nước. Với đội ngũ thư viện viên, chuyên gia có năng lực và trình độ chuyên môn cao, Thư viện đã giúp đỡ có hiệu quả các cơ quan thư viện thông tin trong cả nước, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng ngành nghề về công tác tin học hóa hoạt động thư viện, áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế, công tác biên mục, bảo quản tài liệu…Đồng thời, với thế mạnh là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế và khu vực về thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với các thư viện, cơ quan thông tin của nhiều nước, tạo cơ hội khai thác, tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế về tài liệu, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức và tham dự các Hội nghị, hội thảo, thực hiện các dự án quốc tế…học hỏi kinh nghiệm, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật để từng bước chuẩn hóa công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đưa mọi hoạt động của thư viện Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thư viện các nước trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết: “Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″ nhằm định hướng tổ chức hoạt động ngành thư viện tiếp tục phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực trong chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Để triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, giao Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện 02 Dự án quan trọng là: Số hóa tài liệu quốc gia và Xây dựng mục lục liên hợp quốc gia. Đây là những nhiệm vụ lớn, là căn cứ để Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục được đầu tư cải thiện, bứt phá về hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành thư viện nhằm dễ dàng phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước”.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thư viện đã cùng thảo luận về các vấn đề: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam; Nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số; Vị trí và vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong xây dựng thư viện số quốc gia, xây dựng mục lục liên hợp; Vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong xây dựng thư viện hiện đại; Vấn đề chuẩn hóa, hợp tác liên kết chia sẻ tài nguyên thông tin trong và ngoài nước; Các công cụ hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; Kinh nghiệm quốc tế, các mô hình thư viện quốc gia trên thế giới; Chiến lược, kế hoạch định hướng phát triển và những đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới; Đề xuất mô hình, các thiết bị giải pháp công nghệ, quản trị và khai thác tài nguyên, bài học kinh nghiệm, sáng kiến triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động thư viện trong và ngoài nước.
Tiêu biểu trong đó có các tham luận như: Lưu chiểu số và một vài suy nghĩ đối với Việt Nam; Xây dựng thư viện số quốc gia – Một số kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam; Chuyển đổi số và hiện đại hóa Thư viện Quốc gia Việt Nam để giữ vững thương hiệu là thư viện trung tâm của cả nước; Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam và đề xuất một số dự án theo kinh nghiệm thư viện số quốc gia Hàn Quốc; Phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp;…
Thông qua các tham luận và trao đổi, Hội thảo đã góp phần làm rõ các nhiệm vụ, xác định giải pháp cụ thể để Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục phát huy vị trí, vai trò trung tâm của mình cùng các hệ thống thư viện toàn quốc hoàn thành mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102