71. Phát triển Chính phủ điện tử tạo thuận lợi hóa thương mại

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ngày 6/4 tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TPHCM, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức hội nghị phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần phải đẩy mạnh hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết quốc tế trong các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành cũng cần phải rà soát và sửa đổi để đạt được tính thống nhất trong việc thực thi, tránh trùng lắp gây phiền hà, khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại và nhũng nhiễu đối với DN. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về tác động của các hiệp định thương mại tự do, để DN nắm rõ. Việc tuyên truyền cần phổ biến theo hiệp hội, từng ngành hàng cụ thể.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cũng cho rằng, tạo thuận lợi thương mại cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng. Ví dụ: Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa không chỉ có mình cơ quan hải quan mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan khác thì việc thông quan mới nhanh được.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn cao cấp của VTFA tại TPHCM cho rằng, để đạt được mức thuế ưu đãi tốt nhất cho hàng hóa dưới các hiệp định thương mại tự do như TPP và FTA Việt Nam-EU, các DN cần thực hiện phân tích từng sản phẩm, quy trình sản xuất và nguyên liệu để xác định tình trạng của hàng hóa theo quy tắc cụ thể của từng hiệp định.

Bên cạnh đó, theo ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam tại TPHCM, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và xác định đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hóa xuất khẩu cũng như nhập khẩu.

Chẳng hạn, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cảng Cát Lái nhằm trung chuyển hàng hóa tới các cảng khác trong khu vực thì cần xây dựng cảng Cái Mép thành cảng quốc tế lớn, là nơi trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực cũng như hàng hóa từ cảng Cái Mép có thể vận chuyển đến bờ Tây của Hoa Kỳ, để có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199