Mặc dù Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, nhưng hiện nay, Hoa Kỳ vẫn đang là bạn hàng lớn của Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng đang tiếp tục đón nhận những thách thức cũng như cơ hội từ thị trường lớn này.

Đối tác thương mại xếp thứ 12 về xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Báo cáo của Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với năm 2015, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,7%.

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ và xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này (tính đến tháng 12/2016).

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, tăng trưởng thương mại giữa hai nước hằng năm đạt 20%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.

Cụ thể trong năm 2010, mức thặng dư hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán, trao đổi thương mại với Hoa Kỳ đã vượt qua con số 11 tỷ USD, cao gấp 23% so với năm 2009. Đến năm 2016, nhờ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao gấp 5,5 lần so với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường này, mức xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã lên tới trên 38 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng của hai nước, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm xấp xỉ 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các nước của Hoa Kỳ.

Không TPP, Việt Nam chưa phải chịu tác động bất lợi

Bước sang năm 2017, Hoa Kỳ vẫn chứng tỏ là thị trường xuất khẩu chủ lực và thặng dư thương mại cao nhất đối với Việt Nam, và vị trí này được duy trì trong khoảng 10 năm gần đây.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có gì bất lợi khi các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường này không, ông Trần Duy Đông cho biết, khi Tổng thống Trump lên nhận chức, đã xuất hiện những e ngại rằng việc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ bị sụt giảm và chững lại trong năm 2017 do ảnh hưởng từ các chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ mới, đặc biệt với việc Hoa Kỳ đã rút ra khỏi TPP – Hiệp định vốn được cho là có lợi cho các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

“Thực tế, trong những tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ chưa phải chịu tác động bất lợi gì từ sự kiện này”, ông Đông khẳng định.

Dẫn chứng rõ hơn, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Mỹ cho biết, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 12,4 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhìn chung về cơ bản cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2017 vẫn là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm qua: Thuỷ sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, và nông sản.

Thủy sản sau khi vượt qua những khó khăn năm 2015, đã xuất khẩu tương đối ổn định trong năm 2016, nhưng lại có dấu hiệu chững lại trong tháng 1/2017. Tháng 1/2017, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm nhẹ khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 4/2017, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt xấp xỉ 361 triệu USD, giảm 11,21%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt  816,8 triệu USD.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại có mức tăng trưởng tương đối ổn định: Dệt may đạt 3,6 tỷ USD, tăng 7,16%; giày dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 14%; đồ gỗ đạt 960 triệu USD, tăng trên 16%; các mặt hàng nông sản như hạt điều đạt 278,8 triệu USD, tăng 23,4%; cà phê đạt 206 triệu USD, tăng 42,5%; hàng rau quả đạt 34,6 triệu USD, tăng 17,41%.

Về nhập khẩu, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ của Việt Nam đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của Việt Nam, tăng 22%. Cơ cấu hàng nhập khẩu chính từ Hoa Kỳ vẫn giống như các năm gần đây, trong đó các nhóm hàng chính gồm: Kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử đạt xấp xỉ 894 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ; bông các loại đạt 472 triệu USD, tăng 98,6%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 154 triệu USD, tăng 52,6%; đậu tương đạt trên 100 triệu USD, giảm 0,17%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 227,3 triệu USD, giảm 6,9%.

“Như vậy, với vị trí đối tác xuất khẩu thứ 23, Việt Nam đã trở thành cái tên quan trọng trong bản đồ thương mại quốc tế của Hoa Kỳ. Cùng với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành đối tượng của các biện pháp tự vệ như: Chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mặc dù phải chịu nhiều khó khăn và bất lợi, thông qua các vụ kiện trên nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đang dần trưởng thành, tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm, từ đó tạo lập bản lĩnh vững vàng hơn trong cuộc chơi thâm nhập thị trường hứa hẹn nhất và cũng thách thức nhất này”, ông Trần Duy Đông nhận định.

Nguồn: chinhphu.vn