Chiều ngày 9/3, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với với đại diện các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTTDL về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ thông tin, truyền thông khác trên mạng internet.

Chủ trì buổi làm việc có ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trưởng đoàn giám sát và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Ngày càng bùng nổ các hoạt động sáng tạo văn hóa, xã hội trên mạng xã hội

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, bên cạnh những tiện ích và mặt tích cực, công tác quản lý mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang bộc lộ những mặt trái đáng lo ngại. Tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm; thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Giám sát thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực VHTTDL trên mạng internet  - Ảnh 1.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Trưởng đoàn giám sát

Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó xu hướng ngày càng bùng nổ các hoạt động sáng tạo văn hóa, xã hội trên mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã vào cuộc chấn chỉnh, quản lý và định hướng, đồng thời chấn chỉnh các nội dung không phù hợp.

Bộ cũng đã chú trọng việc xây dựng, ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách trước tác động của việc cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trong các lĩnh vực như điện ảnh, quảng cáo, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, quyền tác giả và quyền liên quan, di sản văn hóa, nhiếp ảnh…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên tuyền phổ biến chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện… cũng được Bộ VHTTDL chú trọng, đẩy mạnh.

Thanh tra Bộ- riêng trong năm 2021- cũng đã xử phạt nhiều vi phạm liên quan tới lĩnh vực của ngành VHTTDL…

Ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ là việc làm cần thiết

Đánh giá cao báo cáo và công tác chuẩn bị cho buổi giám sát, tại buổi làm việc, các  ý kiến của Đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề nóng liên quan tới lĩnh vực VHTTDL hiện nay.

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đặt vấn đề về việc cần có chế tài như thế nào để phát huy các phát ngôn tốt và hạn chế các phát ngôn tiêu cực của các nghệ sĩ nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Giám sát thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực VHTTDL trên mạng internet  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Cũng liên quan tới chủ đề này, Chuyên gia của Đoàn giám sát, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã đánh giá cao Bộ VHTTDL vừa qua đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ và cho rằng đây là một việc làm cần thiết cũng giống như Hội Nhà báo ban hành 10 quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. “Có người đặt vấn đề, quy tắc này áp dụng cho nhà báo khi hoạt động trong một cơ quan báo chí, còn khi ra bên ngoài, không hoạt động báo chí thì không phải áp dụng, nhưng chúng tôi thống nhất rằng, tư cách nhà báo thì chỉ có một và với nghệ sĩ thì cũng như vậy. Chúng ta truyền bá văn hóa trên sân khấu hay các hoạt động xã hội nói chung”- ông Hồ Quang Lợi nêu.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, thời gian qua ,Thanh tra Bộ và Vụ Pháp chế đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cục để xử lý các vấn đề phát sinh. Hiện các nghệ sĩ đang hoạt động trong các nhà hát thì liên tục được tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử, với các nghệ sĩ ngoài công lập thì Bộ đang tổ chức nhiều hoạt động, liên hoan nghệ thuật quy tụ cả nghệ sĩ công lập lẫn ngoài công lập, qua đó tuyên truyền, vận động họ có những hành vi phù hợp trên không gian mạng.

“Làm quản lý hành chính với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần phải khéo léo, không cứng nhắc, nếu không thành phản văn hóa, chúng tôi đã có nhiều bài học về vấn đề này. Còn đối với các hoạt động biểu diễn thì hiện nay đã có các nghị định, Bộ cũng đang trình các văn bản sửa đổi, bổ sung mới”- đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay.

Về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên không gian mạng, đại diện Vụ Pháp chế cho hay, hiện chưa có nghị định riêng nào về vấn đề này, trong khi đó, một số nội dung quản lý hiện đã lạc hậu. Do vậy, Vụ Pháp chế kiến nghị sửa đổi Luật CNTT để Bộ có căn cứ xây dựng được nghị định quản lý.

Các ý kiến cũng đặt ra vấn đề quảng cáo hiện nay có tới 80% tỉ trọng về quảng cáo chảy về các nền tảng xuyên biên giới, còn 20% là dành cho cơ quan báo chí Việt Nam. Sự sụt giảm nghiêm trọng này đòi hỏi Luật Quảng cáo hoặc các nghị định phải có quy định rõ để bảo vệ lợi ích của cơ quan báo chí và chính các cơ quan văn hóa.

Liên quan tới lĩnh vực bản quyền, một số ý kiến cũng đưa ra nhằm đảm bảo quyền tác giả trên không gian mạng và cho rằng đây là nội dung phải đặt lên hàng đầu.

Phải quan tâm thực hiện chuyển đổi số

Tại cuộc họp, nội  dung  cần có một kế hoạch cụ thể về công nghiệp văn hóa cũng được một số đại biểu đề cập tới và đặt ra vấn đề phối hợp giữa các bộ với việc quản lý các hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao điện tử, phát triển nội dung văn hóa trên nền tảng số… Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp nội dung, phát triển các trò chơi điện tử.

Giám sát thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực VHTTDL trên mạng internet  - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chia sẻ về nội dung này, đại diện Cục Bản quyền cho hay, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt 5 lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, hiện Bộ đã đề xuất nhiều lần cần phải bóc tách các nội dung về công nghiệp văn hóa để thấy được các chỉ số cụ thể vì ngành là tổng hòa các lĩnh vực như phát triển du lịch chẳng hạn là tổng hòa của nhiều ngành khác mà chúng ta chưa thể bóc tách rõ ràng. Hiện việc phát triển công nghiệp văn hóa cũng chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng.

Đại diện Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch, Trung tâm CNTT… cũng đã có những phân tích về những vướng mắc của phát triển nội dung công nghiệp văn hóa hiện nay cũng như số hóa các nội dung hoạt động của Bộ.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương đề nghị ngay từ bây giờ các cơ quan của Bộ VHTTDL phải quan tâm thực hiện chuyển đổi số với những nghiên cứu căn bản, định hướng lâu dài, chiến lược để thực hiện phát triển kinh tế số, xã hội số, văn hóa số. Những kiến nghị của đoàn giám sát và những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành của Bộ sẽ được cập nhật vào báo cáo để cung cấp thêm dữ liệu cho đoàn giám sát.

Cảm ơn và thống nhất với ý kiến chỉ đạo của Trưởng đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho hay, Bộ sẽ yêu cầu các Cục, Vụ có báo cáo bổ sung cụ thể và tổng hợp để chuyển tới đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất./.

Cổng TTĐT Bộ VHTTDL