Chiều 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ VHTTDL long trọng tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá phong trào thi đua của Ngành Văn hóa; đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là một trong ba sự kiện chính được Bộ VHTTDL tổ chức nhằm thiết thực hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2023).
Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ trung ương đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của Ngành Văn hóa; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Những bông hoa đẹp nhất trong phong trào thi đua của ngành Văn hóa
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa, chúng ta đã lựa chọn được 78 tấm gương tiêu biểu đại diện cho những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa ngàn việc tốt trong phong trào thi đua của ngành Văn hóa.
Đây là những tấm gương bình dị mà cao quý, có nhiều đóng góp cho toàn Ngành, cho đất nước bằng những công việc được lượng hóa cụ thể. Những công việc đó đã lan tỏa một tinh thần tích cực “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” đến toàn xã hội.
Sự kiện có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại biểu là các gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình Trung ương và các địa phương…
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nêu rõ, Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là dịp để đánh giá phong trào thi đua của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua; đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời cũng là dịp để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những gương điển hình tiêu biểu của ngành trong hoạt động tham mưu, quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa trên toàn quốc.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trong những năm qua, Bộ VHTTDL luôn chỉ đạo đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua là biện pháp quan trọng, là động lực, đòn bẩy để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam tại Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc” và “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”; đầu năm 2022, tổ chức Hội nghị phát động, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ”; năm 2023 với chủ đề “Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả”, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo của toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.
Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến lần này là dịp để chúng ta ghi nhận những nỗ lực của ngành VHTTDL, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, động lực mới, đột phá mới từ văn hóa, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Đây cũng là dịp để biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, địa phương; tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự là động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác trong thời gian tới.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng
Ghi nhận thành tích của toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đọc Thư chúc mừng Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thư Chúc mừng của Tổng Bí thư nêu rõ: Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành Văn hóa Việt Nam (28.8.1945 – 28.8.2023) và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, thân ái gửi tới các đồng chí, và qua các đồng chí gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước nhà lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta vui mừng nhận thấy, ngành Văn hóa nước ta đã có nhiều cố gắng, tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm; nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt được một số kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt là từ sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngành Văn hóa chúng ta đã có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035,… góp phần tạo nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến được phát huy, nhân rộng, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị “chân – thiện – mỹ” của con người, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cuộc sống của mỗi gia đình hạnh phúc hơn.
Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 là một cơ hội tốt để các nhà quản lý, những người làm công tác văn hóa, thực hành văn hóa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau trân quý, nhân rộng những cách làm sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với tinh thần: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”.
Giao lưu các điển hình tiên tiến- cùng nhân rộng những cách làm sáng tạo
Sau phần chiếu phim tài liệu về phong trào thi đua của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian qua là phần giao lưu các điển hình tiên tiến.
Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng – tỉnh Thái Nguyên- chia sẻ: Hát Then, đàn Tính, các giai điệu gắn với đời sống dân tộc chúng tôi, rất cần được lưu giữ. Nghệ nhân Bích Hồng đã dạy hơn 700 học sinh là những người yêu thích đàn Tính, hát Then. Người nhỏ nhất là lớp 3, người cao tuổi nhất là 86 tuổi. “Tôi rất mừng vì nhiều người yêu thích nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Đó là cơ duyên. Các lời ca, giai điệu đàn Tính, hát Then gắn với đời sống của người dân tộc, thấm đẫm trong đời sống”- Nghệ nhân Bích Hồng chia sẻ.
Ông Phan Thuyết Trình – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, người đi đầu trong vận động người dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ông Trình cho biết: “Việc hướng dẫn người dân không rải vàng mã trong đám tang ở địa phương nhằm quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng.
Kinh nghiệm của địa phương là sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố vào cuộc thực hiện nếp sống văn minh. Chúng tôi đã tận dụng sự tham gia của người lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng nhằm tác động đến từng thôn, từng nhà, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Những năm đầu gặp nhiều khó khăn, vì hủ tục đi sâu vào tiềm thức. Nhưng nhờ sự tham gia của người có uy tín, dần dần người dân thay đổi nhận thức. Từ 2015 đến nay, 100% hộ dân xã Hòa Tân Đông mỗi khi có đám tang đã thực hiện không rải vàng mã ra đường trong đám tang, từ đó lan tỏa đến nhân dân cả địa phương làm theo”.
Bà Trần Thị Mỹ Trinh – Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong thời đại công nghệ số, để thư viện truyền thống thu hút bạn đọc thì trước thư viện phải đạt được không gian bên trong và bên ngoài xanh – sạch -đẹp. Trong thư viện, tài nguyên thông tin phải đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, cần phải chú trọng công tác phục vụ bạn đọc, hỗ trợ cung cấp tài nguyên thông tin cho bạn đọc với các tiêu chí nhanh, chính xác và thuận tiện. Ngoài ra, dù là thư viện truyền thống thì trong thư viện vẫn phải trang bị các thiết bị hiện đại, thông minh để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc.
Điều mà Thư viện tỉnh Đồng Tháp thực hiện trong thời gian qua, đó là thư viện không chỉ là nơi giữ sách mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa của tất cả mọi người. Thư viện đã tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn kỹ năng sống… để thông qua đó gia đình, bạn bè có thể đến giao lưu nhiều hơn nữa.
Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện đã chủ động phục vụ cơ sở thông qua các chuyến xe lưu động. Khi chúng tôi đi đến phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và thấy được người dân nơi đó rất yêu sách, nên sau mỗi chuyến xe chúng tôi đều tặng lại tủ sách khuyến học để địa phương phục vụ cộng đồng. Đến nay, Thư viện tỉnh đã trao tặng hơn 300 tủ sách khuyến học tại địa phương và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới – Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam) là tấm gương về sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo vươn lên để cống hiến toả sáng và có thể chinh phục các tác phẩm múa có chiều sâu, nội dung chất lượng.
Kể lại kỷ niệm thời thơ ấu và “sức mạnh vô hình” trở thành diễn viên múa, nghệ sĩ Phạm Thu Hằng chia sẻ, vượt qua những khó khăn, với sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, chị đã dần nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Nhà hát và đồng nghiệp, được giao nhiều vai chính.
Theo diễn viên Thu Hằng, hai từ “đau đớn” gắn liền với sự nghiệp của diễn viên múa, khi đã quyết định trở thành diễn viên múa thì phải có ý chí mạnh mẽ, bởi bất cứ khi nào đau đớn cũng sẽ khiến bản thân dễ dàng bỏ cuộc.
“Tôi có một quan niệm đơn giản đó là cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim nhanh nhất. Tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc, luôn luôn đặt cái tâm lên hàng đầu thì nghề sẽ không phụ mình.
Múa bản chất là khổ luyện, có những ngày tôi đau đớn, 10 đầu ngón chân chảy máu, thậm chí bật cả móng chân nhưng vẫn phải tiếp tục đứng lên, xỏ chân vào giày, nghĩ về những tháng ngày mình đã khổ luyện trên sàn, đổ mồ hôi và nước mắt để đổi lại những phút giây thăng hoa trên sân khấu và được đứng tại đây ngày hôm nay”, diễn viên Thu Hằng chia sẻ.
Ngay sau phần giao lưu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ, ban, ngành đã trao biểu trưng và Bằng khen cho các điển hình tiên tiến của ngành VHTTDL.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, nói đến văn hóa là nói đến con người. Văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.
Văn hóa Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán đặc sắc, phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, hòa quyện thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Đảng và Nhà nước ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.
Theo Thủ tướng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, những năm qua, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những kết quả phát triển đất nước.
Bày tỏ, vui mừng, xúc động gặp gỡ 78 điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa ngày hôm nay, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc; nhiệt liệt chúc mừng 78 điển hình tiên tiến ngày hôm nay và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Văn hóa thời gian qua.
Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành Văn hoá trong thời gian tới.
Bộ VHTTDL tiếp thu để cụ thể hóa 9 nhiệm vụ
Phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ về xây dựng chấn hưng phát triển nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định rõ Văn hóa vừa là nguồn lực, vừa là động lực, toàn Ngành VHTTDL đã nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với đó là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… các Bộ, ban ngành, Trung ương đến địa phương.
Tại Hội nghị Tuyên dương lần này, Ngành Văn hóa hết sức phấn khởi khi dù nhiều bộn bề công việc nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian đến dự và có phát biểu hết sức quan trọng.
Thay mặt Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTTDL xin được tiếp thu để cụ thể hóa 9 nhiệm vụ mà Thủ tướng giao để làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành.
Bộ trưởng cho biết, 78 tấm gương điển hình tiên tiến gắn với 78 năm Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa. Các đại biểu dù đến từ cơ sở, các địa phương ở trong mọi miền đất nước, từ nhiều lĩnh vực công tác khác nhau nhưng đó chính là những bông hoa đẹp được bình chọn, suy tôn từ cơ sở.
Sáng nay, toàn Ngành đã báo công dâng Bác tại Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Ngành đã xin hứa với Bác tiếp tục thực hiện nguyện ước của Bác đó là “Thi đua thì phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để xây dựng Ngành ngày càng phát triển, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bên cạnh với những điển hình tiên tiến được tôn vinh ngày hôm nay thì toàn Ngành vẫn còn rất nhiều những điển hình tiên tiến khác từ khắp mọi miền đất nước. Dù họ không có mặt tại Hội nghị này nhưng họ chính là người đang hát “bè trầm” để cho dàn âm thanh vút cao của Ngành Văn hóa được bay lên.
“Chúng tôi trân trọng, trân quý những đóng góp lặng thầm của các điển hình ở cơ sở mà Bộ chưa có cơ hội được vinh danh trong ngày hôm nay” – Bộ trưởng bày tỏ.
“BVHTTDL và toàn Ngành xin hứa với Thủ tướng và các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước như phát biểu của Thủ tướng, làm sâu sắc hơn nữa những chỉ bảo ân cần của Tổng Bí thư trong bức thư gửi cho Ngành tại Hội nghị này” – Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra về lĩnh vực Văn hóa.
Quá trình đó, Bộ thấy rằng phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức. Công tác xây dựng, chấn hưng nền văn hóa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Đảng, việc phát triển Văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò nhân dân là chủ thể, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Vì vậy, Bộ mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm sâu sát hơn, các Bộ ngành đồng hành cùng Ngành Văn hóa để cùng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chung.
“Thay mặt Lãnh đạo Ngành VHTTDL, một lần nữa tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, đối với cá nhân Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cổng TTĐT Bộ VHTTDL