Là hai trong số những huyện đảo tích cực nhất trong các hoạt động giảm rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, Côn Đảo và Phú Quý ngày càng được đánh giá cao hơn về yếu tố môi trường.

Vốn là những địa điểm nổi tiếng vì thế hai huyện đảo này thu hút số lượng khách du lịch lớn, điều này cũng kèm theo lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng gia tăng. Tại Côn Đảo, trung bình mỗi ngày có đến 24-27 tấn rác được thải ra. Số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng tại đảo ước tính khoảng 200 cơ sở, thải ra gần 42% lượng rác thải nhựa của cả huyện đảo.

Theo báo cáo về ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2022, ước tính lượng rác thải từ các tỉnh ven biển của Việt Nam đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm. Rác thải nhựa chiếm tới 95,4% tổng lượng chất thải rắn tại một số vùng biển ô nhiễm ở Việt Nam. Rác thải nhựa liên quan đến đựng đồ ăn mang đi của người dân và du khách chiếm phần lớn ở các địa điểm ven biển với hơn 42% về số lượng và hơn 36% về khối lượng. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật. Rác thải nhựa trên địa dương phá vỡ môi trường tự nhiên của các vi sinh vật và động vật biển, dẫn tới hiện tượng nhiều loài bị đe dọa bên bờ tuyệt chùng.

Trước những thực trạng đáng báo động đó, ngành du lịch những năm qua đã phải nỗ lực tìm mọi giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch. Hai huyện đảo Côn Đảo và Phú Quý đặc biệt tích cực trong các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường tự nhiên của đảo.

Từ tháng 3-2022 đến nay, Côn Đảo là địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia Sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng với cam kết nỗ lực giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025 và hướng đến không rác thải nhựa vào năm 2030. Để sáng kiến được triển khai hiệu quả, đúng với cam kết, các cấp, các ngành của Côn Đảo đã triển khai các mô hình như: Ngày thứ Bảy xanh – sạch – đẹp, Ngôi nhà xanh, mô hình Khu dân cư không rác thải nhựa, trường học không rác thải nhựa. Ngày 9-12 vừa qua, UBND huyện Côn Đảo và WWF Việt Nam đã ra mắt mô hình check-in “Du lịch giảm nhựa” tại Côn Đảo. Dự án nhằm truyền tải thông điệp du lịch giảm thải nhựa đến người dân, du khách và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, hướng tới nói không với rác thải nhựa tại Côn Đảo vào năm 2030.

Tại Phú Quý, ngành du lịch cũng như các cấp chính quyền đều thống nhất thực hiện phát triển bền vững với “Du lịch xanh”, từng bước xây dựng huyện đảo Phú Quý “Xanh – Sạch – Đẹp” bằng những việc làm thiết thực. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Quý đều tổ chức định kỳ “Ngày hội tái chế thu gom túi nilon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế”. Đoàn thanh niên huyện thường xuyên phối hợp với các tiểu thương tổ chức Chợ không rác thải nhựa, duy trì việc đổi 15 chai nhựa lấy 1 cây xanh, hoặc sách, vở; đổi 20 chai nhựa lấy túi xách bảo vệ môi trường… nhằm góp phần tăng cường nhận thức và hành động của cộng đồng cùng bảo vệ môi trường. Các chủ tàu cung cấp dịch vụ đưa đón khách du lịch ra đảo cũng cam kết không sử dụng túi nilon.

Với những hoạt động cụ thể, thiết thực kể trên, môi trường tại hai huyện đảo ngày càng được đánh giá cao, trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Nguyễn Lan Hương