Ngày 28/12, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường”, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tham dự.
Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993, tính đến nay đã tròn 30 năm. Sau Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, Quốc hội lần lượt thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là yếu tố bảo đảm an sinh xã hội, tạo nên sự phát triển bền vững.
Trải qua 30 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực thi, “Luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững”, Tiến sĩ Lê Trường Sơn cho biết.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý cho rằng, các vấn đề về môi trường ở Việt Nam ngày càng gia tăng và ngày càng trở nên cấp bách đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, cản trở việc bảo đảm quyền con người sống trong môi trường, vì vậy, cần phải có chính sách pháp luật môi trường phù hợp để giải quyết.
Ngoài ra, vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, giải quyết vấn đề môi trường cần sự tham gia của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cần chuyển hóa, ghi nhận các cam kết về bảo vệ môi trường vào trong hệ thống pháp luật quốc gia và tham gia tích cực vào các cơ chế toàn cầu và khu vực.
Sau 30 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên năm 1993 được thông qua và có hiệu lực, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực trong công cuộc bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường ngày càng được mở rộng, đáp ứng các yêu cầu của việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh, nội dung điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường càng mở rộng thì việc thực thi càng gặp nhiều khó khăn. Cho nên Việt Nam cần bảo đảm các nguồn lực cần thiết để thực thi; các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội và toàn hệ thống chính trị cần tăng cường tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đánh giá, làm rõ những thành tựu, thách thức trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua. Qua đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí điện tử Tài Nguyên và Môi trường
Nguyễn Lan Hương st