Danh hiệu di sản, đặc biệt là các danh hiệu của UNESCO như Di sản Thế giới, Di sản Văn hóa, Khu Dự trữ Sinh quyển, có tác động sâu rộng đến sự phát triển du lịch tại địa phương và quốc gia có di sản
Di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Đặc biệt với các di sản thế giới, cụ thể như các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là tài sản vô cùng giá trị để thúc đẩy sự phát triển du lịch. Các danh hiệu UNESCO mang lại tiềm lực rất lớn trong việc thu hút du lịch, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hình ảnh và sức mạnh mềm quốc gia. Bài toán đặt ra là làm sao cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để di sản trở thành tài sản và biến tiềm lực thành nguồn lực phục vụ phát triển bền vững. Để tìm lời giải này, chúng ta cần xem xét, phân tích lại ảnh hưởng tích cực và hạn chế của danh hiệu di sản tới sự phát triển của du lịch.
Ảnh hưởng Ttích cực của danh hiệu di sản
Khi một địa danh được công nhận là di sản, nó được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông toàn cầu và trong cộng đồng du lịch quốc tế. Từ đó tăng cường nhận diện thương hiệu và thu hút khách du lịch toàn cầu. Phố cổ Hội An (Việt Nam) đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Tăng lượng du khách chuyên biệt, những người yêu thích lịch sử, văn hóa, và thiên nhiên thường sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để trải nghiệm các di sản được công nhận. Hiệu quả kinh tế từ quảng bá miễn phí, bởi các danh hiệu di sản thường được các trang tin tức, nền tảng du lịch như TripAdvisor, và blogger du lịch khai thác, tạo ra hiệu ứng truyền thông miễn phí.
Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương là thực tế dễ thấy khi danh hiệu di sản thường làm tăng lượng khách du lịch đáng kể, kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, và bán lẻ. Năm 2022, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) thu hút hơn 4 triệu lượt khách, mang lại doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng. Sự gia tăng khách du lịch tạo nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp như hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng, và các dịch vụ giải trí.
Danh hiệu di sản cũng khiến nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng được chú trọng hơn để đáp ứng nhu cầu du lịch. Chính quyền các địa phương có di sản được công nhận thường đầu tư cải thiện giao thông, hệ thống vệ sinh môi trường, và các tiện ích công cộng khác.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cũng là tác động tích cực mà danh hiệu di sản mang lại. Bởi ngay cả khi đã được UNESCO công nhận, chính quyền địa phương phải đảm bảo duy trì mọi quy tắc, quy định để đảm bảo di sản đáp ứng đầy đủ công tác bảo tồn, giúp duy trì và nâng cao giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên.
Nhiều nghề truyền thống, lễ hội đã được khôi phục và phát triển các giá trị khi được công nhận di sản và duy trì tính toàn vẹn của di sản. Làng gốm Bát Tràng phát triển mạnh mẽ nhờ kết hợp du lịch với bảo tồn văn hóa truyền thống.
Việc được UNESCO công nhận di sản còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia bơi danh hiệu di sản góp phần nâng cao hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia. UNESCO và các tổ chức quốc tế thường cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm để bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.
Hạn chế của Danh hiệu Di sản
Cùng với những mặt tích cực, danh hiệu di sản cũng để lại một số hạn chế. Trong đó đầu tiên phải nhắc đến đó là việc quá tải số lượng khách du lịch tạo ra áp lực lên cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng quá mức không kiểm soát bởi sự gia tăng đột biến lượng khách du lịch gây áp lực lớn lên giao thông, hạ tầng lưu trú và dịch vụ. Vịnh Hạ Long đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển do lượng lớn tàu thuyền du lịch hoạt động không kiểm soát. Quá đông khách du lịch có thể gây hư hại vật lý cho di sản hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường xung quanh. Machu Picchu (Peru) phải giới hạn số lượng khách mỗi ngày để bảo vệ cấu trúc và môi trường sinh thái.
Thương mại hóa và mai một bản sắc văn hóa, bởi số lượng khách tăng nhanh, để đa đạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Nhiều điểm đến có di sản đã biến văn hóa, di sản thành hàng hóa. Việc thương mại quá mức các giá trị văn hóa, khiến chúng mất đi tính nguyên bản. Một số lễ hội truyền thống ở Việt Nam như chợ Viềng (Nam Định) đã bị biến tướng thành sự kiện mua bán thay vì tôn vinh ý nghĩa văn hóa ban đầu.
Số lượng khách tăng cũng tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương, khi trong cùng thời điểm, tại điểm đến tập trung quá nhiều vào dịch vụ du lịch sẽ có khả năng làm thay đổi cách sống và giá trị xã hội của người dân địa phương, tạo ra sự mất cân bằng.
Rủi ro kinh tế bởi quá phụ thuộc vào danh hiệu. Đó cũng là thực tế khi nhiều địa phương chỉ tập trung phát triển dựa trên danh hiệu di sản mà không đầu tư đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra sự phụ thuộc vào du lịch di sản khiến kinh tế và việc làm tại địa phương dễ bị tổn thương trước các biến động khiến du lịch giảm sút như thiên tai, dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều điểm di sản rơi vào tình trạng khó khăn kinh tế địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng nghìn người mất việc làm do lượng khách giảm mạnh.
Đề xuất giải pháp phát triển bền vững
Để giảm thiểu tối đa hạn chế, phát huy lợi thế có được từ danh hiệu di sản, ngành du lịch Việt Nam có thể nghiên cứu một số giải phát phát triển bền vững chính bao gồm:
Quản lý du lịch bền vững: Giới hạn số lượng du khách, quy định mức tối đa khách du lịch hàng ngày hoặc hàng năm để bảo vệ di sản. Áp dụng công nghệ, sử dụng vé điện tử và các hệ thống đặt chỗ trực tuyến để quản lý lượng khách.
Bảo tồn giá trị di sản: Đầu tư vào các chương trình bảo tồn chuyên sâu, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Khuyến khích các hoạt động giáo dục để nâng cao nhận thức của du khách và người dân về giá trị của di sản.
Đa dạng hóa ngành kinh tế: Phát triển các ngành kinh tế khác ngoài du lịch, như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, không chỉ giảm sự phụ thuộc vào du lịch mà các ngành nghề còn có thể bổ trợ cho nhau để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ổn định.
Hợp tác quốc tế và hỗ trợ tài chính: Kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát triển di sản theo hướng bền vững.
Danh hiệu di sản mang lại nhiều cơ hội lớn cho phát triển du lịch, kinh tế và bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, các địa phương cần có chiến lược quản lý và khai thác hiệu quả để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, hướng tới sự bền vững lâu dài.
NLH