Là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000 km Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên vô giá để phát triển du lịch, tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân hàng đầu đưa Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Với đường bờ biển dài, hệ thống núi, rừng và đồng bằng phong phú, cùng hàng loạt điểm đến du lịch nổi tiếng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Nhiều năm qua, thực tế ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ những thay đổi bất thường của khí hậu và các hiện tượng thiên tai ngày càng gia tăng.

Thực trạng thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Các hiện tượng thiên tai và biến đổi khí hậu phổ biến tại Việt Nam: Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu trung bình từ 10-15 cơn bão, tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến du lịch sinh thái. Mực nước biển dâng khoảng 3-5 mm mỗi năm, đe dọa các điểm đến ven biển như Hạ Long, Nha Trang, và Đà Nẵng. Bên cạnh đó các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương mù, nắng nóng kỷ lục, và mưa lớn bất thường đã gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng.

Tác động hiện tại của biến đổi khí hậu nhìn thấy rất rõ tại các khu rừng có hệ sinh thái đa dang khi hệ sinh thái đang ngày càng suy giảm, các khu vực rừng ngập mạn, các khu bảo tồn đều suy giảm tài nguyên tự nhiên.

Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tới du lịch Việt Nam

Tác động tới môi trường du lịch

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch.  

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.000 km, mang lại thế mạnh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Ước tính nếu nước biển dâng một mét thì 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động và không ít bãi biển đẹp của Việt Nam sẽ biến mất. Các khu nghỉ dưỡng ven biển tại Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phú Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề, gây tổn thất tài chính lớn và giảm sức hút với du khách. Các điểm lặn biển như Cù Lao Chàm và Phú Quốc mất dần sức hấp dẫn do rạn san hô bị tẩy trắng và suy giảm. Ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu là khu du lịch Khai Long (Cà Mau) đã phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Khu du lịch Ana Mandara (Huế) đang chịu tác động mạnh từ nước biển dâng. Nhiều resort tại Đà Nẵng và Hội An đã không còn bãi biển trước hiện tượng xói mòn.

Ngoài ra, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hoá, tài nguyên du lịch đặc biệt cho du lịch. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão lũ cường độ mạnh, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm. Phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị sạt lở bởi lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể cũng bị ảnh hưởng như Quần thể di tích kiến trúc tại Cố đô Huế, phố cổ Hội An, hệ thống các nhà vườn tại Huế, hệ thống đền – tháp Chăm ở miền Trung, Thánh địa Mỹ Sơn đã và đang chịu tác động từ lũ lụt, gây thiệt hại lớn về mặt mỹ quan, thẩm mỹ và giá trị của di sản. Những di sản này hàng năm phải đón nhận các trận mưa, bão gây ngập lụt. Nhiều công trình kiến trúc bị mối mọt, nấm mốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng sạt lở, mặn xâm nhập ngày càng phức tạp và ảnh hưởng trên diện rộng. Trong vài năm trở lại đây, mùa nước nổi đặc trưng của du lịch miền Tây cũng không còn theo chu kỳ. Không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến du lịch miền núi. Nhiều thác nước nổi tiếng của khu vực Tây Nguyên liên tục bị khô hạn, cạn nước do thay đổi của thời tiết.  Các khu rừng quốc gia như Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng, và Hoàng Liên Sơn bị ảnh hưởng, làm giảm giá trị trải nghiệm sinh thái. Nhiều điểm đến ở khu vực miền núi phía Bắc như tại Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang thường xuyên xảy ra sạt lở đất, ảnh hưởng đến các điểm trekking và du lịch cộng đồng. Thực tế, du lịch là ngành bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu trên nhiều phương diện, từ tài nguyên thiên nhiên, đến di sản văn hoá, hạ tầng và cả môi trường du lịch.

Tác động tới hành vi, thói quen du lịch

Biến đổi khí hậu còn tác động đến hành vi của khách du lịch, và làm ảnh hưởng tới trải nghiệm du lịch của du khách. Du khách quốc tế và cả trong nước đều có xu hướng tránh các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Với những địa điểm có thời tiết bất thường, chuyến đi cũng thường được rút ngắn hoặc hạn chế tối đa mùa mưa bão, nắng nóng từ đây dẫn tới nguồn khách giảm.

Tác động tới kinh tế

Thiên tai và biến đổi khí hậu đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch Việt Nam. Theo ước tính, thiệt hại tài sản hàng năm do thiên tai tại Việt Nam vào khoảng 2,7 triệu USD, và thiệt hại thực tế hàng năm ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Thiên tại và biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hoạt động du lịch biển đảo, từ đó tác động tới kinh tế du lịch bởi rủi ro thiên tai ở các tỉnh ven biển của Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến 42% số khách sạn ven biển, đặt các cơ sở này vào vùng có nguy cơ sạt lở cao. Điều này vừa giảm nguồn thu khi khách du lịch không thực hiện chuyến du lịch vừa tăng chi phí vận hành, sửa chữa cơ sở hạ tầng sau mỗi trận bão lũ. Theo tính toán ước tính trung bình hàng năm, ngành du lịch Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 179,2 triệu USD do lũ ven biển.

Các khu vực phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là các cộng đồng ven biển và miền núi, chịu ảnh hưởng lớn về kinh tế và việc làm khi du lịch giảm sút. Điều này kéo theo ảnh hưởng tới kinh tế địa phương.

Chi phí khắc phục hậu quả với nguồn vốn cho việc sửa chữa cơ sở hạ tầng và tái thiết sau thiên tai gây áp lực tài chính lớn đối với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương

Ảnh hưởng đến các chương trình du lịch

Thiên tai dẫn đến việc đình chỉ hoặc hủy bỏ hàng trăm chương trình du lịch, đặc biệt là các chuyến du lịch biển như trên Vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo và các tuyến du lịch ở khu vực miền Trung. Gần đây cơn bão số 3 có tên Yani đã khiến sân bay Nội Bài tại Hà Nôi phải đóng cửa gây thiệt hại nặng cho ngành hàng không. Kéo theo đó là hàng nghìn khách bị hủy chuyến bay, hoặc không thể tiếp tục hành trình tham quan của họ.

Rủi ro đối với cơ sở hạ tầng du lịch: Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây hư hại hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ du lịch, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển khách và cung cấp dịch vụ.

Những số liệu này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tác động từ thiên tai và biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch Việt Nam, đòi hỏi các biện pháp ứng phó và thích nghi kịp thời để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành

Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch bền vững trước biến đổi khí hậu

Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách để mỗi địa phương có thể chủ động trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như dự án xây kè bảo vệ phố cổ Hội An (Quảng Nam). Công trình nằm trong danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài việc bảo vệ phố cổ trước nguy cơ sạt lở, công trình còn kết hợp nạo vét lòng sông, tạo cảnh quan môi trường sinh thái thân thiện cho phố cổ Hội An. Để bảo vệ di tích, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế). Ở các tỉnh miền Tây còn có thêm các tour du lịch biến đổi khí hậu. Du khách sẽ được đưa đến những nơi đã và đang phải chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu như: tình trạng sạt lở, mất rừng phòng hộ ở huyện Thạnh Phú; xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở chợ Lách, các huyện Ba Tri, Bình Đại… UBND TP Cần Thơ cũng đã ký hết hồi tháng 3 với Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) cùng một số đơn vị để hợp tác tư vấn chiến lược, và triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu” tại đây.

Cùng với những việc làm cụ thể, ngành du lịch Việt Nam cũng cần có chiến lược với những giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong đó, một số giải pháp có thể nghiên cứu, triển khai:

- Tập trung phát triển du lịch bền vững, bới việc bảo vệ môi trường, tăng cướng bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy hoạt động du lịch xanh. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa dùng 1 lần tại tất cả các điểm đến du lịch trên toàn quốc và thực hiện các biện pháp bảo vệ rạn san hô, rừng ngập mặn bằng cách giám sát chặt chẽ và quy định số lượng khách tham quan. Đầu tư vào việc phục hồi hệ sinh thái, đặc biệt tại các khu du lịch sinh thái và di sản thiên nhiên, những khu vực có số lượng khách du lịch lớn và nằm tại vị trí thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, như trekking, du lịch cộng đồng, và nghỉ dưỡng sinh thái.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro thiên tai bằng cách đầu tư cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, ứng dụng công nghệ để dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai, giúp đảm bảo an toàn cho du khách. Xây dựng khu vực có khả năng chống chịu thiên tai, ví dụ như tại các khu nghỉ dưỡng ven biển và cơ sở lưu trú cần được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại từ bão và lũ lụt.

- Đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức bằng việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu. Thông tin về biến đổi khí hậu và thiên tai cần được lồng ghép vào các chương trình du lịch để du khách có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và vứt rác đúng nơi quy định, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Ban hành chính sách hỗ trợ và tăng cường hợp tác quốc tế: Chính phủ cần cung cấp các khoản hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai và thúc đẩy các dự án du lịch bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tích cực, chủ động trong việc hướng đến du lịch xanh, bền vững. Tham gia các tổ chức toàn cầu và khu vực để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức lớn cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội để tái định hình và phát triển bền vững. Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và tăng cường ý thức cộng đồng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa tiềm năng của ngành. Một chiến lược toàn diện và dài hạn không chỉ giúp ngành du lịch Việt Nam tồn tại trước biến đổi khí hậu mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.

Tính đến hết tháng 11, Việt Nam đã đón hơn 15,8 triệu lượt khách quốc tế, tiến sát mục tiêu 17 triệu lượt của cả năm. Riêng tháng 11, lượng khách quốc tế đạt kỷ lục 1,7 triệu lượt cao nhất từ đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, du lịch nội địa cũng không kém phần sôi động, phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách sau 11 tháng. Đáng chú ý, nhiều địa phương trọng điểm như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Bình, Ninh Thuận và Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu đón khách từ 2-3 tháng, minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Với thành công đáng khích lệ nêu trên, trong thời gian tới, để du lịch Việt Nam tiếp tục cất cánh, đạt được những thành tựu lớn hơn. Ngành du lịch cần tích cực hơn nữa trong những kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.

NLH

 
 
 
EMC Đã kết nối EMC