Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn

Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV vừa tổ chức khai mạc triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày hơn 30 hình ảnh, tài liệu cùng 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa các quốc hiệu và kinh đô Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử, gồm: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Ðại Cồ Việt thời Ðinh – Tiền Lê, Ðại Việt thời Lý – Trần – Lê, Ðại Ngu thời nhà Hồ, Việt Nam thời Gia Long và Ðại Nam thời Minh Mệnh. Qua đó, triển lãm góp phần tái hiện lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt và khẳng định giá trị lịch sử vô giá nằm trong khối Mộc bản triều Nguyễn. Triển lãm diễn ra đến ngày 25-3.

Bàn giao tác phẩm mỹ thuật bảo quản, tu sửa cho bảo tàng Lào

Tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức Lễ bàn giao các tác phẩm mỹ thuật bảo quản, tu sửa cho Ban phụ trách Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản của CHDCND Lào. Ðây là hoạt động thiết thực thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai bảo tàng của hai quốc gia, qua đó góp phần kéo dài tuổi thọ của các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Triển khai biên bản làm việc được ký cuối tháng 12-2017, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp nhận và giúp bảo tàng của nước bạn thực hiện công tác bảo quản, tu sửa bốn tác phẩm mỹ thuật có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, gồm: Chân dung Lê-nin, Chân dung Phi-đen Ca-xtơ-rô, Vịnh Hạ Long, Chân dung Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Ðây đều là những tác phẩm có ý nghĩa quan trọng và là tặng phẩm của nguyên thủ các quốc gia tặng lãnh tụ Lào.

Nhiều hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1-3 đến 31-3, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động lễ hội và chương trình dân ca, dân vũ gắn với tình yêu biển đảo Tổ quốc, có sự tham gia của 100 người thuộc 13 dân tộc đến từ 12 địa phương trong cả nước. Các chủ đề chính là: “Tháng 3 Tây Nguyên”, “Như hoa mùa xuân”; chương trình múa rối nghệ thuật “Vui Xuân”, chương trình ca múa nhạc “Tuổi trẻ với tình yêu biển đảo quê hương”… Ðiểm nhấn là chương trình “Biển đảo quê hương từ đất liền yêu thương” và “Tuổi trẻ với tình yêu biển đảo quê hương”…

Công diễn vở Ðôi mắt

Vào các tối 6 và 7-3, vở kịch “Ðôi mắt” sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn tại Rạp Công nhân (Hà Nội). Vở diễn được dàn dựng bởi NSND Tuấn Hải dựa trên kịch bản nổi tiếng về đề tài chiến tranh của tác giả Vũ Minh Dũng. Qua đó, vở diễn làm sống lại những năm tháng chiến đấu gian khổ mà anh dũng, hào hùng; ngay trong giây phút hiểm nguy rình rập vẫn nảy nở, sáng bừng tình yêu nhân ái, vị tha và giàu đức hy sinh của những người lính… Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSƯT Ðức Quang, Thanh Hương, Thiện Tùng, Diệu Anh, Thùy Dương, Tiến Lộc…

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137