Muốn chuyển đổi số phải thay đổi tư duyChuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội.

Nhưng ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) (Vietnam ICT Summit) 2019, do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam(Vinasa) phối hợp với Bộ Thông tin TT&TT tổ chức ngày 8/8.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đó là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp ICT Việt Nam.

“Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, 4 loại doanh nghiệp công nghệ số gồm: Các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực có thể làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT với số lượng khoảng 10-20 doanh nghiệp; các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platform (nền tảng) chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, “có cách nào để chuyển đổi số nhanh hơn không?”, Bộ trưởng tiếp tục nêu vấn đề.

“Nếu chúng ta cứ phải tới từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình để làm chuyển đổi số thì sẽ rất lâu, vì số đầu mối này là hàng chục triệu. Nhưng chúng ta sẽ tạo ra các Platforms số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Sử dụng các platform số này tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số. Bộ trưởng lấy ví dụ về Misa, một công ty CNTT đã đầu tư một nền tảng (Misa StartBooks) để những người làm kế toán chuyên nghiệp có thể làm dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp, để cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự đầu tư như này thì việc chuyển đổi số về kế toán cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời, nó cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên.

“Vậy nên, mỗi doanh nghiệp ICT phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng kêu gọi.

Về phía các doanh nghiệp và hiệp hội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Vinasa cho rằng, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đường hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức, doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng cho biết, đến thời điểm này, có thể nói các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho chuyển đổi số. Riêng với FPT, doanh nghiệp này đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp bằng nền tảng và sản phẩm số của tập đoàn, đồng thời đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao và chuyển giao phương pháp luận FPT Digital Kaizen được đúc kết dựa trên kinh nghiệm thực tế khi cộng tác cùng các đối tác quốc tế.

Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có 5 yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh gồm: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo nhân lực.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109