Công nghệ truyền thông số đổi mới căn bản phương thức truyền thông, phổ biến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến nhân dân. Các giá trị văn hóa trong sản phẩm văn hóa dạng kỹ thuật số, đa phương tiện sẽ được chuyển tải đến công chúng thông qua internet, mạng viễn thông, qua vệ tinh, qua mạng nội bộ…

Công nghệ số hình thành kho dữ liệu đồ sộ trên không gian mạng về các sản phẩm văn hóa, loại hình nghệ thuật dưới hình thức ký tự (chữ viết, có thể nhiều ngôn ngữ), âm thanh, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động (video/mô phỏng 2D, 3D, 4D…). Công nghệ chia sẻ, kết nối các dữ liệu lớn có thể kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm cho nhân dân. Việc lưu trữ các tài sản văn hóa như tác phẩm các loại hình nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật truyền thống) sẽ được tạo lập bằng công nghệ mới, lưu trữ bằng công nghệ số, hình thành kho dữ liệu lớn trên không gian mạng, tiện lợi cho tra cứu, cung cấp thông tin chính thống đến nhân dân ở trong nước, bạn bè và du khách quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) số liệu điều tra thị trường thu thập số liệu quy mô thị trường thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng – B2C (Business To Consumer) nói chunn năm 2021 ước tính tăng 16-18%, đạt doanh thu 13,7-14 tỷ USD, chiếm khoảng 6,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Hiện trên cả nước có 100 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và đơn vị nghệ thuật được sáp nhập với Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh hoạt động tại 62 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu tính cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang là 117 đơn vị. Số lượng doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay trên 4.000 công ty, khoảng trên 300 đơn vị hoạt động kinh doanh lĩnh vực âm nhạc, chuyên về tổ chức chương trình biểu diễn ca nhạc tại các tụ điểm ca nhạc, sân khấu, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, phòng trà ca nhạc.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông [1], tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%. Về kinh tế số, Ước tính tổng doanh thu kinh tế số Quý I/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP, trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022, đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Ứng dụng phục vụ xem truyền hình trực tuyến VTV GO của Đài Truyền hình Việt Nam có khoảng 5,89 triệu người sử dụng hằng tháng, tăng 15,1% so với Quý I/2021. Mỗi người sử dụng trung bình xem VTV GO 28 phút một ngày, tiêu thụ khoảng 300 MB dữ liệu một tháng. Đối với các trang báo điện tử, tổng số lượt truy cập trung bình hằng tháng của VnExpress là 135,7 triệu; Vietnamnet đạt 41,07 triệu; Nhân dân đạt 2,17 triệu… Tổng doanh thu quảng cáo trên phát thanh, truyền hình năm 2021 (ước tính) đạt 3.200 tỷ đồng.

Về hoạt động thanh toán qua ngân hàng, các ứng dụng tài chính số của 05 ngân hàng trên có sự phát triển mạnh sovới cùng kỳ năm ngoái và tương đối đồng đều nhau, trong đó số lượng người sử dụng hằng tháng của Vietcombank là 12,2 triệu, tăng 24% so với Quý I/2021; MB là 7,82 triệu, tăng 66% so với Quý I/2021; BIDV là 7,62 triệu, tăng 39% so với Quý I/2021; Viettin Bank là 5,46 triệu, tăng 44% so với Quý I/2021 và AgriBank là 4,86 triệu, tăng 21% so với Quý I/2021…

Có thể nói rằng, hạ tầng công nghệ nói chung và các công nghệ hỗ trợ trên nền tảng internet nói riêng, mức độ tăng trưởng của người sử dụng băng thông rộng, điện thoại thông minh, nhu cầu thưởng thức các dịch vụ xã hội nói chung, văn hóa nghệ thuật nói riêng ngày một tăng cao. Đồng nghĩa với một thị trường rất lớn về dịch vụ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng.

Khi sản phẩm văn hóa, tác phẩm của loại hình nghệ thuật được hình thành và phổ biến, mọi người dân có thể tiếp cận dữ liệu, tiếp nhận thông tin, tri thức, giá trị văn hóa rất dễ dàng. Các ứng dụng cung cấp dịch vụ trên hạ tầng băng thông rộng, phương thức truyền dữ liệu với tốc độ siêu cao tần (qua vệ tinh), 4G, 5G qua các trạm BTS mặt đất đã tạo điều kiện rất thuận lợi khi mọi người dân có ý định tiếp cận thông tin nào đó về văn hóa trên không gian mạng.

Việc tương tác của người sử dụng với các sản phẩm công nghệ trên môi trường mạng thông qua biểu hiện cảm xúc, bài viết, âm thanh, hình ảnh… gần như tức thời (thời gian thực), đáp ứng tính thời sự của thông tin. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao, đa dạng, phong phú sẽ được đáp ứng nhanh chóng, kịp thời thông qua môi trường mạng. Với kho dữ liệu đồ sộ trên không gian mở (có thể tương tác được), mọi người dân không chỉ thừa hưởng giá trị văn hóa ở đây mà còn tham gia vào quá trình sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật. Đây là một trong những hoạt động phù hợp với xã hội hiện đại.

Chuyển đổi số trong biểu diễn, phổ biến tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức được phép hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật không còn ở sân khấu, nhà hát, phổ biến tác phẩm nghệ thuật không còn là bản ghi âm, ghi hình để thưởng thức trên một thiết bị, trên một không gian truyền thống nhất định mà có thể qua internet với tính “xuyên biên giới”. Điều này đặt ra các vấn đề hệ trọng cần được quan tâm trong hoạt động chuyển đổi số của nhóm 1 (quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật).

Kết luận: Chuyển đổi số lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật là một trong những hợp phần quan trọng trong việc hình thành văn hóa số gắn liền với bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản của nhân loại và văn hóa truyền thống của Việt Nam[2]. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và ngành biểu diễn nghệ thuật nói riêng chủ yếu thừa kế hạ tầng công nghệ của đất nước để thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý, việc chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương cần được ưu tiên. Kèm theo đó, các cơ quan quản lý có liên quan cần ban hành chính sách, cơ chế bảo đảm sự đồng bộ nhằm khuyến khích hoạt động chuyển đổi số của nhóm sáng tạo tác phẩm nghệ thuật (là các nghệ sỹ chuyên nghiệp) và chuyển đổi số của nhóm biểu diễn, phổ biến tác phẩm nghệ thuật (là các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật). Việc chuyển đổi số và quản lý có hiệu quả hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong xu thế CMCN lần thứ 4 là một công việc khó, nhất là khi không gian mạng gần như được “xã hội hóa” nhanh hơn so với mô hình truyền thống.

Công nghệ hỗ trợ hoạt động nghệ thuật (đặc biệt trong xây dựng và phổ biến tác phẩm) là một xu thế khó đảo ngược. Song hành với tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật vẫn tồn tại các sản phẩm nghiệp dư thậm chí phi nghệ thuật. Điều này đặt ra nhiệm vụ đối với các nhà làm chính sách, bảo đảm sự hài hòa và kịp thời về mặt hành chính cũng như sử dụng giải pháp công nghệ nhằm tạo môi trường lành mạnh để phát triển tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng và công nghiệp văn hóa trên không gian mạng nói chung, đáp ứng được xu thế ứng dụng công nghệ lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trong tình hình mới ở Việt Nam./.

Dương Viết Huy


[1] Báo cáo Tình hình triển khai chuyển đổi số Quý I năm 2022

[2] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.