Đề xuất giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng sữa từ 2 – 5%Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng sữa từ 2 – 5% nhằm góp phần giảm giá sữa, tạo điều kiện mọi đối tượng nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc Việt, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh.

Bộ Tài chính vừa có công văn tiếp tục gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có các mặt hàng sữa.

Theo Bộ Tài chính, Hiệp hội Xuất khẩu sữa Hoa Kỳ đã kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất sữa công thức hoặc chế phẩm sữa khác bao gồm: bột sữa gầy từ 5% xuống 2%, bột sữa nguyên kem từ 5% xuống 2%; pho mát và sữa đông từ 10% xuống 5%; Albumin sữa từ 10% xuống 5%; Peptons từ 5% xuống 3%. Theo cơ quan này, việc giảm thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) sẽ giúp tăng sức mạnh của ngành sữa Việt Nam do được tiếp cận với các sản phẩm nhập khẩu có giá cạnh tranh.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cũng có kiến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng sữa công thức bao gồm: sữa công thức cho trẻ em; sản phẩm dinh dưỡng y tế từ 10% xuống 7%; các chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thiếu lactaza; loại khác giảm từ 15% xuống 10%; sản phẩm dinh dưỡng y tế khác giảm từ 10% xuống 7%.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng sữa bột (mã HS 04.02) từ 5% xuống 3% vì sẽ góp phần giảm giá sữa, tạo điều kiện mọi đối tượng nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc Việt, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu giảm thuế các mặt hàng chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ (HS 2106.90.81, 2106.90.89) và sản phẩm dinh dưỡng y tế khác mã HS2106.90.96, do đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ đối tượng trẻ em, người già và người bệnh, giảm bớt áp lực, chi phí chăm sóc, điều trị…

Trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế suất các mặt hàng trên như sau:

Mặt hàng Sữa và kem, đã cô đặc, đã pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác: giảm thuế MFN từ 5% xuống 2%; mặt hàng Pho mát và sữa đông: giảm thuế MFN từ 10% xuống 5%; mặt hàng Albumin sữa, kể cả các chất cô đặc của hai hoặc nhiều whey protein: giảm thuế suất MFN từ 10% xuống 5%; mặt hàng Pepton và các dẫn xuất của chúng; protein khác và các dẫn xuất của chúng, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; giảm thuế suất MFN là 5% xuống 3%;

Mặt hàng sữa công thức cho trẻ em, sản phẩm dinh dưỡng y tế: giảm thuế suất MFN từ 10% xuống 7%; chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: giảm thuế suất ưu đãi MFN từ 15% xuống 10%; sản phẩm dinh dưỡng y tế khác, giảm thuế suất MFN từ 10% xuống 7%.

Theo Bộ Tài chính, do mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa thuộc nhóm hàng cắt giảm thuế quan theo cam kết, hiện đang áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp (cơ bản là 0%) nên việc giảm thuế suất MFN đối với các nhóm mặt hàng này cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến tác động giảm thu ngân sách.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109