Bộ TN&MT tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về BĐKH
Chiều ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành có các buổi tiếp và làm việc với các đối tác quốc tế đa phương và song phương nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thúc đẩy hợp tác với Hà Lan trong thích ứng với BĐKH
Tại buổi tiếp giữa Thứ trưởng Lê Công Thành với bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam và ông Patrick Verkooijen, Giám đốc điều hành Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng (GCA), hai bên đã trao đổi về khả năng tham gia của Việt Nam vào Ủy ban toàn cầu về thích ứng.
Ủy ban toàn cầu về Thích ứng được thành lập nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động về thích ứng của Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH. GCA tập trung vào các giải pháp, phân tích các xu hướng thích ứng toàn cầu và tăng cường chương trình nghị sự các hoạt động thích ứng với BĐKH do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Trung tâm toàn cầu về Thích ứng đồng quản lý. Đồng Chủ tịch Ủy ban toàn cầu về Thích ứng là ông Ban-Ki-moon, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc; ông Bill Gates, đồng Chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates và Bà Kristalina Gorgieva, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới.
Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Thủ tướng Hà Lan sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới. Nhân chuyến thăm này, bên cạnh thúc đẩy các hợp tác song phương, Thủ tướng Hà Lan cũng mong muốn được tái khẳng định với Chính phủ Việt Nam chung tay đưa ra các hành động cụ thể ứng phó với BĐKH. Vì vậy, phía Hà Lan mong muốn Việt Nam sẽ quan tâm, tham gia vào Ủy ban toàn cầu về Thích ứng; đồng thời khi trở thành thành viên của sáng kiến này sẽ là cơ hội để các nước có thể trao đổi kinh nghiệm của Việt nam, cũng như để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, kêu gọi hợp tác và hỗ trợ cho các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Cảm ơn đề xuất của phía Hà Lan, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH như Hà Lan. Chính phủ Hà Lan không chỉ có chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà cũng quan tâm đến vấn đề thích ứng với BĐKH nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm về xây dựng các chính sách và phát triển các hoạt động thích ứng. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu kỹ các đề xuất của phía Hà Lan về việc tham gia Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng để báo cáo Chính phủ.
Thứ trưởng cũng cho biết, sắp tới, Bộ được Chính phủ giao chuẩn bị tổ chức Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng BĐKH và quản lý nước; Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Thứ trưởng mong phía Hà Lan quan tâm, tham gia và ủng hộ tích cực đối với hai Hội nghị này.
Tăng cường hợp tác với Canada trong giảm phát thải khí nhà kính
Tại buổi tiếp và làm việc với Thứ trưởng Lê Công Thành, bà Patricia Fuller, Đại sứ phụ trách Biến đổi khí hậu của Canada mong muốn thảo luận các hợp tác song phương giữa hai nước về BĐKH, tập trung vào các mục tiêu và chiến lược BĐKH tại Việt Nam; việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về BĐKH; lộ trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo…
Thảo luận về các vấn đề phía Canada quan tâm, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH, Việt Nam đã cam kết tự thực hiện cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính và có thể đạt 25% khi có thêm hỗ trợ quốc tế so với kịch bản phát triển thông thường giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, tất cả các ngành kinh tế đều đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, trong đó ngành năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong nỗ lực giảm phát thải.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Môi trường cũng trao đổi về một số vấn đề mong muốn hợp tác với phía Canada như hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải, nước thải; hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường; giảm sử dụng nhựa dùng một lần và hạn chế rác thải nhựa đại dương…
Cảm ơn những chia sẻ của phía Việt Nam, bà Patricia Fuller khẳng định, phía Canada mong muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, nhất là tiêu chuẩn đối với các nhà máy điện than, góp phần sử dụng năng lượng hiệu quả và dần chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Khẳng định mong muốn hợp tác với Canada, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đơn vị liên quan của hai bên tiếp tục thảo luận chi tiết các nội dung đã trao đổi. “Chính phủ Việt Nam quyết tâm xử lý vấn đề môi trường hiệu quả. Chúng tôi đang xây dựng các chính sách về công nghệ, thay đổi các quy định về môi trường, sử dụng các đòn bẩy kinh tế… để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất sạch hơn. Trong quá trình chuyển đổi này, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ từ các đối tác phát triển như Canada.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn phía Canada cũng tăng cường hợp tác với các nước Lào, Campuchia để các nước trong lưu vực sông Mê Công cùng có hướng đi chung trong việc đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… thay vì đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, gây tác động đến ĐBSCL và làm gia tăng tác động BĐKH đối với nơi đây.
Cùng hợp tác với Ngân hàng thế giới và các đối tác phát triển để ứng phó với BĐKH tại Việt Nam
Tại buổi làm việc với Ngân hàng thế giới (WB), ông Christophe Crepin, Giám đốc lĩnh vực tài nguyên và môi trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, WB đã trao đổi 03 nội dung chính bao gồm: (i) Đề xuất Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các hoạt động chuẩn bị xây dựng Cơ chế thực hiện NDC; (ii) Dự án hỗ trợ biến đổi và tăng trưởng xanh giai đoạn 2 (CC&GG DPF2); (iii) Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam (VNPMR).
Trao đổi với phía WB, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn các đề xuất hợp tác của phía WB hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Các đề xuất này sẽ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020. Thứ trưởng giao Cục Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục thúc đẩy hợp tác với WB trong các dự án này.
Thông tin về việc Hội nghị của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL sắp được tổ chức, Thứ trưởng cho rằng, Hội nghị sẽ giúp Việt Nam đánh giá tổng thể những công việc đã làm được tại ĐBSCL và có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn trước những vấn đề đang diễn ra tại đây.
Thứ trưởng mong rằng: “WB cùng các đối tác phát triển tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và thực hiện các cam kết của Việt Nam với thế giới trong Thỏa thuận Paris về BĐKH.”
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137